Khởi tố nhiều vụ làm lây lan dịch bệnh, vì sao vẫn có người tiếp tục gian dối?
VOV.VN -Việc người dân vi phạm công tác phòng chống dịch, nguyên nhân một phần do sự thiếu hiểu biết pháp luật, phần do chế tài về hành chính cũng như hình sự của chúng ta quá nhẹ, không đủ sức răn đe và phòng ngừa chung.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tục khởi tố các vụ việc làm lây lan dịch bệnh do khai báo y tế gian dối. Đáng tiếc trong số đó, không ít người phạm tội chỉ vì không hiểu biết pháp luật.
Gần đây nhất, ngày 29/8, Công an tỉnh Bắc Ninh ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho người khác” theo điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015, để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật và xử lý nghiêm đối với những đối tượng vi phạm.
4 người liên đới trong 3 vụ án này có lịch trình di chuyển phức tạp nhưng không khai báo trung thực mặc dù trước đó đã nhận được thông báo về các trường hợp mắc COVID-19. Qua đó, những người này đã làm lây nhiễm COVID-19 cho 10 người, hàng chục F1, F2, F3.
Đây không phải là các vụ việc cá biệt. Chỉ trong tháng 8/2021 đã có nhiều cá nhân, đơn vị bị khởi tố vì làm lây lan dịch bệnh. Trong đó, có cả những cá nhân là Giám đốc công ty TNHH, vì thiếu hiểu biết pháp luật; thiếu ý thức, trách nhiệm thực hiện hoạt động kinh doanh khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, làm lây nhiễm bệnh cho người khác và phát sinh lớn chi phí phòng, chống dịch bệnh cho địa phương.
Như vậy, dù các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc, báo chí tuyên truyền rất nhiều về các trường hợp làm lây lan dịch bệnh nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn bấp chấp lệnh cấm, lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, không ít người xem thường pháp luật, xem thường công tác phòng chống dịch. Nguyên nhân một phần do sự thiếu hiểu biết pháp luật, phần do chế tài về hành chính cũng như hình sự của chúng ta quá nhẹ, không đủ sức răn đe và phòng ngừa chung.
Khai báo gian dối, không trung thực là hành vi vi phạm pháp luật
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, việc khai báo gian dối, không trung thực là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Việc phòng chống dịch thành công hay không còn tùy thuộc vào ý thức của người dân. Do vậy, mỗi công dân đều phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để cùng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Đối với người có hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm không khai báo y tế theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020 ngày 28/9/2020, có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Nếu hành vi trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng có thể bị truy tố hình sự theo quy định của Điều 240 Bộ luật Hình sự ngày 27/11/2015 tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng có hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong thời điểm hiện nay, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi như trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, người nào có một trong các hành vi nêu trên làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người mức phạt tù tối đa đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Có thể thấy, việc khai báo gian dối, không trung thực là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Công tác phòng chống dịch đang được các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương tập trung cao độ, không chủ quan, lơ là. Việc phòng chống dịch thành công hay không còn tùy thuộc vào ý thức của người dân. Do vậy, mỗi công dân đều phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để cùng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó thì cũng cần được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh của các cơ quan chức năng và tuyên truyền của báo chí./.