Đại diện C06: "Tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ và dao chiếm tỷ lệ rất cao"
VOV.VN - Theo Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng Phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (C06) cho biết, tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ và dao chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới hơn 88,4% số vụ.
Kỳ họp thứ 7 khóa XV sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận để thông qua dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và Công cụ hỗ trợ (sửa đổi), thay thế luật hiện hành đã có hiệu lực từ năm 2017. Trong dự thảo, Bộ Công an đã sửa đổi, bổ sung 55 điều. Để làm rõ điều này, PV VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn với Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng Phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an.
PV: Việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang thu hút được sự quan tâm đông đảo của người dân. Xin Đại tá cho biết vì sao phải cần thiết sửa đổi Luật này?
Đại tá Vũ Minh Hùng: Qua gần 6 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân và Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật cũng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần thiết phải sửa đổi các nội dung quan trọng trong Luật này, gồm: Các khái niệm về vũ khí; quy định về tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tặng, viện trợ; sửa đổi, cắt giảm các loại giấy tờ, thủ tục tại các điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép; quy định giấy phép sử dụng không có thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng; sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhằm đảm bảo đáp ứng công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới.
Một số nội dung quan trọng cần thiết phải sửa đổi Luật, đó là: Đầu tiên, qua tổng kết 5 năm thi hành Luật thấy tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số 34.109 vụ, 56.027 đối tượng bị bắt giữ thì tội phạm sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là 28.715 vụ, 48.987 đối tượng (chiếm 84,2% số vụ, 87,4% số đối tượng), trong đó nổi lên:
Tội phạm sử dụng súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với tội phạm sử dụng súng quân dụng gây án (1.783/330 vụ, 2.589/546 đối tượng, gấp 6 lần số vụ, 5 lần số đối tượng sử dụng súng quân dụng), nhiểu vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật hiện hành thì một số loại vũ khí này được xác định là súng săn (súng kíp, súng hơi), vũ khí thể thao (súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay), khi đối tượng chế tạo, sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại súng này chỉ bị xử lý hình sự theo Điều 306 BLHS 2015 - sửa đổi, bổ sung 2017 khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xoá án tích; bên cạnh đó nhiều loại súng tự chế chưa có chế tài quy định như súng nén khí, súng bắn đạn bi …
Vì vậy các đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, cần thiết phải đưa các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng đảm bảo khái quát, đầy đủ và giao Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục; khi được trang bị, sử dụng để luyện tập thi đấu thể thao thì là vũ khí thể thao, súng săn.
Tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ và dao chiếm tỷ lệ rất cao 25.378 /28.715 vụ (chiếm 88,4%). Riêng đối tượng sử dụng các loại dao và phương tiện tương tự dao là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, giã man, tàn ác, gây bức xúc dư luận xã hội và nhân dân. Tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay đối tượng là thanh thiếu niên thành lập các băng nhóm tự hoán cải các loại dao này, hành thêm tuýp sắt dài từ 1 - 2m để giải quyết mâu thuẫn, đe doạ người dân.
Do đó, để đấu tranh, ngăn chặn với loại tội phạm này thì cần thiết phải đưa dao vào nhóm vũ khí thô sơ và phân định cụ thể như sau:
Dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Vũ khí thô sơ được trang bị để thi hành công vụ hoặc không được trang bị nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì là vũ khí quân dụng.
Dao có tính sát thương cao được sử dụng với mục đích sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính thì cần thiết phải rà soát thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ để cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có nhu cầu cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước; tuy nhiên, Luật hiện hành quy định nghiêm cấm cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài thì cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.
Quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp còn chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn, vướng mắc, do đó, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân.
PV: Xin Đại tá cho biết điểm nhấn trong nội dung sửa đổi Luật này là gì?
Đại tá Vũ Minh Hùng: Việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi) lần này nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật, đồng thời, đảm bảo thống nhất với các Luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm.
