Cuộc chiến chống ma túy 2023: Cơ quan chuyên trách "chốt chặn" các cửa ngõ
VOV.VN - Các lực lượng chuyên trách trong phòng, chống ma túy luôn luôn là những "chốt chặn", những "lá chắn thép" ngăn chặn nhiều đường dây tội phạm ma túy ngay từ khu vực biên giới, không để thẩm lậu vào trong nội địa, góp phần bảo vệ ANTT của đất nước và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Sáng 22/9, 1,3 tấn ketamin đã bị thu giữ, các đối tượng tội phạm vận chuyển ma túy xuyên quốc gia trong chuyên án 103H đã bị bắt giữ với sự chủ trì của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý. Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều những chuyên án ma túy lớn đã được triệt phá trong năm 2023 với sự phối hợp của 4 lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy tại Việt Nam gồm: Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; Lực lượng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng; Các cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống ma túy thuộc Hải quan.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho hay, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ Công an, ngành Hải quan tổ chức thu thập thông tin, xây dựng các kế hoạch kiểm soát và đồng thời thực hiện công tác phòng chống ma tuý.
Còn Đại tá Lê Đình Hưng, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam cho biết:"Chúng tôi phối hợp với nhau rất mật thiết, gắn bó. Đã có nhiều chuyên án thu được kết quả rất lớn và thể hiện được vai trò của tất cả các lực lượng phối hợp trong công tác phòng chống ma tuý. Đây là 4 lực lượng đóng vai trò chốt chặn ngay từ biên giới Việt Nam đối với các đường dây sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia.
Sử dụng công nghệ hiện đại để điều hành, tổ chức các hoạt động mua bán ma túy
Phát biểu mới đây tại Hội nghị thông báo kết quả phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý cấp Trung uơng năm 2023, tổ chức tại Hà Nội ngày 21/12, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên thế giới cũng như khu vực diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng về tính chất và mức độ. Khu vực Đông Nam Á đặc biệt là Lào, Campuchia, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đang diễn ra nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Tại Việt Nam, những tuyến trọng điểm phức tạp về tình hình tội phạm ma túy bao gồm tuyến Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc miền Trung-Tây Nguyên, Tây Nam; tuyến đường biển, hàng không, bưu điện.
Tội phạm ma túy đồng thời lợi dụng các trang mạng xã hội như zalo, facebook, telegram, các trang web ngầm để lôi kéo sử dụng ma túy trái phép hoặc quảng cáo, giao dịch các loại ma túy như: cỏ mỹ, cần sa, “nước vui”, bánh cần, bánh lười “lazy cakes” chứa cần sa.
Bên cạnh đó, ma túy còn được tẩm ướp trong tinh dầu thuốc lá điện tử POD, thuốc lá gói Tabaco, thuốc lá điếu Hitton. Khi giao dịch, các đối tượng gửi, nhận hàng cấm qua các công ty dịch vụ vận chuyển (có thể gửi hàng tự động với hệ thống máy tính không cần đến nhân viên) hoặc qua dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ đang phát triển rất mạnh tại các thành phố, đô thị lớn.
Đáng chú ý, các đối tượng thường xuyên tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng khi mua bán, vận chuyển ma túy. Khi bị vây bắt, các đối tượng rất manh động, liều lĩnh chống trả, tấn công lực lượng chức năng.
“Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, đặc biệt là khoa học và công nghệ, do siêu lợi nhuận từ hoạt động buôn bán trái phép chất ma túy nên tội phạm về ma túy đã mua sắm các thiết bị về công nghệ hiện đại để điều hành, tổ chức các hoạt động mua bán ma túy với phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi. Mặt khác, các hình phạt tội phạm mua bán ma túy rất nghiêm khắc, nên khi phát hiện truy bắt các đối tượng chống trả rất quyết liệt lực lượng chức năng, gây tổn thất lớn cho lực lượng”- Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý nói..
Trước tình hình ma túy phức tạp tại nhiều địa bàn trên cả nước, thực hiện Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, các cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Kết quả, năm 2023, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn quốc đã chủ trì, phối hợp các lực lượng đấu tranh thành công 24.765 vụ, bắt giữ 38.681 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó có 26 đối tượng là người nước ngoài thu giữ 444 kg heroin, 4,9 tấn ma túy tổng hợp, 81 kg thuốc phiện, 500 kg cần sa, 330 kg cocain.
Lực lượng Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 854 vụ/1.231 đối tượng, thu 1.230 kg ma túy các loại và nhiều tang vật liên quan khác.
Lực lượng chuyên trách Phòng, chống tội phạm ma túy của Cảnh sát biển đã phối hợp với các lực lượng đấu tranh 126 chuyên án, vụ án, bắt giữ 209 đối tượng, thu giữ 106 bánh và 10 kg heroin; trên 1,4 tấn ma tuý tổng hợp; gần 6 kg cần sa; 2 khẩu súng, 55 viên đạn. Lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 221 vụ/260 đối tượng, thu giữ hàng tấn ma tuý các loại.
