Giám sát cơ sở y tế tư nhân:Quan trọng hàng đầu là điều kiện hành nghề
VOV.VN - Ông Nguyễn Thiện Nhân: Cần tập trung hàng đầu là điều kiện hành nghề của cơ sở y tế tư nhân. Nếu điều kiện hành nghề đã trục trặc thì những vấn đề sau cũng trục trặc.
Theo kế hoạch, tháng 5 này MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập 5 đoàn giám sát tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật tại các cơ sở y tế tư nhân tại 2 TP lớn là HN và TP HCM.
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc tổ chức các đoàn giám sát với mục đích áp dụng thí điểm Quy trình giám sát đối với các loại hình cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, bao gồm: cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc tư nhân, bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, bác sĩ gia đình; phòng chẩn trị y học cổ truyền. Sau đó rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn chỉnh quy trình này để tập huấn cho các địa phương triển khai thực hiện.
Đáng giá sự hài lòng của người bệnh
Khi thực hiện giám sát tại cơ sở y tế tư nhân, hoạt động của đoàn giám sát không làm cản trở đến hoạt động bình thường và không gây khó khăn cho cho cơ sở được giám sát. Thời gian giám sát ở một cơ sở cũng không quá một ngày.
Ông Phạm Thành Vận, Chủ tịch Hội hành nghề y tế tư nhân Việt Nam cũng cho rằng, giám sát là một việc rất tốt để cho mọi cơ sở y tế tư nhân, mọi người làm theo pháp luật. Từ đó có điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế, nhân dân được phục vụ tốt hơn. “Đây là một hoạt động rất mới, rất cần thiết mà bao nhiêu năm làm y tế tư nhân, giờ chúng tôi mới thấy”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cũng nhận định, giám sát làm được sẽ rất tốt cho Bộ Y tế trong việc quản lý các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc tư nhân.
Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng cho rằng, khi soạn các văn bản để giám sát làm sao phải khác với sự quản lý của Nhà nước. “Ví dụ Bộ Y tế năm vừa rồi cử 23 đoàn đi kiểm tra, giám sát về hành nghề y dược. Vì thế nếu làm không khéo chúng ta lại nhắc lại cách làm của một cơ quan quản lý Nhà nước. Phải thể hiện việc giám sát làm sao là hoạt động của Mặt trận, của ý kiến nhân dân đối với việc thi hành pháp luật”.
Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng, nên chăng cần đánh giá sự hài lòng của nhân dân về việc thực hiện pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân. Để đánh giá được sự hài lòng của nhân dân, trong đoàn giám sát phải có một đại diện của nhân dân, để lấy ý kiến của nhân đánh giá sự hài lòng của người dân. “Có thể người dân họ không hài lòng với chính quyền, nên cần phải có ý kiến người dân chứ không chỉ dựa vào báo cáo của Sở Y tế”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong vòng 1 ngày không thể đánh giá hết được sự hài lòng của người dân. “Đây là mong muốn chính đáng nhưng chưa phải là đối tượng giám sát ở thời điểm hiện nay”.
Tập trung giám sát về giá thuốc, viện phí
Bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Tổng hội y học Việt Nam, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp “Giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân” cho biết, trong quá trình giám sát cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, đoàn sẽ tìm hiểu về điều kiện hành nghề của cơ sở tư nhân, trong đó cần chú ý đến hình thức tổ chức hành nghề là loại hình bệnh viện, phòng khám đa khoa hay chuyên khoa; cơ sở pháp lý để thành lập cơ sở khám chữa bệnh….
Ngoài những nội dung trên, đoàn sẽ giám sát về giá viện phí. Các cơ sở này có công khai giá viện phí hoặc các dịch vụ y tế, xét nghiệm để người bệnh nắm được hay không? Thái độ phục vụ của thầy thuốc và nhân viên y tế, chế độ theo dõi chăm sóc bệnh nhân như thế nào?
Theo ông Phạm Thành Vận, để thực hiện giám sát, về công tác chuẩn bị cần phải có thời gian thực hiện 2 loại giám sát: giám sát định kỳ và giám sát đột xuất. “Nếu chúng ta cứ báo trước, rồi đi giám sát thì cơ sở nào cũng tốt hết. Định kỳ là giám sát bình thường, nếu không báo trước thì bác sỹ nào cũng có mặt, nhưng nếu kiểm tra đột xuất, thì có cơ sở nhiều khi chỉ có 1/3 quân số”.
Ông Vận cho rằng, ngoài giám sát các cơ sở là bệnh viện đa khoa, phòng khám chuyên khoa, chẩn trị đông y… thì cần đặc biệt đến phòng khám chẩn trị đông y có yếu tố người nước ngoài hoặc các bệnh viện có yếu tố người nước ngoài. “Ở Hà Nội hiện nay có 2 bệnh viện tư nhân có yếu tố người nước ngoài là BV Thu Cúc và BV Vimec. Cần phải giám sát xem những người này có chứng chỉ hành nghề không, hay chỉ là điều dưỡng. Nếu có người nước ngoài khám, người ta tăng tiền cao gấp nhiều lần, như vậy rất xót cho dân, còn chất lượng chưa biết thế nào. Chúng ta cũng đã xảy ra nhiều chuyện về các phòng khám có yếu tố người nước ngoài, nên cần chú trọng giám sát vấn đề này”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Công tác giám sát điểm cần tập trung hàng đầu là điều kiện hành nghề của cơ sở y tế tư nhân. “Nếu điều kiện hành nghề đã trục trặc thì những vấn đề sau cũng trục trặc”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận định, giám sát giá cả, giá dịch vụ, giá thuốc là rất cần thiết. Phải xem đơn vị này tuân thủ các quy định với trách nhiệm là một pháp nhân trong 3 quan hệ: Thứ nhất, quan hệ của họ với bệnh nhân, luật pháp quy định quan hệ của họ với bệnh nhân lúc này là khách hành thì như thế nào? Thứ hai là quan hệ với cơ quan quản lý Nhà nước, họ có gửi báo cáo hàng năm không, khi xảy ra sự cố thì như thế nào? Thứ 3 là quan hệ của họ với BHYT.
Trên cơ sở kết quả của các đoàn giám sát của Trung ương nhằm phát hiện, kiến nghị bước đầu với cơ quan nhà nước về lĩnh vực y tế để sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định pháp luật đối với các cơ sở y tế tư nhân về điều kiện hành nghề của cơ sở y tế tư nhân, giá dịch vụ y tế, giá thuốc, chất lượng dịch vụ và chất lượng thuốc của các cơ sở./.