Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý 3/2020, dù đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, lao động bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ) là 68,9%; lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%. 

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý III năm 2020 là 2,50%, trong đó, khu vực thành thị là 4,0%, giảm 0,46% so với quý trước và tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý III mặc dù giảm so với quý II nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 

Thu nhập của người lao động quý III năm 2020 đã cải thiện so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Kết quả điều tra lao động việc làm quý III năm 2020 cho thấy người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, đây là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. 

Nhận định về những con số trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, những con số về thị trường lao động chỉ phản ánh một phần khó khăn, vướng mắc, qua đó cho thấy, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, tiếp sau những khủng hoảng về mặt sức khỏe là khủng khoảng về thị trường lao động.

Dự báo về tình hình lao động trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, thị trường lao động khó phục hồi, do dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, nhưng vẫn có những tia sáng khi có vaccine. Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua vẫn trên đà tăng trưởng, nếu được tiếp sức môi trường kinh tế tốt hơn, thì những ngành vẫn tăng trưởng được như xây dựng, công nghiệp chế  biến có thể tạo ra hú hích lớn. 

“Chúng ta mong thế giới vượt qua được đỉnh điểm của dịch bệnh, hy vọng cuối tháng 12, đầu quý 1/2021, thị trường lao động sẽ sáng sủa hơn”, bà Hương nói.

Theo chuyên gia này, các ngành nghề của Việt Nam chia thành các nhóm chính. Nhóm thứ nhất phục vụ nhu cầu nội địa, nhóm thứ 2 phục vụ liên doanh, liên kết và nhóm thứ 3 phục vụ thị trường quốc tế.

Từ 3 hệ thống nhóm ngành, có thể dự báo rằng, nhóm ngành phục vụ nhu cầu nội địa là nhóm ngành có khả năng phục hồi ở mức nhanh.

“Dịp giáp Tết, theo truyền thống, nhu cầu vận chuyển và đi lại của người dân chắc chắn vẫn tăng lên. Bên cạnh đó, theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, xây dựng và chế biến vẫn tăng, phục vụ nhu cầu trong nước. Điều này hoàn toàn cho chúng ta kỳ vọng vào sự phục hồi của nhóm ngành phục vụ thị trường nội địa. Đối với nhóm ngành phục vụ thị trường quốc tế, thời điểm này dự báo cho năm 2021 vẫn chưa thấy những điểm sáng. Trước mắt, chúng ta cần cùng các doanh nghiệp trong nước ổn định tình hình nội địa, chờ thời cơ thị trường lao động quốc tế mở cửa mới có thể tiếp tục”, bà Hương dự báo.

Còn theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, tình hình lao động cuối tháng 12 và quý I/2021 phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng chống dịch.

“Mặc dù, chúng ta đã cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhưng trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Sự giao thương giữa các đối tác quen thuộc như Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu gặp ảnh hưởng lớn”, ông Thành lo ngại.

Ông Vũ Quang Thành cho rằng, trong thời gian tới, đặc biệt quý 4 có những hoạt động thuộc nhóm ngành nghề nội địa, hoạt động phục vụ lễ, Tết. Xu hướng tuyển dụng lao động thuộc nhóm lĩnh vực thương mại dịch vụ, bán hàng, kinh doanh… tăng lên trong thời gian qua, đặc biệt nhu cầu sử dụng lao động bán thời gian.

Trong thời gian vừa qua, nhóm ngành nghề thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển. Sau dịch, nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, nên nhóm ngành nghề này có xu hướng tăng. Hàng năm, dịch vụ lưu trú, khách sạn nhu cầu sử dụng lao động tăng lên cuối năm. Tuy nhiên, dự báo năm nay, nhu cầu lao động về ngành nghề này cũng không nhiều.

Ông Vũ Quang Thành cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục được khống chế tốt, cùng với đó là mở rộng giao thương với các đối tác quốc tế, hoạt động lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp dần được khôi phục và sôi động hơn. Điều này cũng sẽ khiến nhu cầu tuyển dụng lao động có những chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, doanh nghiệp tăng gia sản xuất kinh doanh để phục vụ dịp Tết, do đó, nhu cầu tập trung vào nhân sự ở vị trí cấp thấp hoặc lao động bán thời vụ, bán thời gian. Mức lương của người lao động dự báo chủ yếu sẽ ở mức từ 5-8 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông Vũ Quang Thành, tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dự kiến nhu cầu tuyển dụng 1 số ngành có xu hướng tăng từ 10-20%, cụ thể: ngành dệt may, da giày, may mặc, nhu cầu tuyển dụng có thể tăng thêm từ 6.000-8.000 vị trí.

Ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng có thể tăng nhu cầu tuyển dụng thêm từ 4.000-5.000 vị trí, Marketing từ 8.000-10.000 vị trí...

