Nguyên Chánh văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai lĩnh án 10 năm tù
VOV.VN - Bị cáo Nguyễn Thế Quang (nguyên Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai) vừa bị tuyên án 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngày 5/1, sau nhiều lần bị hoãn và gián đoạn, phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” xảy ra tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai, đã được mở lại. Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo, kế toán của đơn vị này tổng mức án là 21 năm 6 tháng tù giam.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thế Quang (nguyên Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai) lãnh án 10 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Lựu (nguyên Kế toán, Trưởng Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị, Phó Chánh Văn phòng) lãnh 6 năm 6 tháng tù và Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi (kế toán) lãnh án 5 năm tù.
Theo cáo trạng, từ năm 2013 đến 2016, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, các bị can đã lập dự toán kinh phí của Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh Gia Lai trùng với dự toán kinh phí 7 biên chế của Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã được Văn phòng Quốc hội cấp dự toán riêng nhằm mục đích được cấp thêm một khoản kinh phí để chi vào mục đích chung của đơn vị.
Sau đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh Gia Lai đã chi hết số tiền này, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ sai phạm, vai trò của các bị cáo. Bị cáo Nguyễn Thế Quang cho rằng, trong vụ việc này, bản thân chỉ có vai trò là tham mưu cho cấp trên chứ không được quyền quyết định. Còn bị cáo Nguyễn Thị Lựu khẳng định, việc lập dự toán là chủ trương chung, theo ý kiến cấp trên, không vì lợi ích riêng. Riêng bị cáo Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi thừa nhận, thời điểm làm dự toán có phát hiện chi chưa đúng và đã đưa 7 biên chế chi trùng này ra khỏi danh sách nhưng bị cáo Lựu không đồng ý.
Đại điện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai nhận định: Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bị can Quang là thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức…
Do đó, bị cáo Quang có vai trò cao nhất khi là thủ trưởng đơn vị, biết rõ là sai nhưng vẫn ký vào các văn bản liên quan. Bị cáo Lựu biết rõ là sai pháp luật nhưng vẫn tích cực tham mưu cho bị cáo Quang, mặt khác chỉ đạo bị cáo Vi lập dự toán kinh phí trùng, chi phí kinh phí trùng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Do vậy bị áo Lựu là người thực hành đắc lực, có vai trò thứ hai trong vụ án. Riêng bị cáo Vi vào năm 2015 đã biết việc làm này là sai trái, nhưng vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Lựu../.