Cướp giật đồ cúng cô hồn trên phố Sài Gòn
Đạo cụ "hành nghề" của nhóm này là cây vợt tự chế treo bao tải có đường kính gần nửa mét dùng để hứng tiền ở những nơi gia chủ thả từ trên cao xuống.
Đứng trước cửa tiệm vật liệu xây dựng trên đường Vạn Kiếp, nhóm này nôn nóng ngóng lên ban công tầng 2 của tiệm, nơi khói hương bắt đầu nghi ngút. Người dân ở khu phố cũng tập trung đông trước cửa chờ đợi chủ tiệm ném đồ cúng xuống. Còn ông chủ tiệm vật liệu xây dựng rút kinh nghiệm những năm trước bị nhiều thanh niên du côn lợi dụng giật cô hồn để cướp đồ đạc của khách, nên từ 4h chiều 16/7 âm lịch đã đóng cửa tiệm để chuẩn bị cúng.
Bà Trần Thị Mơ, một người dân đang chờ đợi để giật đồ cúng, chép miệng: “Đợi cúng xong nhặt ít tiền mua bia mà thấy nhóm kia chuyên nghiệp, đem cả vợt hứng là mình thấy thua rồi”. Khi gia chủ từ trên ban công rải mớ tiền lẻ xuống, nhóm thanh niên đã chờ sẵn nhào vào giơ vợt lên vớt sạch. Nhóm này đông hơn nên con nít và người dân khu phố bị đẩy văng ra ngoài. Đợt tiền thứ hai cũng nhanh chóng chui vào vợt của nhóm thanh niên trong tích tắc.
“Trời, có thế thôi à”, một thành viên trong nhóm thanh niên nhặt tiền cảm thán, mặt lộ rõ vẻ thất vọng vì đám cúng không to như mong đợi. Vét hết những đồng tiền lẻ còn rơi quanh đường được tổng cộng khoảng vài trăm nghìn đồng, cả nhóm lên xe phóng thẳng "qua đường An Dương Vương tụi bây” theo lệnh trưởng nhóm.
Tục cúng cô hồn có từ lâu đời, là một trong hai lễ lớn của tháng 7 âm lịch tại Việt Nam bên cạnh lễ Vu Lan báo hiếu. Thời gian cúng cô hồn kéo dài suốt tháng 7, không ấn định riêng ngày nào song tập trung cao điểm vào ngày 16 âm lịch. Tại Sài Gòn, những gia đình người Hoa tại khu Chợ Lớn và người theo đạo Phật, các công ty thường có lễ cúng rất lớn với tiền thật lên đến cả triệu, tiền vàng mã, heo quay, gà quay, trái cây...
Cúng xong họ ném tiền, heo gà ra ngoài gọi là bố thí cho các vong hồn, âm binh lang thang. Do đó đây là dịp để nhiều người đổ ra đường tranh cướp đồ cúng, chủ yếu là tiền và đồ có giá trị. Tương truyền mâm cúng càng được cướp giật nhiều và nhanh thì gia chủ càng có nhiều phúc lộc trong năm. Có nhiều gia đình bày mâm cúng ra chưa kịp thắp hương đã bị giật sạch đồ cúng, chủ nhà đành cười xòa.
Một cụ ông tại khu vực Chợ Lớn cho rằng cúng cô hồn thuở sơ khai mang mang ý nghĩa tốt đẹp, là dịp để người khá giả làm từ thiện, bày tỏ sự chia sẻ với người ít may mắn hơn. Những người hành khất, xe ôm, bán hàng rong đều mong chờ dịp này để nhận chút quà nhỏ. Còn hiện tại tình trạng giật cô hồn đã bị biến tướng nhiều, đôi khi thành những hành động côn đồ, du côn.
Mặt tiền nhà cách xa đường đến 4 m, chiều rằm tháng 7 bà Mai ở quận 10 yên tâm bày mâm lễ cúng với con heo quay bạc triệu. Bà loay hoay chưa kịp lên nhang đèn khấn vái thì có hai thanh niên đợi sẵn lao vào mâm cúng ôm con heo chạy mất. Trước cú ra tay chớp nhoáng, thấy đám người tiếp theo hăm he lao vào mâm cúng còn lại, con trai bà Mai hốt hoảng bê mâm vào nhà chốt cửa, leo lên sân thượng thả tiền xuống đất. Tuy nhiên, vẫn có vài thanh niên đuổi theo vào nhà định giật luôn cả đĩa tiền, khiến cánh đàn ông nhà bà Mai phải tóm lại tống ra cửa.
"Hồi bé trẻ con hay kéo nhau đi giật cô hồn để mang phước cho chủ nhà nhưng chỉ loanh quanh tranh nhau những cóc, ổi, đậu phộng, bánh trái... do chủ nhà cúng xong phân phát như một dịp vui chung. Đành rằng khi cúng cô hồn phải có người đến giật mới hên nhưng từ 'giật' thành 'cướp' như thế này thì trắng trợn quá", bà Mai bức xúc.
Gia đình anh Hà ở quận 6 cũng gặp tình trạng tương tự. Làm lễ đầy tháng con trai, anh Hà đang loay hoay sửa soạn mâm lễ cúng ngoài sân thì bị đám thanh niên chạy vào cướp mất con gà luộc. Mua lại con gà khác, anh đóng cổng, lùi mâm cúng vào sâu trong nhà để khỏi bị hiểu lầm là cúng cô hồn.
“Mới chuyển nhà về khu này, tôi quên mất đang dịp cúng cô hồn nên không đề phòng trước”, anh Hà dở khóc dở cười./.