ĐBQH: Nhiều cơ quan dùng "nhạc không lời" khi người dân kêu oan
VOV.VN- Đây là ý kiến của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng sau khi nghe các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), trong Báo cáo về phòng, chống tham nhũng năm 2020 có đánh giá tham nhũng vẫn tinh vi, phức tạp; công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách… nhưng việc kết luận hành vi tham nhũng trong các sai phạm này còn gặp khó khăn. Đại biểu đoàn Bến Tre đề nghị làm rõ ý kiến đánh giá này để có biện pháp giải quyết hiệu quả.
“Phải chăng do bao che hay có sự can thiệp trái pháp luật hoặc do năng lực của các cơ quan phòng chống tham nhũng chưa đủ yêu cầu”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, một số vụ việc người dân kêu oan, bức xúc được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, nhưng dường như không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc: “Trong khi dư luận nêu đầy đủ cơ sở, lập luận, chứng cứ rõ ràng thì sự việc lại được chuyển từ có dấu hiệu phạm tội sang khiếu nại, tố cáo để giải quyết nhẹ nhàng. Thậm chí, một số đơn vị, các cơ quan thực hiện chính sách “nhạc không lời” có nghĩa “cứ tấu lên” nhưng cuối cùng người ta không trả lời hoặc “lạc nhịp” chuyển sang khía cạnh khác”.
Với các nội dung khác trong các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lưu ý nội dung tội phạm tại một số lĩnh vực gia tăng như hiếp dâm trẻ em tăng hơn 30%. Bên cạnh đó, nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây bức xúc kéo dài. Nếu không được xem xét giải quyết dứt điểm sẽ càng gây bức xúc, suy giảm lòng tin của nhân dân./.