“Hiện tượng Nguyễn Phương Hằng” và ranh giới đúng - sai

VOV.VN - Quyền tự do ngôn luận của Nguyễn Phương Hằng phải trong khuôn khổ pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, trong đó có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư, quyền được kết tội theo đúng pháp luật.

Cho đến khi Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng vẫn bán tín bán nghi về ranh giới của hành vi phạm tội hay không phạm tội. 

Từ “hiện tượng Nguyễn Phương Hằng”

Hơn 1 năm qua, cộng đồng mạng dậy sóng bởi cái tên Nguyễn Phương Hằng, một người đàn bà giàu có, hoạt ngôn, cá tính mạnh mẽ, cùng chồng là đại gia Huỳnh Uy Dũng làm từ thiện nhiều năm với số tiền hàng nghìn tỷ, đã liên tục công khai chỉ trích, xúc phạm nhiều người trên mạng xã hội.

Đỉnh điểm là vào đêm 25/5/2021, livestream được chia sẻ trên các kênh: Facebook CEO Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Phương Hằng Official, Facebook Trường đua Đại Nam cùng kênh YouTube Trường đua Đại Nam. Tổng lượt xem trực tiếp đồng thời trên các kênh này lên gần đến con số nửa triệu. Chỉ riêng trang fanpage CEO Nguyễn Phương Hằng đã đạt số người xem trực tiếp kỷ lục hơn 230.000. Video livestream trên trang fanpage của bà Hằng đạt hơn 4,6 triệu view, 265.000 lượt thích, hơn 450.000 lượt bình luận và hơn 55.000 lượt chia sẻ.

“Sự kiện” trên khiến nhiều người không tiếc lời phân tích, đánh giá, ca ngợi “hiện tượng Nguyễn Phương Hằng”.

Xin điểm một số nội dung đánh giá: Về mặt truyền thông, vũ khí tối thượng là bạn phải có một kênh riêng. Để làm được điều này, phát súng đầu tiên của Nguyễn Phương Hằng là mở họp báo kiện ông Võ Hoàng Yên lừa 200 tỷ đồng. Đây là sự kiện đầu tiên và duy nhất bà ta dùng báo chí. Vì khi bạn khởi phát một chiến dịch truyền thông thì phải có được ấn tượng đầu tiên. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, thu hút sự chú ý của mọi người. Sau đó, Nguyễn Phương Hằng bắt đầu nói về những vấn đề không hề dễ dàng để đưa lên báo chí như khoe tài sản, “bóc phốt”, kể chuyện bí mật đời tư nghệ sỹ…

Để một kênh truyền thông lớn mạnh cần hội đủ ba yếu tố: độ phủ sóng, độ tin cậy và biến bản thân thành nguồn tin. Nguyễn Phương Hằng tăng độ phủ sóng của mình bằng cách mời nhiều YouTuber đến để livestream các cuộc nói chuyện của bà ta.

Việc khoe sổ đỏ, hột xoàn cân thành từng ký đều tràn ngập trên các kênh YouTube mà bà ta mời đến. Đây là bước Nguyễn Phương Hằng thu hút người xem về kênh của mình, gia tăng độ phủ. Tiếp theo, bà Hằng gia tăng uy tín bằng cách cho thấy những gì bà ta nói là đáng tin, như việc làm từ thiện hiến đất trị giá 1.000 tỷ để tỉnh Bình Dương bán đấu giá lấy phí chống dịch…Dần dần, mọi người thấy Nguyễn Phương Hằng nói được làm được và độ tin cậy của bà ta được gia tăng.

Tiếp theo, Nguyễn Phương Hằng “bóc phốt” nghệ sĩ, điều này khiến bà ta gia tăng không chỉ số lượng người theo dõi mà còn tăng niềm tin. Vì nghệ sĩ bị “bóc phốt” một là sửa bài, hai là phải xóa bài, ba là im lặng, bốn là phủ nhận. Cứ vậy, cộng đồng nghĩ Nguyễn Phương Hằng nói đúng và dành niềm tin cho kênh của bà ta.

Cấp độ cao nhất của truyền thông là biến mình trở thành nguồn tin, là nơi khởi nguồn thông tin. Nguyễn Phương Hằng đã khiến mọi người thấy bà ta nắm giữ rất nhiều bí mật và dư luận thèm khát nguồn tin tức này. 

Những đánh giá kể trên cho thấy “hiệu quả truyền thông” của Nguyễn Phương Hằng.

“Hiệu quả” đó còn được gia tăng qua các buổi livestream rất định kỳ, lại được một số người, trong đó có cả luật sư, giảng viên làm khách mời tham gia livestream cùng bà ta; nhiều YouTuber xuất hiện cổ suy cho Nguyễn Phương Hằng.

