Công an vùng cao M’Đrăk kết nối Zalo ngăn ngừa tội phạm

VOV.VN - Từ các nguồn tin, lực lượng chức năng đã giải quyết nhanh gọn, hiệu quả các vụ việc gây mất an ninh trật tự cơ sở.

Trước xu thế bùng nổ thông tin và việc sử dụng các mạng xã hội, từ đầu năm nay, Công an huyện MDrăk, tỉnh Đăk Lăk đã lập nhiều địa chỉ Zalo, Facebook... để tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, tìm người mất tích, tai nạn giao thông; đăng tải thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật...

Sau hơn nửa năm triển khai, mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ các nguồn tin, lực lượng chức năng đã giải quyết nhanh gọn, hiệu quả các vụ việc gây mất an ninh trật tự cơ sở.

Ea Pil 2.jpg

Công an M'Đrăk bắt giữ nhóm khai thác cát lậu tại khu vực giáp ranh với xã Ea Sô (Ea Kar)

Xã Ea Pil, huyện MDrăk, có 12 dân tộc sinh sống trên diện tích hơn 80km2. Lợi dụng địa bàn rộng, lại có tuyến quốc lộ 26 đi qua, có đường thông với huyện Ea Kar (tỉnh Đăk Lăk) và huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), các đối tượng tội phạm thường lui về địa phương ẩn náu và hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, ở thôn 1, xã Ea Pil, cho biết, từ đầu năm nay, khi Công an xã Ea Pil lập các địa chỉ Zalo, Facebook tiếp nhận tin báo từ người dân, những vụ việc vi phạm pháp luật giảm hẳn.  

"Thôn 1 trước đây xảy ra nhiều vụ việc đánh nhau, trộm cắp, từ khi triển khai mô hình Zalo tiếp nhận tin tố giác, công an xã xuống giải quyết nhanh gọn và hiệu quả nên giảm hẳn. Có Zalo, bà con cứ điện gửi hình ảnh cho công an, điện đầu thôn cuối thôn là tội phạm sợ không dám hoạt động nữa. Ban tự quản thôn đang tuyên truyền bà con kết nối với thôn trưởng, thôn phó, trưởng công an xã để báo tin cho công an giải quyết để đảm bảo an ninh trật tự", ông Hùng cho biết.

Theo đại úy Nguyễn Sơn – Trưởng Công an xã Ea Pil, qua các trang mạng "Facebook, Zalo –Kết nối bình yên cho mọi nhà", các anh không chỉ nhanh chóng nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân, mà qua đây, các anh còn truyền tải trực tiếp đến người dân những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

"Qua công tác thực tế tại địa phương, cũng như việc bùng nổ thông tin sử dụng các mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay, khi về công tác tại địa bàn xã, tôi đã xin ý kiến lãnh đạo công an huyện lập các trang mạng Zalo, Facebook để tuyên truyền phổ biến pháp luật, tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm. Khi được tuyên truyền, người dân và nhất là giới trẻ họ tiếp thu và đạt kết quả nhanh chóng. Tình hình an ninh trật tự địa bàn cũng ổn định hơn, số vụ vi phạm pháp luật giảm hẳn. Đến thời điểm này, trang Zalo của xã Ea Pil đã được 490 lượt người dân quan tâm theo dõi", Đại úy Sơn cho biết.

Thông tin từ Công an huyện MDrăk cho thấy, đến thời điểm này, tất cả các xã trên địa bàn đã thiết lập trang Zalo, Facebook và số điện thoại Zalo kết nối với người dân để tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tai nạn giao thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật...

Trung tá Hồ Phi Nam – Phó trưởng Công an huyện MDrăk cho biết, từ đầu năm tới nay, thông qua các địa chỉ này, đơn vị đã triệt phá được trên 30 vụ vi phạm pháp luật, xử phạt hành chính trên 100 người. Ngoài ra, Công an huyện cũng chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng cao hơn khởi tố nhiều vụ án và hàng chục đối tượng phạm pháp hình sự.

Theo Trung tá Hồ Phi Nam, việc sử dụng các trang Facebook, Zalo hay số điện thoại Zalo cũng có những mặt trái. Để các trang này phát huy tối đa hiệu quả cũng như loại bỏ những thông tin sai sự thật, Công an huyện đã cho thành lập tổ thẩm định thông tin, đồng thời tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho tất cả công an các xã, thị trấn, và tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc kết nối.

"Chúng tôi đã lựa chọn các cán bộ chiến sỹ có kỹ năng về công nghệ thông tin, soạn thảo văn bản cũng như am hiểu tình hình an ninh trật tự địa bàn để đưa vào tổ kiểm duyệt thông tin. Những cán bộí này đến từ các tổ an ninh, kinh tế, ma túy, hình sự. Cùng với đó, chúng tôi còn chỉ đạo trưởng công an các xã chịu trách nhiệm tương tác với người dân để tiếp nhận thông tin; chỉ đạo công an các xã, thị trấn tiếp tục lồng ghép trong các buổi họp dân để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của các trang mạng Zalo, Facebook để họ sử dụng cung cấp thông tin", Trung tá Hồ Phi Nam cho biết thêm.

Có thể nói, trong xu thế bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, việc áp dụng hình thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm qua Zalo, Facebook là rất thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, nhất là ở những địa bàn nông thôn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Camera an ninh” và “Zalo an ninh”: Tội phạm khó có đường thoát
“Camera an ninh” và “Zalo an ninh”: Tội phạm khó có đường thoát

VOV.VN - Mô hình đã phát huy được ý thức, tinh thần cảnh giác của nhân dân đối với công tác phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh, trật tự.

“Camera an ninh” và “Zalo an ninh”: Tội phạm khó có đường thoát

“Camera an ninh” và “Zalo an ninh”: Tội phạm khó có đường thoát

VOV.VN - Mô hình đã phát huy được ý thức, tinh thần cảnh giác của nhân dân đối với công tác phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh, trật tự.