Số lượng lao động mất việc làm hàng tháng dự kiến cũng sẽ có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, cũng không thể chủ quan với trường hợp dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và thị trường lao động. Các hoạt động công nghiệp, dịch vụ phục vụ thị trường nội địa sẽ suy yếu như đầu tư, xây dựng, du lịch... 

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, để bố trí việc làm cho người lao động, quan trọng cần đẩy mạnh kích cầu. 

“Kinh tế của Việt Nam đến 50% xuất khẩu, cầu bị hạn chế, gần đây chúng ta thấy doanh nghiệp tích cực kích cầu thị trường lao động trong nước. Việc kết nối cung cầu, tập trung nhiều hơn kích cầu thì sẽ giảm bớt khó khăn.

Chúng ta còn may mắn có thị trường lao động nội địa tiềm năng, thị trường lao động nông thôn rộng lớn. Giải pháp kích cầu là giải pháp quan trọng, chúng ta chủ động hơn. Để kích cầu cần sự tham gia của doanh nghiệp và người lao động. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giữ chân người lao động là giải pháp an sinh”, bà Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lan Hương, vai trò của các Trung tâm dịch vụ việc làm  rất quan trọng nhằm kết nối cung cầu: “Hiện nay, một số ngành nghề sẽ phát triển mạnh thời kỳ dịch và tương lai, thì rõ ràng nguồn nhân lực cần để đáp ứng phục vụ ngành nghề đó là cần thiết.

Trong thị trường lao động, mức độ đáp ứng nguồn nhân lực đó không phải là nhiều. Vì chúng ta biết rằng, thị trường lao động bao giờ cũng có tính trễ, nhu cầu của nền kinh tế bao giờ cũng đi trước, còn nguồn lao động có kỹ năng phải trải qua quá trình đào tạo.

Chúng tôi hy vọng, trong hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm, bên cạnh thực hiện việc kết nối, một mặt triển khai việc dự báo với hai đối tác chính là doanh nghiệp và người lao động thì đồng thời nên mở rộng thêm đối với đối tác là các cơ sở đào tạo, đặc biệt là với các cơ sở dạy nghề, đào tạo ngắn hạn, đào tạo bổ sung. Vì nhu cầu thị trường lao động sẽ chỉ ra rằng, nhóm người lao động nào cần, nhóm nào đang bị thiếu”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, trong bối cảnh kinh tế bị đình đốn, vai trò của Chính phủ rất quan trọng, việc Chính phủ cho doanh nghiệp vay, hỗ trợ người lao động đó là giải pháp an sinh xã hội chủ động, để doanh nghiệp mở rộng cơ hội việc làm, giữ chân người lao động.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, khi hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19, cần hỗ trợ nhanh, thực chất đến người cần. Mục tiêu nhanh phải đặt lên hàng đầu. Giải pháp “cấp cứu” phải đến được người đang gặp khó khăn.

Bà Lan Hương cũng cho rằng, Chính phủ nên mở rộng gói hỗ trợ dù ảnh hưởng của dịch còn lớn. Nên có gói hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại, hỗ trợ người lao động nhận biết khả năng tìm kiếm việc làm. Trong thời gian này, người lao động bồi dưỡng kỹ năng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đưa ra những khuyến cáo với người lao động nhằm vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, bức tranh thị trường lao động ngắn hạn không sáng sủa vì nằm trong chuỗi của thế giới. Trong kinh tế có những giai đoạn trì trệ, thị trường lao động bị tác động mạnh. Yêu cầu thị trường tạo những phân khúc mới, kỹ năng mới. Với nhóm mới gia nhập thị trường, hướng tới phân khúc thị trường mới, ngành nghề mới. Vì nhóm ngành nghề này thích sử dụng lao động trẻ, có sức bật tốt trong thị trường lao động.

Đối với nhóm lao động bị mất việc, bên cạnh giải pháp hỗ trợ họ tồn tại, tìm ra những cơ hội việc làm tương tự để kết nối khi cần thiết, quan trọng đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung để chuyển hệ thống việc làm đang có sang hệ thống việc làm mới. Vì vậy, nhóm lao động này cần giải pháp đồng bộ, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu việc làm, đảm bảo họ có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc mới. Đồng thời giải quyết việc làm, cũng là cơ hội chuyển dịch cơ cấu việc làm, tạo ra năng suất lao động nâng lên.

Ông Vũ Quang Thành cho biết, trong thời gian tới Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường, làm tốt công tác thu thập, phân tích, đánh giá thị trường lao động. Trên cơ sở những dự báo chính xác, sẽ tìm ra những giải pháp thích ứng với từng giai đoạn thị trường lao động.

Để thích ứng tốt hơn với những thay đổi của thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành khuyến cáo người lao động mới tham gia thị trường lao động cần tiếp tục đầu tư, nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là thích ứng với những yêu cầu công việc mới, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, kỹ năng.

Nhóm lao động đã có quá trình tham gia thị trường lao động, cần lưu ý bổ sung kỹ năng hay việc đào tạo lại để chuyển dịch nghề./.


Thứ Năm, 06:10, 24/12/2020