Một ngày, hai quyết định sai trái
Ngày 30/10/2009, bà Trần Thị Dê nhận được 2 quyết định của UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, một quyết định đình chỉ thi công, một quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình, nhưng lại ký trong cùng một ngày.
Hai quyết định này như “giọt nước tràn ly” khiến bà Dê không thể nào chấp nhận nổi về cung cách giải quyết nguyện vọng của người dân từ phía chính quyền. Bà quyết định làm đơn gửi tới Báo TNVN.
Chủ tịch phường mới nhậm chức nên… nhầm!?
Bà Dê cho biết, ngày 21/11/2000, bà được UBND huyện Thanh trì cấp Giấy CNQSDĐ số 0046 tại thôn Pháp Vân, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (nay là tổ 10, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Do đất của bà bị xen kẹt trong khu dân cư nên bà không thể tiếp tục thực hiện đúng mục đích sử dụng sản xuất nông nghiệp. Bà đã làm đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đã được Hội đồng ruộng đất phường chấp thuận tại cuộc họp ngày 9/9/2007. Tại Tờ trình số 287/TTr-UBND ngày 20/12/2007 của UBND phường Hoàng Liệt gửi UBND quận Hoàng Mai “Về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân tại phường Hoàng Liệt”, diện tích đất của bà cũng nằm trong diện được đề nghị chuyển đổi.
Tuy nhiên, đến nay đã hai năm, UBND quận Hoàng Mai vẫn chưa giải quyết. Mỏi mòn chờ đợi ý kiến của quận, trong khi đó mảnh đất của bà bị đất thải, rác thải chất cao, không sử dụng được. Ngày 15/9/2009, bà làm đơn gửi UBND phường xin phép cải tạo đất, xây tường rào làm nơi rửa xe ô tô nhằm tạo thu nhập cho gia đình, nhưng không được trả lời. Bà lại làm đơn gửi UBND quận Hoàng Mai. Ngày 20/10/2009 tại Công văn số 911/UBND-VP, UBND quận đã chuyển đơn của bà đến UBND phường Hoàng Liệt, yêu cầu hướng dẫn bà thực hiện theo quy định. Nhưng phường cũng chẳng hướng dẫn gì.
Khu đất của bà Dê sau cải tạo |
Nghĩ rằng im lặng là đồng ý nên bà đã tiến hành cải tạo, xây tường. Ai ngờ, bà liền nhận được 2 quyết định ban hành trong cùng ngày 27/10/2009 của UBND phường Hoàng Liệt do ông Nguyễn Kiến Thuận ký: QĐ số 236/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công và QĐ số 237/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
Bà bức xúc: “Tôi không hiểu nổi vì sao ông Chủ tịch lại ký 2 quyết định này. Đất và tài sản trên đất là của tôi, việc cải tạo là do tôi, vậy mà cả hai quyết định đều yêu cầu ông Nguyễn Thanh Lâm trú tại 33 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng phải thi hành. Giấy CNQSDĐ ghi tên tôi mà tôi lại không được sử dụng, vậy cấp Giấy CNQSDD để làm gì?”. Cũng theo bà Dê, Quyết định 237 về cưỡng chế phá dỡ công trình ghi: Quá thời hạn 3 ngày (kể cả ngày nghỉ) nếu chủ công trình không tự phá dỡ thì cưỡng chế, như vậy là “đá” Quyết định 236 có nội dung đình chỉ thi công ban hành cùng ngày.
Trước khiếu nại của bà Dê, ngày 9/11/2009, PV báo TNVN đã làm việc với ông Nguyễn Kiến Thuận, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt. Ông Thuận cho biết, ông chính thức nhậm chức Chủ tịch vào ngày 27/10/2009 nên phải có thời gian tiếp nhận dần các vấn đề, đặc biệt là những trường hợp vi phạm. Ông thừa nhận, việc ban hành QĐ 236, QĐ 237 là sai, nhưng phân bua, vì mới nhận công tác nên ông chưa biết bà Dê, ông Lâm là ai. Hơn nữa, do cấp tham mưu báo cáo, lại thấy việc xây dựng của bà Dê là trái pháp luật, nên ông đã nhanh chóng ký quyết định để giải quyết dứt điểm...
Phường chờ quận, quận lại chờ phường, dân không nên sốt ruột!
Ông Thuận khẳng định, 2 quyết định ban hành cùng một ngày là do cán bộ sai sót trong việc ghi ngày. Tuy nhiên, để sửa chữa khuyết điểm này, UBND phường đã lùi thời gian cưỡng chế công trình vi phạm trên.
Về những trường hợp có đất nằm xen kẹt trong khu đô thị, ông Thuận cho biết, UBND phường đã có tờ trình UBND quận, nhưng đến nay, quận vẫn chưa có văn bản chính thức trả lời, nên vẫn phải tiếp tục chờ. Ông Thuận cho rằng: Bản thân ông cũng thấy việc để đất như trên là rất lãng phí, gây ô nhiễm môi trường nên trong lúc chờ chủ trương của thành phố, của quận, người dân có thể làm đơn xin cải tạo để sử dụng tạm thời, nhưng thẩm quyền giải quyết lại thuộc quận, thành phố và trong lúc quận, thành phố chưa có chủ trương thì việc người dân xây dựng là trái pháp luật, vì vậy phường phải ra tay xử lý. Còn việc bà Dê có đơn xin phép cải tạo hay không còn phải để kiểm tra lại, vì văn bản đó nằm dưới thời Chủ tịch cũ. Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì phường cũng không đủ thẩm quyền, do vậy, khi có Công văn 911 của quận thì phường phải áp vào quy định để xử lý…
Trao đổi với PV báo TNVN, bà Bùi Thị Phương, Chánh văn phòng UBND quận Hoàng Mai khẳng định: Về nguyên tắc, quản lý đất đai, trật tự xây dựng là do UBND phường quản lý là chính vì phường là một cấp chính quyền. Nếu có khó khăn thì phải làm văn bản đề xuất lên quận. Kể cả khi quận muốn xin một chủ trương nào của thành phố, quận cũng phải trực tiếp lên đó để xin ý kiến trả lời chứ không thể vứt một văn bản lên đó rồi ngồi chờ, mà phải đốc thúc. Tuy chưa tổng hợp kỹ nhưng UBND quận có thể đã có nhiều công văn trả lời về Tờ trình số 287 rồi?
Tiếp tục làm rõ vụ việc, ngày 10/11, chúng tôi đề nghị làm việc với ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, nhưng ông Hải cho biết, ông bận họp cả tuần, chưa biết đến khi nào mới có thể làm việc được (?)./.