Doanh nghiệp… “trốn” bảo hiểm xã hội

Theo con số thống kê của BHXH huyện Từ Liêm, kết quả thu bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc 6 tháng đầu năm 2008 của 633 đơn vị chỉ đạt hơn 44 tỷ 700 triệu đồng (trong khi số tiền phải thu theo kế hoạch năm 2008 là gần 115 tỷ đồng).

Cũng theo thống kê, tính đến tháng 8/2008, số doanh nghiệp trên toàn địa bàn huyện không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm liên tiếp kéo dài trong nhiều năm lên tới hàng chục tỷ đồng…

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc BHXH huyện Từ Liêm bức xúc: Mặc dù đội ngũ cán bộ bảo hiểm đã hết sức nỗ lực trong việc đốc thúc các doanh nghiệp trên toàn địa bàn huyện có trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động, nhưng việc thực hiện ở các đơn vị diễn ra khá ì ạch. Thậm chí có nhiều đơn vị ậm ừ cho xong chuyện rồi chây ỳ không đóng, kéo dài suốt hàng chục tháng nay. Đơn cử như: Công ty Tư vấn xây dựng Công trình Thủy 1 còn nợ hơn 1 tỷ đồng (13 tháng); Công ty Xây dựng số 8 Thăng Long nợ 1,072 tỷ đồng (26 tháng); Công ty Thi công cơ giới và Lắp máy nợ 1,3 tỷ đồng (22 tháng); Công ty cổ phần Vật liệu và Công trình 115 nợ 894 triệu đồng (35 tháng)...

Cũng theo bà Bình, 6 tháng đầu năm 2008, BHXH huyện Từ Liêm đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng 3 lần tiến hành thanh kiểm tra một số doanh nghiệp trên địa bàn về việc thực hiện xây dựng bảng lương, đóng bảo hiểm cho người lao động. Kết quả cho thấy, nhiều đơn vị vi phạm quyền lợi người lao động, đặc biệt là các đơn vị ngoài quốc doanh như: Không trả bảo hiểm vào lương, không xây dựng thang bảng lương... Thậm chí có đơn vị vẫn nhận thẻ bảo hiểm cho người lao động nhưng không chịu đóng tiền bảo hiểm suốt nhiều tháng như Công ty cổ phần Cao su Hà Nội với số tiền lên tới 622 triệu đồng...

Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phan Kế Trung, Trưởng phòng Tổ chức Công ty cổ phần Cao su Hà Nội. Ông Trung cho biết: Do hợp đồng thanh toán với các đối tác nước ngoài chậm, hơn nữa vấn đề ứng vốn cho đầu tư lắp ráp dây chuyền công nghệ và đảm bảo đầy đủ tiền chi trả nhân công cần kíp hơn, nên việc chuyển tiền đóng BHXH gặp khó khăn. Hiện Công ty đang nợ 497 triệu đồng tiền bảo hiểm... Với cách lý giải của ông Trưởng phòng Tổ chức Công ty cổ phần Cao su Hà Nội thì việc trả hết số nợ bảo hiểm còn khá xa vời, cho dù giám đốc Công ty này đã từng cam kết sẽ giải quyết dứt điểm. Đấy là chưa kể số tiền nợ bảo hiểm mà ông Trung đưa ra thấp xa so với con số mà Phó Giám đốc BHXH huyện Từ Liêm Nguyễn Thị Thanh Bình khẳng định: 622 triệu đồng (!?)

Luật Bảo hiểm đã có hiệu lực từ tháng 7/2007, nhưng theo ý kiến của một số người quan tâm, nhiều chế tài xử phạt đã được áp dụng nhưng chưa thật có tác dụng tích cực. Theo Nghị định 135/2007/NĐ, ngày 16/7/2007 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thì mức cao nhất mới chỉ 20 triệu đồng. Với mức phạt này, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận chịu phạt chứ không chịu… đóng.

Một luật sư phân tích, việc doanh nghiệp không đóng BHXH không những vi phạm nghĩa vụ đối với Nhà nước, vi phạm quyền lợi người lao động mà còn có dấu hiệu chiếm dụng tiền BHXH. Biện pháp giải quyết hữu hiệu nhất là phong toả tài khoản và xử lý nghiêm hành vi trốn đóng bảo hiểm đối với lãnh đạo doanh nghiệp đó...

Vào thời điểm trung tuần tháng 6/2008, ông Đào Văn Giáp, nguyên Giám đốc BHXH Hà Nội, đã từng dự kiến kiện 4 Công ty tại Hà Nội ra toà do nợ bảo hiểm với số tiền lên tới 15 tỷ đồng. Và bây giờ, sau hơn 2 tháng, tình trạng trốn đóng BHXH vẫn chưa tìm ra lời giải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên