Nguy cơ bị xâm hại tình dục qua mạng ở người chưa thành niên là vô cùng lớn

VOV.VN - Với tính tò mò, Thiếu tá Phí Văn Thanh cho rằng, nguy cơ bị xâm hại tình dục qua mạng ở người chưa thành niên là vô cùng lớn. Thông qua MXH, Internet, các đối tượng tiến hành quấy rối tình dục, dụ dỗ, lôi kéo, dọa nạt...

Với sự phát triển của công nghệ, Internet và mạng xã hội (MXH), giới trẻ, trong đó có người chưa thành niên (NCTN) đã trở thành công dân số từ rất sớm ở Việt Nam. Việc tiếp cận Internet, MXH quá mức và thiếu kiểm soát sẽ làm gia tăng tỷ lệ trẻ NCTN gặp các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý, thậm chí bị tấn công, xâm hại, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật. Thách thức lớn không chỉ nằm ở việc loại bỏ hoàn toàn nội dung độc hại khỏi môi trường số, mà còn cần phải tập trung vào việc bảo vệ trẻ, NCTN khỏi những "bẫy" trực tuyến một cách chiến lược và kiên quyết. 

Nguy cơ, thách thức từ không gian mạng

Thiếu tá Phí Văn Thanh – Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phân tích, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 thế giới về tỷ lệ người sử dụng Internet, với hơn 70 triệu tài khoản MXH được đăng ký, trong đó, 1/3 là NCTN. Điều này đồng nghĩa với việc NCTN phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, đặt ra những thách thức không hề nhỏ trong công tác bảo vệ nhóm người này trên không gian mạng.

Theo Thiếu tá Thanh, NCTN có khả năng nhận thức, tiếp cận nhanh chóng, dễ thích nghi với những thay đổi của Internet và MXH, nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương và rủi ro nhất bởi các MXH chưa có đủ cơ chế để bảo đảm an toàn cho đối tượng này trên không gian mạng. Đáng chú ý, đây là lứa tuổi đang ở giai đoạn biến động mạnh mẽ về mặt tâm sinh lý do dậy thì. Sự không ổn định về mặt tâm lý và sinh lý, cùng với sự phát triển chưa hoàn chỉnh của nhân cách khiến cho họ thường có xu hướng muốn chứng minh bản thân, bộc lộ tính cách mạnh mẽ nhưng thiếu suy nghĩ, sẵn sàng mạo hiểm, thử thách dù là trên MXH, Internet. Điều này càng trở nên phức tạp khi hiểu biết pháp luật và kiến thức về đời sống xã hội còn hạn chế, thậm chí sai lạc, khiến NCTN dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, dụ dỗ, lôi kéo, kích động, thậm chí là mua bán người…

Với tính tò mò, Thiếu tá Phí Văn Thanh cho rằng, nguy cơ bị xâm hại tình dục qua mạng ở NCTN là vô cùng lớn. Thông qua MXH, Internet, các đối tượng tiến hành quấy rối tình dục, dụ dỗ, lôi kéo, dọa nạt…, nếu không được trang bị kỹ năng tự bảo vệ, NCTN dễ tham gia vào các hoạt động mại dâm, thậm chí là bán dâm. 

Có thể kể đến vụ việc của em A, 17 tuổi tại TPHCM đã trở thành nạn nhân của một kẻ có hành vi biến thái trên MXH. Thông qua nhóm “mua bán truyện tranh”, tài khoản Facebook Nhi Trần đã liên hệ để mua truyện tranh của A. Tuy nhiên, A cho biết: “Người đó bảo em gọi video để kiểm tra chất lượng truyện. Hai lần đầu gọi thì do mạng yếu, đến lần thứ ba người đó quay bộ phận nhạy cảm của mình”; “Sau đó em tìm hiểu thì biết tài khoản này đã nhiều lần tấn công các bạn trong nhóm với phương thức tương tự”. 

“Trên MXH có vô số thông tin, hình ảnh nội dung xấu, độc tác động, làm lệch chuẩn về hành vi, nhân cách sống của thanh thiếu niên, dẫn tới các hậu quả khó lường. Đó là những thông tin mang nội dung đồi trụy, bạo lực, tuyên truyền lối sống lệch lạc, thậm chí là các hành vi phạm tội, chống đối xã hội…”- Thiếu tá Thanh nói.

Theo Thiếu tá Thanh, có một thực tế đáng suy ngẫm, nhiều trẻ em, NCTN hiện nay đang cổ suý cho những “giang hồ mạng”, bắt chước, học theo lối sống không chuẩn mực, lan toả những hành vi sai lệch trên MXH. Thậm chí nhiều em còn bày tỏ nguyện vọng muốn làm “đệ tử” của các giang hồ mạng.

"Bạo lực là nguy cơ không hề nhỏ đối với NCTN; là thách thức lớn đối với cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường trong việc bảo vệ nhóm người này trên không gian mạng. Nguy hại hơn, bạo lực mạng, nhất là bạo lực ngôn từ và trào lưu tẩy chay có thể giết chết một con người về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở lứa tuổi này, NCTN chưa có nhận thức, quan điểm rõ ràng về các vấn đề của xã hội, dễ bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc tiêu cực, lời lêu gọi và trở thành "đồng phạm" của trào lưu tẩy chay trên mạng. Hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển lành mạnh của giới trẻ, mà còn làm tăng nguy cơ về các vấn đề sức khỏe tinh thần như lo âu, trầm cảm và thậm chí là suy nghĩ tự tử. Nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Plan International cho thấy tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trên mạng tăng từ 12% vào năm 2016 lên 18% vào năm 2020; hơn 50% trẻ em vị thành niên tại Việt Nam bị bắt nạt trực tuyến"- Thiếu tá Thanh nói. 

Theo ông Thanh, có một thực tế NCTN thích chia sẻ những thông tin "lạ", "độc". Tuy nhiên, nhận thức chính trị chưa đủ chín các em dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực, xấu độc; thậm chí, phát ngôn thù địch, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, giới tính; hình thành quan điểm tiêu cực, chống đối xã hội, pháp luật... Lợi dụng đặc điểm tâm lý này, các đối tượng thù địch, phản động ra sức tuyên truyền làm tha hoá, băng hoại lực lượng dự bị hùng hậu của Đảng. Gần đây, trên nền tảng Tiktok thường xuyên xuất hiện cụm từ “Parky” với mục đích chế giễu người miền Bắc Việt Nam, thể hiện sự phân biệt vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam; đáng buồn, một bộ phận giới trẻ coi đây như một hình thức giải trí không lành mạnh. 

Theo thống kê của Bộ Công an, số tội phạm ở độ tuổi chưa thành niên đang có dấu hiệu gia tăng; trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp NCTN vi phạm pháp luật. Tội phạm là người dưới 18 tuổi ngày càng trẻ hóa. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được các đối tượng đăng tải trên các trang MXH, coi đó như những chiến tích để khoe khoang, thách thức pháp luật.

Bảo vệ người chưa thành niên trên không gian mạng

Trong môi trường số, tội phạm mạng ngày càng sử dụng những chiến thuật tinh vi để lừa đảo, bắt nạt và lạm dụng NCTN. Một trong những phương thức phổ biến là thông qua các trang web email và tin nhắn giả mạo, MXH như zalo, facebook… lan truyền thông tin độc hại, thu thập thông tin; lừa trẻ tải phần mềm độc hại về máy, giả mạo danh tính trên MXH để tiếp cận, lừa đảo. Đồng thời, việc thiếu kiến thức về an toàn số và cách bảo vệ bản thân, từ việc giữ bí mật thông tin cá nhân đến nhận biết các hành vi lừa đảo trực tuyến, càng khiến NCTN dễ trở thành nạn nhân.

Với việc dành phần lớn thời gian hàng ngày để học tập và giải trí qua mạng, các em đang ngày càng bị cuốn vào thế giới số, làm giảm dần sự tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và tương tác trực tiếp với xã hội xung quanh. Điều này không chỉ hạn chế khả năng phát triển các kỹ năng xã hội và thể chất của trẻ, mà còn tạo điều kiện cho sự tiếp xúc với những nội dung tiêu cực trên Internet, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của tâm hồn và nhận thức.

Để bảo vệ NCTN trước những ảnh hưởng tiêu cực của MXH, Thiếu tá Phí Văn Thanh – Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cần quan tâm thực hiện tốt các giải pháp sau: 

Thứ nhất, giáo dục và nâng cao nhận thức toàn diện. Phát triển và triển khai các chương trình giáo dục về an toàn mạng trong trường học và cộng đồng, cung cấp kiến thức cập nhật về các nguy cơ trực tuyến như bạo lực mạng, lừa đảo trực tuyến, và cách bảo vệ thông tin cá nhân. Đồng thời, tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng Internet an toàn và có trách nhiệm cho NCTN. Bằng cách học cách nhận diện thông tin đúng và sai trên mạng, cùng với biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, các em sẽ tự tin và an toàn hơn khi online. 

Thứ hai, việc gia tăng sự giám sát của phụ huynh đối với hoạt động trực tuyến của con cái là hết sức quan trọng. Áp dụng công cụ kiểm soát và xây dựng một bộ qui tắc sử dụng Internet cụ thể cho gia đình có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ trực tuyến. Ngoài ra, việc dành thời gian trò chuyện và lắng nghe trẻ chia sẻ về những gì chúng trải qua trên mạng không chỉ thắt chặt mối quan hệ gia đình mà còn là cơ hội để hướng dẫn trẻ cách tiếp cận thông tin một cách an toàn. 

Thứ ba, tăng cường hợp tác và quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý cần làm việc chặt chẽ với nền tảng mạng xã hội để tăng cường các biện pháp bảo vệ người dùng, đặc biệt là NCTN, thông qua việc thiết lập quy định rõ ràng về nội dung và quyền riêng tư đối với các nền tảng MXH.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ bảo vệ. Khuyến khích và hướng dẫn NCTN sử dụng các công cụ công nghệ như phần mềm chống virus, tường lửa, và ứng dụng quản lý thời gian sử dụng thiết bị để bảo vệ bản thân khỏi các mối đe dọa trực tuyến và quản lý thời gian sử dụng internet một cách hiệu quả. Các công cụ này có khả năng chặn hoặc hạn chế NCTN tiếp xúc với nội dung độc hại, không phù hợp. 

Thứ sáu, xây dựng cộng đồng hỗ trợ. Cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý và tư vấn cho NCTN giúp họ xử lý các vấn đề về áp lực, bạo lực hoặc lạm dụng trên mạng. Tổ chức các chiến dịch truyền thông và sự kiện cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm về việc tạo dựng một môi trường mạng lành mạnh, qua đó khuyến khích mọi người, từ cá nhân, gia đình đến cộng đồng, đều đóng góp vào việc bảo vệ NCTN.

Các giải pháp này cần được triển khai một cách đồng bộ và liên tục, với sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội, để có thể tạo ra một môi trường mạng an toàn và tích cực cho NCTN.

Số liệu khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2023 có 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet, 87% trong số đó sử dụng Internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào MXH. Trong khi đó, theo khuyến cáo của các tổ chức y tế thì trẻ em chỉ nên truy cập mạng từ 2-3 tiếng/ngày.

Box: Nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Plan International cho thấy tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trên mạng tăng từ 12% vào năm 2016 lên 18% vào năm 2020; hơn 50% trẻ em vị thành niên tại Việt Nam bị bắt nạt trực tuyến.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật: Mạnh tay hay nhân văn?
Xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật: Mạnh tay hay nhân văn?

VOV.VN - Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang được sửa đổi, hướng tới các biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nhưng vẫn đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật.

Xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật: Mạnh tay hay nhân văn?

Xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật: Mạnh tay hay nhân văn?

VOV.VN - Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang được sửa đổi, hướng tới các biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nhưng vẫn đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật.

Cần một Luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên
Cần một Luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên

VOV.VN - Quy định pháp luật về tư pháp người chưa thành niên hiện nay còn một số hạn chế, bất cập. Trong khi tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội có xu hướng gia tăng nên rất cần một Luật riêng về tư pháp cho đối tượng đặc thù này.

Cần một Luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên

Cần một Luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên

VOV.VN - Quy định pháp luật về tư pháp người chưa thành niên hiện nay còn một số hạn chế, bất cập. Trong khi tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội có xu hướng gia tăng nên rất cần một Luật riêng về tư pháp cho đối tượng đặc thù này.

Sẽ có luật điều chỉnh về tư pháp đối với người chưa thành niên
Sẽ có luật điều chỉnh về tư pháp đối với người chưa thành niên

VOV.VN - Đây là một trong những dự án luật được giao cho Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì nghiên cứu, tổng kết thực tế để xây dựng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Sẽ có luật điều chỉnh về tư pháp đối với người chưa thành niên

Sẽ có luật điều chỉnh về tư pháp đối với người chưa thành niên

VOV.VN - Đây là một trong những dự án luật được giao cho Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì nghiên cứu, tổng kết thực tế để xây dựng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.