Loạn "thần dược, thần y": Dân còn cuồng tín thì còn bị lừa
VOV.VN - Hiện nay, trên các trang mạng xã hội đang diễn ra tình trạng “loạn thần y”, “thần dược”, với nhiều nội dung quảng cáo “nhảm nhí”, sai sự thật..., gây bức xúc trong xã hội.
Những ngày vừa qua, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nam thanh niên chữa bệnh câm điếc bằng phương pháp giống hệt “thần y” Võ Hoàng Yên được đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao. Theo đó, nam thanh niên này liên tục đập vào tai, rút lưỡi khiến bệnh nhân đau đớn. Sau đó hét lớn vào tai thanh niên câm điếc hỏi “Có nghe không?”. Người bệnh gật đầu, thanh niên này lập tức nói đã khỏi bệnh.
Ngoài chữa bệnh cho bé trai, một bé gái câm điếc cũng được nam thanh niên chữa trị bằng cách tương tự. Sau khi bị rút lưỡi, cô gái gục xuống tỏ vẻ rất đau đớn. Nam thanh niên liền yêu cầu cô gái đếm số thứ tự. Khi nghe âm thanh ú ớ giống với tiếng đếm, thanh niên này khẳng định cô gái đã khỏi bệnh trong tiếng cảm ơn rối rít của người mẹ. Nam thanh niên này còn căn dặn phụ huynh đưa con về nhớ làm việc thiện, chớ ăn đồ tầm bậy là “dính” lại bệnh. Đồng thời yêu cầu cô gái được mình trị bệnh đến lạy trước bàn thờ trong nhà nơi “thần y” trị bệnh.
Đọan clip này lúc đầu được đăng tải trên YouTube, sau đó nhiều người dùng Facebook tải về đăng lại hoặc dẫn đường link. Tuy nhiên, hiện tại clip gốc trên YouTube đã bị xóa.
Khám bệnh bằng đập tai, rút lưỡi
Phân tích về tình trạng này, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, theo Luật khám, chữa bệnh thì những người hành nghề khám, chữa bệnh phải có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như: Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; Giấy chứng nhận là lương y; Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng phải có đủ điều kiện hoạt động và được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
Việc chữa bệnh câm, điếc bằng phương pháp đập vào tai, rút lưỡi, thắp hương.v.v… như nam thanh niên đã thực hiện trong clip là kỳ quái, mang màu sắc mê tín dị đoan, không có có sở khoa học, chưa được các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Tại Điều 6 Luật khám, chữa bệnh cấm các hành vi: “Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề”; và “sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh”.v.v… Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, hành vi “sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Còn đối với hành vi “khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Về chế tài hình sự, nếu các hành vi phạm nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng (Làm chết người; gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.v.v..) thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” với hình phạt là phạt tù từ 01 năm đến cao nhất là 15 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Siết chặt hơn công tác quản lý
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, trong những năm qua, hoạt động khám, chữa bệnh của các lương y, các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, kinh doanh dược cổ truyền đã có sự phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện phát huy các giá trị của y học cổ truyền, các phương pháp và các bài thuốc quý trong việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh các lương y chân chính, các cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp thì cũng đã xuất hiện rất nhiều người mạo danh lương y, các cơ sở khám, chữa bệnh không phép, với những bài thuốc hoặc phương pháp, cách thức chữa bệnh “kỳ dị”, phản khoa học, khiến nhiều người bệnh “tiền mất tật mang”, thậm chí là bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, đe dọa về tính mạng.
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội (YouTube, Facebook…) đang diễn ra tình trạng “loạn thần y”, “thần dược”, với nhiều nội dung quảng cáo “nhảm nhí”, sai sự thật (chữa được ung thư, covid, chữa bệnh bằng những cách thức mê tín dị đoan.v.v..), gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội. Vì vậy, các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương, Bộ thông tin và truyền thông.v.v..) cần phải sớm vào cuộc để xử lý vấn nạn này.
Để có thể ngăn chặn và xóa bỏ các hành vi vi phạm nêu trên, trước hết, các cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, kinh doanh dược cổ truyền tư nhân. Đối với các nội dung quảng cáo sai sự thật, phóng đại về các hoạt động khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh trên các trang mạng xã hội thì cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan chức năng (Thanh tra y tế, Thông tin - truyền thông và Công an) trong việc rà soát, kiểm tra thông tin trên các trang mạng xã hội, cũng như khắc phục những lỗ hổng, hạn chế về mặt pháp lý, hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật về quảng cáo, cơ chế, biện pháp phối hợp và giàng buộc trách nhiệm của các mạng xã hội (Facebook, youtube…) trong việc kiểm duyệt các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực này.
Mặt khác, các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân; công bố công khai tên, địa chỉ của các lương y, các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược liệu cổ truyền được phép hoạt động, và những cá nhân, cơ sở hoạt động không phép hoặc có vi phạm, để giúp người dân có thể nhận biết và có sự lựa chọn chính xác. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác, không nên dễ dàng tin vào các thông tin “truyền miệng”, những lời đồn thổi hoặc các nội dung quảng cáo chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội mà cần phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng và thận trọng. Chỉ khám, chữa bệnh, mua thuốc tại các cơ sở đã được Nhà nước cấp phép hoạt động, các lương y có đầy đủ các loại giấy tờ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp. Trước đó, Bộ Y tế và Cục Quản lý Y, dược cổ truyền cũng đã có những hành động nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực y, dược cổ truyền. Và hy vọng, với những nỗ lực của các cơ quan có liên quan, từ cấp cao nhất cho đến các địa phương, cùng với sự cẩn trọng, hiểu biết của người dân, chúng ta có thể sớm ngăn chặn và loại bỏ được vấn nạn nhức nhối này./.