Tất cả tạo nên một hiệu ứng Nguyễn Phương Hằng mạnh mẽ, bùng nổ, thuyết phục, và đương nhiên là đầy nguy hại nếu nội dung các buổi livestream của bà ta xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Đến ranh giới của sự đúng – sai

Pháp luật Việt Nam không cấm Nguyễn Phương Hằng livestream, không cấm bà ta nổi tiếng, không cấm bà ta thu hút, thuyết phục dư luận. Hằng có quyền nói lên suy nghĩ của mình, có quyền chia sẻ với mọi người những điều mình biết. 

Nhưng quyền tự do ngôn luận của Nguyễn Phương Hằng phải trong khuôn khổ pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, trong đó có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư, quyền được kết tội theo đúng pháp luật... Đó chính là giới hạn của quyền tự do dân chủ của công dân. Giới hạn đó đảm bảo cho mọi công dân được tôn trọng, được bình yên, được sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo một xã hội trật tự, kỷ cương, bền vững và ổn định.

Nguyễn Phương Hằng có quyền tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình nhưng phải tuân thủ Luật Tố cáo. Theo đó, bà ta được quyền làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan có thẩm quyền. Và phải nhớ rằng, trong khi cơ quan điều tra thụ lý đơn tố cáo, Viện Kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử, thì ông Yên vẫn chưa bị coi là có tội cho đến khi Tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật kết tội ông Yên. Không một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào ngoài Tòa án được quyền kết tội công dân.

Việc Nguyễn Phương Hằng sau khi làm đơn tố cáo, kể cả sau khi cơ quan công an ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Yên vì không đủ căn cứ, bà ta vẫn tiếp tục livestream cho rằng ông Yên lừa đảo là đã vượt quá giới hạn giữa đúng và sai của hành vi.

Không chỉ với ông Yên, Nguyễn Phương Hằng tiếp tục vượt giới hạn với những hành vi livestream  xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm phạm bí mật riêng tư, thông tin không kiểm chứng, sai sự thật không chỉ đối với công dân mà cả cơ quan nhà nước. 

Cơ quan nhà nước bị Nguyễn Phương Hằng xúc phạm uy tín là UBND tỉnh Bình Thuận khi bà ta khơi khơi nói rằng cơ quan này đã bao che cho hoạt động chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên. Thanh tra Sở TT&TT thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 7,5 triệu đồng về hành vi thông tin sai sự thật. Bà ta nộp phạt nhưng không tự rút ra bài học, không hề ý thức được rằng, hành vi của Nguyễn Phương Hằng đã có dấu hiệu của tội lợi dụng quyền tự do dân chủ nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự. 

Diễn biến cho thấy từ tháng 3/2021 đến trước khi bị khởi tố, Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream “gọi tên” nhiều nghệ sĩ tố họ ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phải vào cuộc điều tra và kết luận: Các nghệ sỹ mà Nguyễn Phương Hằng “gọi tên” không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện, nên  không khởi tố vụ án hình sự.

Sau kết quả điều tra của cơ quan công an, bà ta vẫn tiếp tục vượt ranh giới pháp luật về quyền tự do dân chủ, tiếp tục các buổi livestream với nội dung xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân.

Hành vi xúc phạm của Nguyễn Phương Hằng đã gây hiệu ứng dư luận sâu rộng bởi cách thức thực hiện cùng những lời lẽ phản cảm, xúc phạm, mang tính thóa mạ như “đẻ thuê”, “gái bao”, “giật chồng”…

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, những nghệ sỹ, nhà báo bị xúc phạm, bị thông tin sai sự thật, đã đồng loạt làm đơn tố cáo Hằng về hành vi làm nhục, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ.

Và pháp luật đã lên tiếng!

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Bước đầu xác minh, Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội để xuyên tạc, xúc phạm, nhục mạ người khác.

Từ 15/2 đến ngày 16/3/2022, Công an TP Hồ Chí Minh đã 4 lần mời Nguyễn Phương Hằng lên làm việc để cảnh báo, răn đe và yêu cầu chấm dứt hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng bà ta vẫn tránh né, không chấp hành. Mặt khác, Hằng tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người, tổ chức nhiều buổi livestream công kích, xúc phạm nhiều cá nhân, tổ chức, gây mất trật tự an ninh, vi phạm pháp luật.

Cũng theo Công an TP Hồ Chí Minh, quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.

Việc khởi tố và bắt để tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng cho thấy hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của Nguyễn Phương Hằng đã có dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng.

Hành vi đó không dừng lại ở sự thiếu văn hóa hay lệch chuẩn, mà đã vượt qua lằn ranh đỏ giữa quan hệ pháp luật dân sự và quan hệ pháp luật hình sự, gây hậu quả tới mức trở thành hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải chịu chế tài hình sự.

Một kết cục đáng buồn nhưng thích đáng cho Nguyễn Phương Hằng, một phụ nữ tài sắc, từng có những việc làm đáng trân trọng đối với xã hội nhưng đã có những hành vi vi phạm pháp luật quá đà đến mức quên mất giới hạn về quyền và nghĩa vụ của một công dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên