Nên bỏ án tử hình với người nghèo vận chuyển ma túy?

VOV.VN - Luật sư Nguyễn Thanh Hải cho rằng nên bãi bỏ một số tội danh liên quan đến ma túy vì nhiều người nghèo chỉ là đối tượng vận chuyển thuê.

Với chủ trương đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính nhân văn trong việc xử lý người phạm tội, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Đặc biệt là, Dự thảo luật hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Dự thảo đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7/22 tội danh có hình phạt tử hình.

Nghe nội dung bài viết:

 

Đó là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Nhiều người dân và chuyên gia pháp lý đồng tình với đề xuất này và cho rằng, việc giảm các hình phạt tử hình là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn lập pháp hình sự nước ta.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự sửa đổi được áp dụng lâu dài, do đó, khi sửa đổi cần tính đến xu hướng phát triển và dự báo về tình hình tội phạm trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ hội nhập. Ông Nguyễn Phú Thắng, Giám đốc Công ty Luật Intercode cho rằng, thời gian qua mặc dù hình phạt tử hình được quy định áp dụng đối với 22 tội danh nhưng trên thực tế các tòa án chủ yếu áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội giết và tội phạm về ma tuý. Những loại tội danh khác như tham nhũng, tham ô xử rất ít.

Một bị cáo bị tử hình vì tội buôn bán, vận chuyển ma túy (Ảnh: Việt Đức)

Để lại án tử hình đối với các loại tội như tội tham nhũng nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng không phải cứ phạt thật nặng là nghiêm minh, mà nghiêm minh là quy định thế nào áp dụng trên thực tế như vậy, đảm bảo hiệu quả phòng chống tội phạm.

Mục đích của hình phạt phải là giáo dục con người lầm lỗi trở thành người có ích cho xã hội. Giam hãm con người trong nỗi sợ hãi, thậm chí, đóng sập cánh cửa cho việc hoàn lương đối với người phạm tội…đều không thể có ý nghĩa phòng ngừa tích cực. Việc sửa đổi giảm án tử hình là cần thiết. Tuy nhiên, giảm loại tội nào phải có sự tính toán, cân nhắc cho kỹ. Bởi vì khi giảm hình phạt tử hình nếu không cân nhắc kỹ thì nó sẽ có tác động ngược trở lại, không tốt cho việc quản lý xã hội. Chính vì vậy, phải có sự cân nhắc thật kỹ những tội danh nào thấy không cần phải tử hình và những tội danh tiếp tục phải duy trì án tử hình”, ông Nguyễn Phú Thắng nêu ý kiến.

Thực tế cho thấy việc duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình đối những tội phạm cụ thể chúng ta dựa trên những tiêu chí nhất định như: căn cứ vào tầm quan trọng của khách thể mà hành vi phạm tội xâm hại, quan điểm nhân đạo, trình độ dân trí, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Dự thảo B      ộ luật Hình sự sửa đổi cần quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình, hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình. Đối với loại tội phạm ma tuý, Dự thảo luật nên tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép  chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Bởi rất nhiều người nghèo họ chỉ là đối tượng vận chuyển thuê chất ma tuý.

“Hình phạt tử hình có hơn 100 nước trên thế giới đã bãi bỏ. Thực tế ở nước ta giai đoạn này chưa bỏ được nhưng cần xem xét loại bỏ tử hình đối với một số tội danh. Bên cạnh đó, Dự thảo luật quy định khung hình phạt đối với các tội danh thật chi tiết, dễ áp dụng, đảm bảo sự thống nhất về pháp luật. Nên xem xét tiếp tục bãi bỏ tử hình đối với một số tội danh liên quan đến ma tuý. Vì nhiều người là người nghèo chỉ là đối tượng vận chuyển thuê, đôi khi họ còn là nạn nhân”, Luật sư Nguyễn Thanh Hải đề xuất.

Dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi, cũng mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình. Theo đó, ngoài trường hợp không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành, Dự thảo luật bổ sung thêm hai trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 70 tuổi trở lên người bị kết án là người từ 70 tuổi trở lên lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; người bị kết án tử hình nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Bà Nguyễn Thu Vân, Phó Trưởng khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp Hà Nội cho rằng, quy định này thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối của Đảng và Nhà nước đối với những người phạm tội những biết ăn năn, hối cải và sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ – đối tượng được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ, được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, đối với những người 70 tuổi tuổi nhìn chung vẫn còn khả năng về thể lực, trí lực. Thậm chí, nhiều người ở lứa tuổi này còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm... Vì vậy, Dự thảo Luật cần có sự phân hóa cụ thể nhóm tội và trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng, bảo đảm hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm:

“Nếu người phạm tội cố gắng khắc phục trong vấn đề thiệt hại về tài sản thì tình tiết giảm nhẹ là hợp lý. Mục đích cuối cùng của chúng ra là răn đe và trừng phạt chứ không phải cố tình để giết người đó nên từ án tử hình có thể xuống án chung thân. Tuy nhiên, Dự thảo luật cần quy định các khung hình phạt có biên độ ngắn, cụ thể để đảm bảo tính thống nhất trong xét xử”, bà Nguyễn Thu Vân nói.

Dù bỏ tử hình là chủ trương nhân đạo, phù hợp với xu hướng thế giới và tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam, tuy nhiên, việc bỏ tử hình đối với loại tội phạm nào đòi hỏi cần nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đảm bảo chính sách nhất quán trong pháp luật hình sự cũng như đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên