Kỳ án thời cổ phần hoá

Kỳ 2: Chữ ký của người chết và cú đòn hy sinh của ông chủ tịch HĐQT

Để thực hiện âm mưu của mình, vị Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Lư đã ký đơn kiện mình, ngoài ra ông ta còn ký hộ nhiều người khác, thậm chí, trong danh sách những người đứng đơn kiện còn có cả hai cổ đông đã qua đời “sống dậy” để… ký đơn.

Như đã đề cập trong phần cuối của bài viết “Doanh nhân trẻ và giấc mơ gẫy cánh” đăng trên số báo trước, Giám đốc Dương Quốc Tuấn đứng trước nguy cơ mất trắng sản nghiệp và công sức sau hai năm đầu tư vào Công ty Hoa Lư mà chưa kịp nhận ra mình là nạn nhân của một âm mưu đen tối. Đạo diễn của âm mưu làm tan vỡ giấc mơ của Tuấn, không phải ai xa lạ, chính là người đã khuyến khích Tuấn đầu tư vào Công ty Hoa Lư, ông Phạm Hùng Can, vị Chủ tịch HĐQT, người đã sát cánh cùng Tuấn trong hai năm nỗ lực phục dựng công ty này.

Trở lại thời điểm ngày 23/6/2006, khi TAND tỉnh Ninh Bình ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Hoa Lư, HĐQT khoá 3 của công ty đã triệu tập họp HĐQT để lần cuối cùng xác định việc tồn tại hay không tồn tại của công ty. Cuộc họp được tiến hành vào 15h ngày 13/7/2006. Tại cuộc họp, sau khi phân tích mọi vấn đề liên quan và nhận thấy công ty vẫn có thể phục hồi nếu có thể kêu gọi huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư, cụ thể là “phải có 500 triệu đồng gửi ngân hàng tăng vốn điều lệ công ty”. Sau khi thống nhất quan điểm đó, 3 ngày sau (16/7/2006) Đại hội cổ đông bất thường được mở để bàn về việc tăng vốn điều lệ công ty và bầu HĐQT khoá 4 với yêu cầu những người ứng cử vào HĐQT khóa 4 phải đóng góp 500 triệu đồng vào công ty theo nghị quyết của cuộc họp HĐQT khóa 3, ngày 13/7. Khi đó, Dương Quốc Tuấn mới trở thành cổ đông từ tháng 2/2006 do được cổ đông Hoàng Quyết Định chuyển nhượng lại cổ phần. Phạm Hùng Can, thời điểm đó là Trưởng phòng Tổ chức hành chính, biết Tuấn có tiềm lực về vốn nên giới thiệu Tuấn vào HĐQT khóa 4. Tại Đại hội cổ đông ngày 16/7/2006, ngoài việc cam kết đóng thêm 350 triệu trong tổng số 500 triệu đồng để tăng vốn điều lệ công ty, Tuấn còn khẳng định, nếu cổ đông nào cần bán cổ phiếu thì anh sẽ mua lại theo đúng giá trị. Vấn đề vốn được giải quyết, và HĐQT khoá 4 được bầu gồm ba người: Phạm Hùng Can, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính; Lã Phú Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT khoá 3; và Dương Quốc Tuấn. Sau khi Đại hội cổ đông kết thúc, HĐQT khóa 4 đã tổ chức họp để phân công công tác. Theo đó, Phạm Hùng Can giữ chức Chủ tịch HĐQT, Dương Quốc Tuấn làm Giám đốc điều hành, Lã Phú Minh làm Phó Giám đốc. Ngày 18/7/2006, Công ty Hoa Lư làm tờ trình gửi TAND tỉnh Ninh Bình xin rút đơn xin phá sản doanh nghiệp. Được Toà án chấp nhận, Công ty Hoa Lư tiến hành đăng ký lại đăng ký kinh doanh và được Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Ninh Bình cấp giấy phép kinh doanh với số vốn điều lệ được tăng thêm 500 triệu đồng và bắt đầu quá trình phục hồi.

Sự hồi sinh của Công ty Hoa Lư lẽ ra sẽ phải là một câu chuyện có hậu, nếu như cả ba thành viên của HĐQT đều chung một mục đích với Giám đốc Dương Quốc Tuấn. Theo ông Phạm Văn Niệm, Phó Giám đốc công ty, thì trong HĐQT, ngoài Dương Quốc Tuấn, hai thành viên còn lại là ông Can và ông Minh đều là những con nợ của công ty, họ thu tiền bán sản phẩm nhưng không nộp lại, khi doanh nghiệp bắt đầu ăn nên làm ra, giá trị cổ phiếu tăng thì họ đã bán ra ngoài mà không thông qua HĐQT. Từ tháng 6/2008, Chủ tịch HĐQT Phạm Hùng Can đã ra lệnh đình chỉ việc sản xuất rồi mang theo chiếc xe ô tô hiệu Daihatsu của công ty về nhà, không đến công ty nữa. Hành vi này của ông Chủ tịch, theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch công đoàn công ty là “một âm mưu đẩy công ty vào chỗ phá sản để người mua cổ phần của ông ta chiếm được công ty, trong khi bản thân ông ta trốn được việc trả nợ cho công ty!” - Nhận định này của ông Thanh dựa trên một loạt những hành vi mà ông Can tiến hành từ tháng 5/2006 đến nay.

Đầu tiên là lá đơn xin giải đáp pháp luật mà ông Can gửi Sở Tư pháp và Toà Kinh tế TAND tỉnh Ninh Bình với nội dung: Năm 2006 công ty tăng vốn điều lệ thêm 500 triệu đồng thì người nắm giữ phần vốn tăng thêm đó có được quyền biểu quyết hay không? Khi biết được rằng phần vốn đó đương nhiên sẽ có giá trị, và Dương Quốc Tuấn đang nắm giữ gần 50% cổ phần của công ty thì ông Can âm mưu loại bỏ số vốn điều lệ được huy động từ hai năm trước. Âm mưu của ông Chủ tịch HĐQT Phạm Hùng Can được tính toán rất kỹ lưỡng và tiến hành theo đúng một chiêu thức nổi tiếng của môn võ Judo là “đòn hi sinh số 4” - Chủ động ngã xuống để kéo đối phương dập mặt.

Đầu tiên, không từ một yêu cầu nào, ông Chủ tịch HĐQT làm một bản tường trình gửi cổ đông của công ty với nội dung tự nhận lỗi đã ghi thêm vào nghị quyết của công ty dòng chữ “hội đồng quản trị mới đóng góp tăng vốn điều lệ 500.000.000 đồng”. Ông Can tự nhận rằng đó là việc làm sai vì không đúng sự thật. Hành động này của ông Can có vẻ như là một sự sám hối về “tội lỗi” của mình. Tuy nhiên, mọi cổ đông đều hiểu rằng, nếu không có dòng chữ “ghi thêm” đó thì công ty đã phá sản từ hai năm trước chứ không được như ngày hôm nay. Mặc dù vậy, sự “sám hối” của ông Can hoàn toàn không phải là một hành vi ngớ ngẩn bột phát. Bởi ngay sau đó “hành vi sai trái của Chủ tịch HĐQT” đã được một nhóm cổ đông căn cứ vào đó để khởi kiện ra TAND tỉnh Ninh Bình với yêu cầu, huỷ bỏ việc tăng vốn điều lệ 500 triệu đồng “ghi thêm” trái pháp luật. Lá đơn kiện này kỳ lạ ở chỗ, bị đơn là HĐQT công ty, mà ông Can là Chủ tịch, trong khi đó, nguyên đơn gồm 38 chữ ký thì có cả chữ ký của 2 vợ chồng ông Can, ngoài ra ông Can còn ký hộ nhiều người khác. Tự làm đơn kiện mình đã là một sự hy hữu, nhưng còn hơn thế, trong một bản tường trình gửi TAND tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch công đoàn công ty còn khẳng định rằng, ông Can đã hai lần đi ô tô đến tận nhà riêng của ông Thanh để vận động ông Thanh ký tên vào đơn kiện bản thân mình, nhưng ông Thanh không đồng ý. Là Chủ tịch công đoàn, ông Thanh thấy sự việc bất thường nên đã kiểm tra, kết quả: trong số những người ký tên vào lá đơn đó có hai người đã chết từ hai năm trước (có giấy chứng tử đàng hoàng), ngoài ra, một số người sau khi được hỏi đã xin rút chữ ký do “không hiểu rõ nội dung đơn”. Toàn bộ những chi tiết này cho thấy đây rõ ràng là một âm mưu của ông Phạm Hùng Can nhằm phủ nhận số vốn mà ông Dương Quốc Tuấn đã đóng góp để cứu công ty.

Cú đòn hy sinh tự kiện mình của ông Can quá lộ liễu và vụng về nhưng không vì thế mà không hiệu quả. Lá đơn tự kiện mình của ông Can vẫn được Toà án thụ lý và ra phán quyết huỷ bỏ việc tăng vốn điều lệ của công ty. Bản án đó khiến cho mọi nỗ lực hồi sinh của Công ty Hoa Lư bị phá sản, trở lại với thời điểm cách đây hai năm. Đây là một bản án khiến những người trong cuộc, và ngay cả người đã từng công tác trong ngành toà án tỉnh Ninh Bình cũng phải bức xúc vì trong quá trình thụ lý vụ án có quá nhiều chi tiết mà họ cho rằng bất thường./.

Kỳ 3: Ông Thẩm phán và những dòng tin nhắn bất thường.

Thẩm phán Phạm Trung Kết là người có “quan hệ đặc biệt” với Công ty Hoa Lư. Năm 2006, ông là người quyết định đình chỉ việc phá sản của công ty này do kịp thời huy động tăng vốn điều lệ. Hai năm sau, cũng chính ông ngồi ghế chủ toạ phiên toà bác bỏ việc tăng vốn điều lệ của công ty. Giữa hai sự kiện đó là những chi tiết làm bản thân những người trong cuộc cũng không thể hiểu nổi đối với vị thẩm phán thụ lý vụ án.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên