Khiếu kiện đất đai kéo dài: Thấy sai sao chưa giải quyết?

VOV.VN - Vụ việc kéo dài đã nhiều năm do cấp chính quyền làm sai, bây giờ phải tập trung giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân chứ không thể để kéo dài như thế.

Động đến đâu sai đến đó, thanh tra chỗ nào thì vi phạm chỗ đó, là thực trạng khá phổ biến trong quản lý đất đai tại nhiều địa phương hiện nay. Tình trạng này bắt nguồn từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, dẫn đến những tranh chấp khiếu kiện về đất đai kéo dài, trong khi đó việc giải quyết khiếu kiện tranh chấp đất đai trong nhiều trường hợp lại chưa được thấu đáo. 

Những câu chuyện cụ thể

Vào những năm 1992-1994, gia đình bà Trần Thị Nhuần cùng hàng chục hộ dân khác được các cấp chính quyền cấp bán đất để làm nhà ở tại khu vực Nam Cầu Bến Thủy, nay là thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, theo chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh sau tách tỉnh. Bà Nhuần và nhiều hộ khác đã phải nộp từ 3-5 triệu đồng vào ngân sách và được giao đất thực địa từ năm 1993 với diện tích là 120 mét vuông.

Cuối năm 1993, bà Nhuần và một số hộ đã làm móng xây nhà thì bị UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định đình chỉ với những lý do không hợp lý như vi phạm chỉ giới hành lang đường bộ, không phù hợp quy hoạch.

Sau nhiều năm khiếu nại chẳng những không được giải quyết mà chính quyền lại giao đất của bà cùng với một số lô của các hộ đã được cấp, mua phát cho một số doanh nghiệp sử dụng.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vụ việc này kéo dài đã nhiều năm do cấp chính quyền làm sai. Bây giờ phải tập trung giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân chứ không thể để kéo dài như thế.

“Tỉnh có quy hoạch khu vực phía Nam cầu Bến Thủy để cấp đất cho cán bộ, công nhân, viên chức ở Nghệ Tĩnh quay về Hà Tĩnh làm việc, đã có quy hoạch được tỉnh duyệt, trên cơ sở đó thì địa phương tổ chức cấp đất. Tuy nhiên, sau này liên quan đến quy hoạch, tỉnh có đình chỉ, từ đó đến nay vấn đề chưa được giải quyết. Liên quan đến việc này, quan điểm của ngành là việc này cần phải giải quyết quyền lợi cho dân, bởi người ta đã nộp tiền sử dụng đất, theo chính sách đất đai thì phải bồi thường bằng đất hoặc cho tiếp tục sử dụng, hoặc phải bồi thường bằng tiền. Tóm lại là Nhà nước phải chịu trách nhiệm với việc này, người dân không có lỗi”, ông Thành thông tin thêm.

Nói là vậy, nhưng đến nay, gia đình bà Nhuần và nhiều hộ khác vẫn chưa được tỉnh Hà Tĩnh giải quyết cấp đất bù ở nơi khác với giá trị tương đương để họ làm nhà ở ổn định cuộc sống.

Khác với trường hợp của bà Trần Thị Nhuần ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, từ năm 2003 đến nay, một số hộ dân ở xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội liên tục khiếu nại về việc UBND xã Phú Cát và UBND huyện Quốc Oai đã thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ dự án tái định cư Hòa Phú không đúng pháp luật, thiếu công khai, minh bạch, nhưng đến nay các cấp chính quyền vẫn chưa giải quyết được.

Theo những người dân ở đây, đất nông nghiệp của họ bị chính quyền xã, huyện thu hồi giải phóng mặt bằng không nằm trong diện tích thu hồi theo Quyết định số 1977 ngày 14/9/2003 của UBND tỉnh Hà Tây cũ. Khi thu hồi giải phóng mặt bằng cũng không thực hiện đúng các trình tự quy định về thu hồi bồi thường.

Bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn 2 và ông Nguyễn Văn Đạo ở thôn 3, xã Phú Cát cho biết, không thấy xã Phú Cát tổ chức họp dân mà chỉ mời bà con đến tuyên bố 3 thôn ở đây, gồm thôn 1, thôn 2 và thôn 7 đã vào quy hoạch tái định cư Hòa Phú thì yêu cầu bà con đến nhận tiền 7-8 triệu đồng/sào. Bà con cũng không nhận được một văn bản nào khi thu hồi tái định cư Hòa Phú.

