Đại học Luật bác yêu cầu hợp thức hoá giúp thẩm phán dùng bằng giả
Đại học Luật Hà Nội khẳng định, đề nghị phục hồi văn bằng tốt nghiệp ĐH Luật hệ chính quy của thẩm phán TAND TP Thái Nguyên không thể thực hiện được.
Ông Trần Quang Huy- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội vừa ký văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao và Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên trả lời đề nghị phục hồi bằng cử nhân luật của bà Nguyễn Thị Nga (thẩm phán TAND Thành phố Thái Nguyên) đã bị thu hồi trước đó.
Thu hồi văn bằng tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội là hoàn toàn đúng
Theo văn bản trên, bà Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 19/7/1976 tại Thái Nguyên đã dự thi tuyển sinh và trúng tuyển vào khóa 19 hệ Đại học chính quy của Trường ĐH Luật Hà Nội.
Bằng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội của bà Nguyễn Thị Nga - Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên vừa bị thu hồi (Ảnh: Thế Kha) |
Ngày 2/4/1999 bà Nga được Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cấp bằng Cử nhân Luật, loại hình đào tạo chính quy, ngành Tư pháp, hạng tốt nghiệp Trung bình, số hiệu bằng B36704, số vào sổ 203K19.
Tuy nhiên, ngày 11/8/2017, Trường ĐH Luật Hà Nội đã nhận được công văn của TAND tỉnh Thái Nguyên về việc xác định tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp đại học của bà Nguyễn Thị Nga.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Nga có đơn tố cáo về việc sử dụng bằng tốt nghiệp phổ thông trung học giả để dự thi tuyển sinh vào Trường ĐH Luật Hà Nội.
TAND Thành phố Thái Nguyên đã có công văn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên xác minh tính hợp pháp của văn bằng tốt nghiệp phổ thông trung học của bà Nga. Kết quả dự thi kỳ thi trung học phổ thông được lưu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cho thấy, bà Nguyễn Thị Nga không thể được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông trung học.
Căn cứ vào các hồ sơ trên và Quy chế quản lý văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành theo Thông tư số 19/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2673/QĐ-ĐHLHN về việc thu hồi văn bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đã cấp cho bà Nguyễn Thị Nga.
“Việc ra Quyết định thu hồi văn bằng tốt nghiệp của bà Nguyễn Thị Nga là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật”- văn bản của ông Huy ký nêu rõ.
Kỳ thi tốt nghiệp PTTH diễn ra ngày 3/6/1994, thí sinh Nguyễn Thị Nga (học sinh Trường PTTH Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ) đạt 6 điểm môn Văn, 2 điểm môn Hoá học, 4 điểm môn Toán học và 5,5 điểm môn Nga văn. Tổng điểm thi của thí sinh Nguyễn Thị Nga là 17,5 điểm. “Với kết quả thi như vậy, thí sinh Nga không thể được cấp Bằng tốt nghiệp PTTH”- Sở này nhấn mạnh.
Làm kiên quyết, không cho hợp thức hóa sai phạm
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Nga đã tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Tỉnh Thái Nguyên và được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ngày 10/9/2018 (?!).
Trường ĐH Luật Hà Nội |
Tuy nhiên, tại thời điểm bà Nga dự thi tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội, Quy chế tuyển sinh vào hệ đào tạo chính quy trong các trường đại học, cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp được ban hành theo Quyết định số 461/QĐ-TS ngày 11/02/1991 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sửa đổi và bổ sung theo Quyết định số 331/QĐ-HSSV ngày 22/2/1993 và số 56/GDĐT ngày 25/1/1994 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Điều kiện dự thi là: “Mọi công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt nam, nữ, tôn giáo, dân tộc, nếu có đủ điều kiện sau đây đều được thi vào trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp: 1. Đã tốt nghiệp phổ thông trung học, bổ túc trung học hoặc trung học chuyên nghiệp…”.
Từ đó, Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định, tại thời điểm dự thi tuyển sinh, bà Nga đã phải tốt nghiệp phổ thông trung học thì mới được dự thi và công nhận trúng tuyển. Khi dự thi tuyển sinh, bà Nga đã sử dựng giấy chứng nhận tốt nghiệp giả để dự thi vào Trường Đại học Luật Hà Nội.
“Hiện nay, bà Nga xuất trình Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông cấp năm 2018, cấp sau thời điểm tuyển sinh khóa học. Vì vậy, theo Quy định của Quy chế tuyển sinh và đào tạo thì việc đề nghị phục hồi văn bằng tốt nghiệp đại học Luật hệ chính quy của bà Nguyễn Thị Nga không được thực hiện”-văn bản Trường ĐH Luật Hà Nội thẳng thắn.
Ông Trần Quang Huy- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định, việc bà Nguyễn Thị Nga thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018 để hợp thức hóa một sự việc xảy ra mấy chục năm trước sẽ không thể được chấp nhận.
“Chúng tôi không thể đồng ý với quan điểm phục hồi bằng tốt nghiệp ĐH Luật hệ chính quy của bà Nga. Trường ĐH Luật Hà Nội đã từng đi kiểm tra rất nhiều trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp phổ thông giả, bây giờ họ lại đi học để có bằng phổ thông, rồi đề nghị chúng tôi phải phục hồi lại cái bằng đã bị chúng tôi hủy trước đây thì sẽ trở thành tiền lệ rất nguy hiểm. Quan điểm của chúng tôi làm kiên quyết và làm đúng”- ông Huy nhấn mạnh./.
Dùng bằng giả, 5 cán bộ xã ở Quảng Nam bị cách chức
Cách chức vụ trong Đảng của Phó Chủ tich HĐND thị trấn dùng bằng giả