Đánh chết người chỉ vì bị tạt đầu xe, tài xế ô tô đối diện hình phạt nào?
VOV.VN - Luật sư cho rằng, hành vi đánh chết người đi đường chỉ vì bị tạt đầu xe của tài xế ô tô thể hiện bản tính côn đồ, coi thường tính mạng người khác, cần xử lý nghiêm.
Ngày 26/12, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đang tạm giữ tài xế Trương Ngọc Tuấn (26 tuổi, ngụ phường Đông Hòa, TP Dĩ An) để điều tra hành vi đánh chết người đi xe máy sau khi bị tạt đầu xe.
Trả lời VTC News về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của tài xế ô tô hết sức côn đồ, đây là hành vi giết người nên cơ quan điều tra tạm giam người này để điều tra hành vi "Giết người" là có căn cứ pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, tài xế Tuấn chỉ vì cho rằng người lái xe máy đã tạt đầu xe mình mà đuổi theo, dùng hung khí đánh khiến nạn nhân thiệt mạng. Người đàn ông này có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: có tính chất côn đồ, sử dụng không khí nguy hiểm, phạm tội đến cùng...
Tài xế ô tô đánh chết người lái xe máy sẽ phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người thì người đàn ông này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân do hành vi xâm phạm tính mạng đã gây ra như: tiền cứu chữa trước khi chết (nếu có), tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng cho người mà người chết có nghĩa vụ chăm dưỡng và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu. Hai bên có quyền thỏa thuận với nhau về bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì đi đại diện gia đình người bị hại có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
“Tham gia giao thông đường bộ tại Việt Nam với những đoạn đường hỗn hợp thì không tránh khỏi những va chạm, thậm chí việc người lái xe mô tô tạt đầu, va quệt với xe ô tô là thường xuyên do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt. Tuy nhiên, không vì thế mà người lái xe ô tô có quyền đánh đập, gây thương tích, thậm chí sát hại những người điều khiển phương tiện khác”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Theo Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc ẩu đả nguyên nhân từ những vụ va chạm giao thông. Nhiều vụ việc cố ý gây thương tích, đe dọa giết người từng xảy ra, tuy nhiên va chạm giao thông mà giết người như vụ việc trên là chuyện hiếm gặp và rất đáng lên án.
“Pháp luật Việt Nam quy định bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân, mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe của công dân đều bị xử lý trước pháp luật. Pháp luật không cho phép vì va chạm giao thông, do bất cứ nguyên nhân gì mà có thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề.
Về bản chất thì va chạm giao thông chỉ là cái cớ để những người bản tính côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác, coi thường pháp luật vin vào đó để hành hung gây thương tích, sát hại người khác”, luật sư Cường nhấn mạnh.
“Hành vi của tài xế xe tải ở Bình Dương mang tính chất côn đồ, chỉ vì cho rằng nạn nhân “chạy láo” mà dùng vật chuẩn bị sẵn trên xe đánh khiến nạn nhân tử vong. Trường hợp này, cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của người lái xe và hành động lúc gây án để khởi tố, điều tra, truy tố xét xử đúng người đúng tội”, luật sư Cường nói.
Trước đó, chiều 25/12, tài xế Trương Ngọc Tuấn (26 tuổi, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) lái xe tải chở đất trong một con hẻm trên đường Bùi Thị Xuân (phường Tân Bình, TP Dĩ An).
Lúc này, ông Lực lái xe máy chạy cùng chiều phía sau vượt lên xe tải. Cho rằng ông Lực tạt đầu xe mình nên Tuấn vượt lên chặn đầu xe khiến hai bên xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Trong lúc cự cãi, Tuấn lấy một cây gậy để trong cabin ra đánh liên tiếp vào người ông Lực khiến nạn nhân chết tại chỗ.
Sau khi đánh chết nạn nhân, Tuấn lên xe tải rời khỏi hiện trường. Đến tối 25/12, Tuấn đến cơ quan công an đầu thú./.