Năm 2023: Công tác tuyên truyền được chú trọng
Bên cạnh công tác đấu tranh triệt phá, công tác phối hợp tuyên truyền về phòng, chống ma túy của các cơ quan chuyên trách được tập trung tổ chức triển khai với nhiều hoạt động đa dạng. Trong đó, Cục Cảnh sát Điều tra tộ phạm về ma tuý, Bộ Công an đã tham mưu Bộ Công an tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy. Chỉ qua 3 tháng tổ chức, cuộc thi đã tạo ra sự lan tỏa, hiệu ứng lớn trong xã hội: có hơn 3 triệu lượt người dự thi theo hình thức trực tuyến; số bài thi tự luận gửi về Ban Tổ chức là gần 5.000 bài.
Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phối hợp tuyên truyền theo chuyên đề về phòng, chông ma túy và lồng ghép trong các nội dung tuyên truyền chung về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới được 5.109 buổi/196.589 lượt người tham gia.
Năm 2023 các lực lượng đã xây dựng 7 mô hình, 14 câu lạc bộ tự quản, 35 hộp thư tố giác tội phạm; tổ chức tuyên truyền, vận động 17.998 hộ dân/211 bản và 03 điểm dân cư - xã biên giới ký cam kết không tham gia, tiếp tay cho tội phạm.
Công tác nắm tình hình và trao đổi thông tin tội phạm ma túy giữa các lực lượng ngày càng được chú trọng, đi vào thường xuyên và hiệu quả hơn. Định kỳ, các đơn vị chức năng phòng chống ma tuý của 4 lực lượng đã tổ chức giao ban đánh giá tình hình, kết quả công tác phối hợp, chủ động trao đổi thông tin, tình hình, diễn biến, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm ma túy tại các địa bàn, khu vực. Tính đến tháng 11/2023, đã có 1.582 nguồn tin, tài liệu có giá trị phục vụ công tác đâu tranh, ngăn chặn tội phạm về ma túy.
Hoạt động trao đổi, phối hợp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm ma túy giữa các cơ quan chuyên trách thời gian qua luôn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, thống nhất phương thức tổ chức các hoạt động, nội dung, yêu cầu phối hợp theo từng cấp, đã phối hợp tiến hành điều tra cơ bản về phòng, chống ma túy theo 03 lớp: “Lớp thứ nhất” ở địa bàn ngoại biên; “lớp thứ hai” ở khu vực các xã, thị trấn tuyến biên giới; “lớp thứ ba” ở khu vực nội địa.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách đã tích cực tham gia phối hợp trong tham mưu và triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTP ma túy như: tham gia làm việc, trao đổi với Trung tâm phòng, chống ma túy các nước Tiểu vùng Sông Mê Công (SMCC); tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 8 tại Lào; Hội nghị toàn thể MTR-SEA 2023 tại Thái Lan; Hội nghị song phương giữa Việt Nam - Thái Lan về hợp tác phòng, chống ma túy lần thứ 15 tại Đà Nẵng; trao đổi về tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến đường biển của Việt Nam do cơ quan UNODC tổ chức; trao đổi thư với các nước trong khu vực về tình hình ma túy trôi dạt trên biển…Đồng thời, Các cơ quan chuyên trách đã tham mưu, đề xuất các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Chia sẻ về vai trò của lực lượng hải quan, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan khẳng định, ngành hải đã trang bị các trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác phòng chống ma túy. Đồng thời thực hiện có hiệu quả trang thiết bị này trong công tác phòng chống ma túy, ví dụ: máy phát hiện ma túy, chó nghiệp vụ, các địa bàn bàn có rủi ro cao về hoạt động buôn bán vận chuyển chất ma túy. Ngành Hải quan cũng đã triển khai công tác hợp tác quốc tế trong vấn đề trao đổi, thu thập thông tin giữa các nước trong khu vực, cũng như hiệp định đơn phương, đa phương. Đặc biệt, Việt Nam tham gia chiến dịch "con rồng Mê kông" và thu được kết quả rất tốt trong bắt giữ, xử lý vụ việc.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý cho hay, năm 2024, toàn bộ lực lượng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, giảm cung giảm cầu, giảm tác hại. Các lực lượng chuyên trách từ bên kia biên giới như lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, hải quan sẽ ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa... Cùng với đó, Cục C04 đã có kế hoạch xây dựng đợt cao điểm gửi cho các phòng ma túy tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra tiền chất. Trong đó, đẩy mạnh việc kiểm tra, bắt giữ các đối tượng có dấu hiệu liên quan đến tẩm ướp ma túy vào thuốc lá điện tử, bóng cười, hay ma túy tại trường học .... Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng sẽ đẩy mạnh công tác rà soát, giải quyết triệt để các tụ điểm phức tạp, các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhạy cảm lợi dụng kinh doanh ma túy và chặn nguồn cung. Cuối cùng, sẽ phối hợp Bộ Lao động, Bộ Y tế để tăng cường quản lý các đối tượng này.
Bằng nghiệp vụ vững vàng, bằng tinh thần quyết tâm và sức chiến đấu bền bỉ, các lực lượng chuyên trách đã, đang và sẽ tiếp tục hợp đồng tác chiến, chiến đấu không khoan nhượng với các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Các lực lượng chuyên trách trong phòng, chống ma túy luôn luôn là những chốt chặn, những lá chắn thép ngăn chặn nhiều đường dây tội phạm ma túy ngay từ khu vực biên giới, không để thẩm lậu vào trong nội địa, góp phần bảo vệ ANTT của đất nước và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.