Trong đó, dự thảo Luật lần này, có một số điểm nổi bật, đó là: Hoàn thiện quy định các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo tính khái quát, phù hợp với các Luật có liên quan đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho tặng, viện trợ nhằm tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, viện trợ.
Sửa đổi, cắt giảm đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ, quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quy định giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không có thời hạn, việc chuyển giấy xác nhận đăng ký sang giấy phép sử dụng nhằm cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, thực hiện được yêu cầu cua Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và Chính phủ điện tử.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
PV: Hiện nay đang có nội dung mà nhiều người còn băn khoăn, đó là đưa dao vào danh mục vũ khí cần được quản lý trong dự thảo Luật lần này. Xin Đại tá phân tích lý do của nội dung sửa đổi này?
Đại tá Vũ Minh Hùng: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 không quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí; vũ khí thô sơ được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của Luật này nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật không được xác định là vũ khí quân dụng. Trong khi đó, tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chỉ xử lý hình sự được đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ khi đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích.
Qua tổng kết 5 năm thi hành Luật thấy, trong tổng số 28.715 vụ đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án, riêng đối tượng, sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Thực tế hiện nay, tình trạng đối tượng là thanh, thiếu niên thành lập các băng, nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc, nhọn, hàn thêm tuýp sắt dài từ 1m đến 2m để giải quyết mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, đe dọa người dân, gây bức xúc dư luận xã hội; do đó, cần phải đưa dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Bên cạnh đó, vũ khí thô sơ khi được trang bị cho lực lượng vũ trang để sử dụng để đấu tranh trực diện, trực tiếp với tội phạm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ con người cũng nguy hiểm như các loại vũ khí quân dụng khác; do đó, cần thiết phải đưa các loại vũ khí thô sơ này vào nhóm vũ khí quân dụng nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi của các đối tượng, giảm nguồn tội phạm.
Tuy nhiên, dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng, được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, do đó, để bảo đảm không ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội của nhân dân nên dự thảo Luật chỉ quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí khi đối tượng sử dụng vào mục đích trái pháp luật; trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Như vậy, cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí trong dự thảo Luật, trong đó được phân định rõ: Dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích trái pháp luật là vũ khí thô sơ.
Dao có tính sát thương cao khi được trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
Dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
PV: Việc quy định dao vào danh mục vũ khí cần được quản lý sẽ đem lại ý nghĩa như thế nào?
Đại tá Vũ Minh Hùng: Việc bổ sung dao vào danh mục vũ khí thô sơ có ý nghĩa hết rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, được thể hiện ở một số nội dung sau: Nhằm quản lý chặt chẽ các loại dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Thứ hai là ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép các loại dao nhất là, sử dụng dao có tính sát thương cao gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng...; ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên thành lập các băng, nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc, nhọn để giải quyết mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, đe doạ người dân gây hoang mang lo lắng, bức xúc xã hội và nhân dân.
Bên cạnh đó, việc đưa dao có tính sát thương cao là vũ khí nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng để giảm nguồn tội phạm.
PV: Hiện nay dự thảo Luật đang được triển khai ở giai đoạn nào? Kết quả đến thời điểm này Ban soạn thảo nhận được là gì?
Đại tá Vũ Minh Hùng: Năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Quá trình xây dựng đến ngày 2/4/2024 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về Dự án Luật, trong đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, các chính sách lớn của Dự án Luật và các quy định của dự thảo Luật; hồ sơ Dự án Luật bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo Chương trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV thì ngày 22, 23/5/2024 Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật, ngày 26/6/2024 quốc hội sẽ ấn nút biểu quyết thông qua.
Có thể nói, đến nay dự thảo Luật đã được sự đồng tình, ủng hộ cao của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, nhất là người dân vì nếu dự thảo Luật được thông qua tại kỳ họp 7 và được triển khai, thi hành sẽ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, góp phần vào sự phát triên kinh tế xã hội và bình yên cho nhân dân.
PV: Xin cảm ơn Đại tá.