Nhận cuộc gọi lạ, suýt mất 3,9 tỷ đồng trong tài khoản.
VOV.VN - Đội cảnh sát hình sự Công an TP Nam Định vừa ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.
Một ngày đầu tháng 10/2021, bà K, 76 tuổi trú tại phường Lộc Vượng, TP Nam Định nhận cuộc điện thoại của một nhóm đối tượng tự xưng là cán bộ Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo bà K có liên quan đến một đường dây tội phạm ma túy. Để chứng minh bản thân trong sạch, bà K phải mở một tài khoản ngân hàng mới và chuyển toàn bộ 3,9 tỷ đồng trong tài khoản vào tài khoản mới lập. Sau đó, bà K phải cung cấp cho chúng mật khẩu Internet banking và mã OTP.
Chúng liên tục gọi điện thoại đe dọa, yêu cầu bà K làm theo và phải tuyệt đối giữ bí mật, không kể với bất kỳ ai; nếu để lộ, tính mạng cả gia đình bà K có thể sẽ bị các đối tượng ma túy uy hiếp. Chiều cùng ngày, con gái bà K đến thăm mẹ và phát hiện vụ việc, nghi ngờ bà K bị lừa đảo chiếm đoạt tiền nên đã trình báo Công an TP Nam Định. Ngay lập tức, Đội cảnh sát hình sự CATP Nam Định cử cán bộ xuống hiện trường, hướng dẫn gia đình, trao đổi ngân hàng phong tỏa tài khoản; bảo toàn số tiền 3,9 tỷ đồng. Nhờ sự cảnh giác của con gái, sự kịp thời của lực lượng Công an, sự trách nhiệm của ngân hàng, bà K đã may mắn nhận lại số tiền 3,9 tỷ đồng.
Công an TP Nam Định cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau như điện thoại thông báo trúng thưởng, thông báo chủ thuê bao nợ cước điện thoại, giả danh cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhân dân thông báo nạn nhân có liên quan đến một đường dây tội phạm, yêu cầu chuyển hết tiền tiết kiệm vào một tài khoản ngân hàng để chứng minh bản thân trong sạch … Suốt quá trình thực hiện, đối tượng yêu cầu người dân phải giữ liên lạc liên tục, không được tắt máy điện thoại và không được thông báo cho người khác biết. Sau khi chuyển tiền, người dân không được trả lại tiền, mới biết bị kẻ gian lừa đảo và đến công an trình báo.
Nhóm tội phạm này hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, có tính chất quốc tế và thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động. Chúng sử dụng công nghệ cao giả lập số điện thoại của một số đơn vị công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố để người bị hại dễ dàng tin chúng. Chúng thường mạo danh cán bộ cơ quan pháp luật ở một tỉnh khác để người bị hại khó tiếp xúc người giả danh, chỉ liên lạc qua điện thoại.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân, cơ quan công an không bao giờ chủ động gọi trực tiếp đến số điện thoại của người dân để giải quyết những vụ việc vi phạm. Người dân cần thận trọng khi nhận điện thoại từ người lạ. Trường hợp có người tự xưng là công an thì người dân cần đề nghị trực tiếp liên hệ cùng công an địa phương gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập đến trụ sở làm việc, không làm việc qua điện thoại. Nhất là, người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân, số căn cước công dân, thẻ tín dụng, số tài khoản cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không mua bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân và không nên đưa thông tin đời tư lên các trang mạng xã hội.
Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc dẫn dụ nào, nên khôn khéo tìm hiểu xem đối tượng cần gì, muốn gì để thông báo ngay đến cơ quan công an cùng phối hợp giải quyết; không nên tự giải quyết vì sẽ sập bẫy hành vi lừa đảo của tội phạm.
Cơ quan công an hay cơ quan pháp luật không bao giờ có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội./.