Giấy tờ giả, hậu quả thật
VOV.VN - Dù lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá hàng trăm ổ nhóm làm giấy tờ giả, nhưng loại tội phạm này vẫn còn “đất sống”, khi người dân vẫn có nhu cầu về giấy tờ giả để trục lợi cá nhân.
Đăng Facebook, Zalo... chào bán giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 để người dân thông hành qua các chốt kiểm dịch là hành vi bị lên án gay gắt trong thời gian qua vì có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Không chỉ vậy, chỉ cần nhấp chuột tìm kiếm trên mạng internet, rất nhiều đường link liên quan đến mua bán đủ loại giấy tờ giả như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô, mô tô, giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe, sổ hộ khẩu, văn bằng, chứng chỉ giả… lập tức xuất hiện.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội, hay tin nhắn điện thoại người dân liên tục nhận được thông báo: “Chỉ cần bỏ ra khoảng 10 triệu đồng, sau 2-3 ngày sẽ nhận được cuốn sổ đỏ giả theo ý muốn. Giấy tờ giả giống thật 99% và có thể an tâm sử dụng thoải mái trên thị trường”. Điều đáng nói, nhiều trang web bán giấy tờ giả quảng cáo rất công khai, cam kết các loại bằng cấp và giấy tờ đều làm 100% bằng phôi thật. Và để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng chỉ giao dịch trực tuyến chứ không có bất cứ địa chỉ cụ thể nào.
Với nhiều mục đích khác nhau như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xin việc, nhiều người mua, sử dụng các loại giấy tờ giả để phục vụ tư lợi cá nhân. Trong đó, bức xúc nhất là tình trạng những người kém năng lực, kém đạo đức sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả để tiến thân. Trường hợp một Phó Bí thư Thường trực Thành ủy vừa bị kỷ luật cách chức vì dùng văn bằng bất hợp pháp hay hàng chục người sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô để làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê khai hồ sơ công chức, viên chức... phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, dù lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá hàng trăm ổ nhóm làm giấy tờ giả, nhưng loại tội phạm này vẫn còn “đất sống”, khi người dân vẫn có nhu cầu về giấy tờ giả để trục lợi cá nhân.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS nhận định, nguyên nhân là do việc xử lý các hành vi vi phạm nhiều khi đã không được thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên và hiệu quả, dẫn đến tình trạng nhờn luật, không đảm bảo tính giáo dục và răn đe.
Cũng có ý kiến cho rằng thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp nhưng việc xử lý còn nhẹ, do đó cần xử lý mạnh tay hơn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp sử dụng bất hợp pháp để răn đe các trường hợp khác.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp vận động để khuyến khích người dân tham gia tố giác các hành vi làm giả và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức./.