Đề nghị khởi tố hai nghi can chùa Bồ Đề về hành vi mua bán trẻ em
VOV.VN - Bảo mẫu chùa Bồ Đề bị đề nghị khởi tố về hành vi Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120, Bộ luật Hình sự.
Ngày 11/8, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45), Công an TP Hà Nội cho biết, đã chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị khởi tố 2 bị can trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề về tội Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120, Bộ luật Hình sự.
Hai bị can trong vụ án này là Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Trước đó, ngày 4/8, Trung tá Nguyễn Cao Khải – Đội phó Đội 12 (PC 45) cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt. Trong đó đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang là người quản lý nhà mở, trông nom trẻ tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội).
Đến ngày 2/8, cảnh sát đã tiến hành bắt khẩn cấp Nguyệt và Trang. Tại cơ quan điều tra, Trang khai nhận, làm trông nom trẻ ở chùa Bồ Đề, giúp việc cho ni sư Thích Đàm Lan.
Vào tháng 10/2013 có một người phụ nữ tên H. (SN 1979, quê Phú Thọ) đi cùng 1 thanh niên đến chùa Bồ Đề gặp ni sư Thích Đàm Lan gửi 1 bé trai khoảng 4 ngày tuổi. Ni sư Thích Đàm Lan bảo H. gặp Trang để làm thủ tục gửi lại đứa trẻ.
Sau đó khoảng 1 tuần, một doanh nghiệp đến chùa làm từ thiện, trong đoàn có anh L. Anh L. gặp và đặt tên cho cháu bé tên là Cù Nguyên Công đồng thời nhận làm cha đỡ đầu cho cháu bé. Từ đó thi thoảng anh L. đến thăm cháu Công.
Trong thời gian này, nhiều lần chị H. đến chùa thăm cháu Công thì Trang mới biết chị H là mẹ của cháu bé. Trang có nói với chị H. xin đứa trẻ cho chị dâu (Nguyệt) nuôi và được chị H đồng ý. Do trước đó 1 năm, Nguyệt có nhờ Trang tìm một đứa trẻ làm con nuôi và hứa bồi dưỡng cho Trang tiền.
Theo lời khai, Nguyệt yêu cầu H. phải viết giấy tường trình với nội dung đã quan hệ bất chính với chồng của Nguyệt và có thai nên bàn giao lại cho gia đình Nguyệt nuôi dưỡng, chăm sóc. Và thỏa thuận này được hai bên đồng ý với một khoản tiền bồi dưỡng.
Đến tháng 6/2014, Nguyệt báo tin cháu Cù Nguyên Công bị bệnh sởi và tử vong sau đó được chôn ở quê nội.
1 tháng sau, Nguyệt gọi điện cho H. và thông báo là đưa cho Trang 35 triệu đồng. Nguyệt nói số tiền này chị H được hưởng 30 triệu đồng bồi dưỡng công sinh đẻ cháu bé.
Cơ quan công an xác định, Trang đã cấu kết, bàn bạc để tìm cách đưa cháu bé vào chùa rồi sau đó tìm cách đưa trẻ ra ngoài chùa, bán cho Nguyệt./.
1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đối với nhiều trẻ em;
đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
e) Để đưa ra nước ngoài;
g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.