Đại án Phạm Công Danh và đồng phạm: Toà trả hồ sơ để điều tra bổ sung
VOV.VN - Sáng nay (7/2), HĐXX xét thấy, do thiếu chứng cứ mà không thể bổ sung tại phiên tòa nên đã hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Sau một tháng xét xử, trong đó có gần 1 tuần nghị án, sáng nay (7/2), theo kế hoạch Toà án nhân dân TPHCM sẽ tuyên án đối với các bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank và 44 đồng phạm bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy, do thiếu chứng cứ mà không thể bổ sung tại phiên tòa, nên đã quyết định hoàn trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra bổ sung.
Các bị cáo tại Tòa. |
Thay mặt Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ toạ phiên toà Phạm Lương Toản cũng nêu ra 6 vấn đề cần được điều tra làm rõ, để giải quyết toàn diện vụ án đúng quy định của pháp luật như: Cần xem xét làm rõ: Các bị cáo là cán bộ ngân hàng có quen biết với Phạm Công Danh hay không, khi vay tiền có biết các công ty này do Phạm Công Danh thành lập, có liên quan đến Phạm Công Danh, có biết mục đích vay tiển của Phạm Công Danh hay không? Tại phiên toà, các bị cáo cho rằng chỉ có lỗi sai sót trong quá trình nghiệp vụ, nhưng là lỗi vô ý. Luật sư và các bị cáo cho rằng các bị cáo không đồng phạm với Phạm Công Danh – cũng cần được làm rõ.
Bị cáo Phạm Công Danh tại Tòa. |
Tại phiên toà, các bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang cho rằng, việc các bị cáo cũng như lãnh đạo các ngân hàng TPBank, BIDV cùng cho Phạm Công Danh vay nhưng chỉ có các bị cáo bị truy tố. Các bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang thừa nhận có gặp và bàn bạc với bị cáo Danh về vấn đề vay tiền ngân hàng là đúng quy định pháp luật và quy trình của ngân hàng về các khoản vay lớn. Việc sai sót là nghiệp vụ của cấp dưới, các bị cáo chỉ phê duyệt chủ trương, mà không biết mục đích thực sự của việc vay tiền, nên không chỉ dựa vào đó để buộc đồng phạm với Phạm Công Danh được… Bị cáo Trầm Bê không phục quyết định của Viện kiểm sát và đề nghị xem xét lại vấn đề này để đảm bảo đúng người, đúng tội, không oan sai, cũng như không bỏ lọt tội phạm…
Bị cáo Trầm Bê. |
Các bị cáo là cán bộ Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Gia Định, qua thẩm vấn tranh tụng tại toà và đối đáp với luật sư, Viện kiểm sát cho thấy cần xác định lại hành vi phạm tội để có căn cứ truy tố tội danh cho phù hợp.
Trong quá trình xét hỏi tại phiên toà, có ý kiến cho rằng, hành vi của bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng… Hội đồng xét xử đề nghị cần điều tra làm rõ, thời điểm chiếm đoạt và số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu?
Về số tiền Viện kiểm sát đề tuyên thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng, Hội đồng xét xử xét thấy việc đề nghị thu hồi theo đề nghị của Viện kiểm sát sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy cần xem xét lại, cần xác định rõ vật chứng của vụ án hình sự này, từ đó giải quyết vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Về đề nghị của bị cáo Phạm Công Danh xem xét số tiền 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ, nhưng chưa được chấp thuận tăng vốn. Hội đồng xét xử xét thấy số tiền này đã được chuyển về Ngân hàng Xây dựng và đã sử dụng cho ngân hàng này. Phạm Công Danh và đồng phạm có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại trên 6.126 tỷ đồng, nhưng Phạm Công Danh đã chuyển trở lại cho Ngân hàng Xây dựng 4.500 tỷ đồng. Cần xác định trong trường hợp này, Ngân hàng Xây dựng thiệt hại 6.126 tỷ đồng hay bao nhiêu? Cần được điều tra làm rõ. Căn cứ xác định thiệt hại này cần phải được xem xét phù hợp với đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, cũng như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi đánh giá thiệt hại của Ngân hàng Xây dựng tại thời điểm Phạm Công Danh và đồng phạm bị bắt./.
Đại án Phạm Công Danh: Nhiều bị cáo bật khóc nói lời sau cùng
Đại án Phạm Công Danh: Tiếp tục phần tranh luận của các luật sư