Một điều đáng nói là sau khi thu hồi đất nông nghiệp của dân từ năm 2003 đến nay, huyện Quốc Oai và thành phố Hà Nội vẫn để đất bỏ hoang, trong khi nhiều hộ dân không có đất sản xuất.

Theo ông Ngô Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, việc thu hồi đất từ năm 2003 đến nay không triển khai dự án, người dân khiếu kiện thuộc thẩm quyền của UBND huyện và thành phố.

“Tỉnh Hà Tây trước đây đã giải phóng mặt bằng, sau khi giải phóng mặt bằng xong đã thành lập Ban quản lý khu tái định cư do thành phố quản lý, chứ huyện, xã cũng không quản lý. Sau khi người dân có đơn và đồng thời có các kiến nghị thì đến năm 2016 thành phố đã bàn giao quyền quản lý khu vực đó từ ban quản lý của thành phố về UBND huyện quản lý chứ không phải thuộc UBND xã", ông Tuyên thông tin thêm.

Luật sư Nguyễn Quang Tâm, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, lý do để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại đất đai giữa người dân với các cấp chính quyền hiện hữu như hiện nay là do bộ phận cán bộ, công chức không hoàn thành chức trách nhiệm vụ, còn tình trạng nể nang, ngại va chạm.

Tại nhiều diễn đàn hội nghị bàn về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chuyên gia đã chỉ rõ nguyên nhân của những vụ khiếu kiện phức tạp vừa qua là do phần nhiều cán bộ thực hiện chính sách không đúng, không công bằng, không công khai, khi đã sai lại chậm nhận lỗi với dân, chậm sửa chữa sai phạm để có thể giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở, nhiều khi cán bộ còn lấn át dân đẩy cái sai về dân vì sợ trách nhiệm. Có cán bộ cơ sở làm sai, báo cáo lên cũng sai khiến cho công tác chỉ đạo xử lý lại càng sai, vụ việc càng phức tạp.

Điều này càng thêm khẳng định ý nghĩa cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Nếu đội ngũ cán bộ có cái nhìn và có cách tiếp cận đúng đắn đối với các vụ việc khiếu kiện của dân, có ý thức làm tròn trách nhiệm của mình cùng với việc chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời để giải quyết một cách nhanh chóng, dứt điểm, công khai, công bằng các vụ việc thì tình trạng khiếu kiện phức tạp mới được hạn chế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: “Khiếu kiện vượt cấp phức tạp, không thể đổ hết cho dân“
Thủ tướng: “Khiếu kiện vượt cấp phức tạp, không thể đổ hết cho dân“

VOV.VN - Về vấn đề khiếu kiện, Thủ tướng cho rằng, chính quyền địa phương phải tự hỏi đã làm tròn trách nhiệm với dân trong vấn đề này hay chưa?

Thủ tướng: “Khiếu kiện vượt cấp phức tạp, không thể đổ hết cho dân“

Thủ tướng: “Khiếu kiện vượt cấp phức tạp, không thể đổ hết cho dân“

VOV.VN - Về vấn đề khiếu kiện, Thủ tướng cho rằng, chính quyền địa phương phải tự hỏi đã làm tròn trách nhiệm với dân trong vấn đề này hay chưa?

“Không để người dân bức xúc kéo dài, khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương“
“Không để người dân bức xúc kéo dài, khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương“

VOV.VN -Phó Thủ tướng: Thanh tra cần phối hợp với bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, không để người dân bức xúc kéo dài

“Không để người dân bức xúc kéo dài, khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương“

“Không để người dân bức xúc kéo dài, khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương“

VOV.VN -Phó Thủ tướng: Thanh tra cần phối hợp với bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, không để người dân bức xúc kéo dài

Hạn chế khiếu kiện kéo dài: Đối thoại thẳng thắn với dân
Hạn chế khiếu kiện kéo dài: Đối thoại thẳng thắn với dân

VOV.VN - Từng nhiều lần đối thoại với dân, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tốt nhất là lãnh đạo chủ động đối thoại với dân khi chưa có căng thẳng xảy ra.

Hạn chế khiếu kiện kéo dài: Đối thoại thẳng thắn với dân

Hạn chế khiếu kiện kéo dài: Đối thoại thẳng thắn với dân

VOV.VN - Từng nhiều lần đối thoại với dân, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tốt nhất là lãnh đạo chủ động đối thoại với dân khi chưa có căng thẳng xảy ra.