Nhiều diễn biến bất ngờ tại phiên tòa xét xử sai phạm đền bù thủy điện Sơn La

VOV.VN - Các luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét cử triệu tập Bí thư thành phố Sơn La, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp (nguyên Chủ tịch UBND huyện Mường La)..

Sáng 21/5, Tóa án Nhân dân tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc bồi thường tái định cư liên quan dự án thủy điện Sơn La.

Toàn cảnh phiên xét xử

Đây là vụ án được đánh giá là lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây tại địa phương. Trong số 17 bị cáo, có Trương Tuấn Dũng, Phan Tiến Diện, Phan Đức Chính, Phan Xuân Khoa, Trần Mạnh Trì, Mai Văn Quang, Bùi Văn Tân, Vũ Hồng Giang, Tòng Văn Thành, Ngô Xuân Vân, Lê Quang Duy, Nguyễn Văn Thanh và Đèo Văn Ban bị khởi tố vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo còn lại là: Triệu Ngọc Hoan, Đỗ Tiến Đồng, Cà Văn Tỉnh và Sòi Ngọc Hùng bị khởi tố vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hội đồng xét xử vụ án gồm 5 người, 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Chủ tọa điều hành phiên tòa là bà Tòng Thị Hiền.

Tại phần thủ tục, sau khi nghe thư ký tòa báo cáo về thành phần những người tham gia phiên tòa, 17/17 bị cáo có mặt; 9/18 luật sư bào chữa có mặt và chỉ có 2 người làm chứng và có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan vắng mặt.

Về sự vắng mặt của các luật sư và người làm chứng, ý kiến Viện kiểm sát; ý kiến các bị cáo đều đồng ý sự vắng mặt của luật sư và người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan vì không ảnh hưởng đến quá trình xét xử của vụ án.

Các bị cáo có mặt tại tòa.

Về ý kiến của các luật sư, Luật sư Trần Thu Nam, đại diện cho các luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Lê Đăng Tùng với tư cách là người bào chữa cho bị cáo Trương Tuấn Dũng đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập ông Cầm Ngọc Minh, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Lý do cần triệu tập vì ông Minh nguyên là Phó ban Chỉ đạo Dự án tái định cư tỉnh, đồng thời là người ký Quyết định số 1993 ngày 17/8/2016 về việc giải quyết khiếu nại lần 2 của ông Đèo Văn Ban. Ngoài ra cần làm rõ một số vấn đề khác.

Các luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét cử triệu tập ông Nguyễn Thái Hưng, Bí thư thành phố Sơn La, nguyên là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh; ông Nguyễn Thành Công, Phó Giám Sở Nông nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mường La để làm rõ về việc ông Nguyễn Tuấn Dũng báo cáo về việc ban hành và thực hiện kế hoạch 41, trong một số tờ trình và quyết định phê duyệt chỉ định thầu của UBND huyện Mường La.

Luật sư Trần Thu Nam đại diện cho các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập ông Cầm Ngọc Minh, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La, năm 2013 khi trả tiền bồi thường, nhiều hộ dân có đất bị thu hồi tại khu vực mặt bằng công trường Nhà máy thủy điện Sơn La không đồng ý, vì cho rằng còn thiếu nhiều diện tích chưa được bồi thường, hỗ trợ. Để xác định, tỉnh Sơn La chỉ đạo UBND huyện Mường La đo đạc lại, thống kê diện tích đất từng hộ và đưa phương án bồi thường trên diện tích chưa được bồi thường trước đó. 

Năm 2014, Trương Tuấn Dũng, khi đó là Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mường La, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện ký ban hành Kế hoạch số 41 để triển khai thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cho phép Văn phòng đăng ký đất đai và Công ty Bảo Bình có trụ sở tại Hà Nội đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Cơ quan tố tụng xác định, Kế hoạch 41 được ban hành sai quy định, chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La; đo đạc trước, hoàn thiện hồ sơ pháp lý sau… Khi thực hiện Kế hoạch 41, tại Sơn La xuất hiện nhiều đơn thư vượt cấp, đặc biệt là đơn của Đèo Văn Ban, một cá nhân nằm trong diện được đền bù đã gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, buộc công an phải điều tra.

Kết quả cho thấy, Đèo Văn Ban từng được cấp 1 thửa đất rộng 32.400 m2 tại xã Tạ Bú và đã nhận đủ tiền đền bù từ dự án thủy điện. Tuy vậy, Ban liên tục gửi đơn thư vượt cấp, đề nghị được bồi thường theo khung giá đất năm 2015 thay vì giá năm 2013. Năm 2014, khi đo đạc lại theo Kế hoạch 41 nói trên, Đèo Văn Ban đã tự ý khoanh vùng đất của mình trên bản đồ với diện tích lớn hơn nhiều lần thực tế.

Ban cũng đề nghị và được bị cáo Bùi Văn Tân, tổ trưởng tổ đo đạc, Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển loại đất để được bồi thường giá cao. Đèo Văn Ban cũng được Vũ Hồng Giang, lúc này làm việc cho Công ty Bảo Bình chia, số hóa đất trên bản đồ thành 97 thửa, trong khi thực tế Ban chỉ có 1 thửa. Ban còn tự nhận là Trưởng bản để ký xác nhận hồ sơ cho chính mình. Kết quả, Đèo Văn Ban được huyện Mường La phê duyệt thu hồi gần 170.000m2, với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Bị cáo Phan Tiến Diện thời điểm phạm tội là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La sau khi kiện toàn là Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Mường La thay ông Dũng tiếp tục chỉ đạo công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân.

Bị cáo Diện biết kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La có nhiều nội dung không đúng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên nhưng vẫn ký các quyết định phương án thu hồi đất, phương án bồi thường hỗ trợ, dẫn đến việc bồi thường hỗ trợ sai cho các hộ dân, trong đó có hộ ông Đèo Văn Ban.

Với chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, Triệu Ngọc Hoan có thẩm quyền ký ban hành bản đồ địa chính do đơn vị chuyên môn và Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện. Tuy nhiên, đã không thực hiện đúng quy trình, quy định, không kiểm tra hồ sơ, không biết kết quả đo đạc, bản đồ địa chính do Văn phòng đăng ký đất đai lập đúng hay sai, nhưng vẫn ký xác nhận để ban hành phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, dẫn đến việc hỗ trợ sai.

Các bị cáo khác dù biết Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La trái với văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La, cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng vẫn thực hiện dẫn đến việc thất thoát ngân sách nhà nước số tiền lớn.

Quá trình điều tra, truy tố, Trương Tuấn Dũng cùng gia đình liên tục kêu oan, cho rằng việc bị cáo Đèo Văn Ban được “bồi thường thừa” 1,2 tỷ đồng do ông Ban thông đồng cùng những người đo đạc, không liên quan tới kế hoạch 41. Ngoài ra, khi ban hành kế hoạch, ông Dũng đã xin ý kiến chỉ đạo  cấp trên.

Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng có ý kiến đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La yêu cầu Cơ quan điều tra xác định kế hoạch 41 có phải văn bản quy phạm pháp luật hay không?./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hoãn phiên tòa xử dàn lãnh đạo vi phạm tại dự án thủy điện Sơn La
Hoãn phiên tòa xử dàn lãnh đạo vi phạm tại dự án thủy điện Sơn La

VOV.VN - 17 bị cáo sai phạm đền bù giải phóng mặt bằng khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La. Tại phiên tòa sáng nay vắng 2 bị cáo, 8 luật sư và 6 người làm chứng.

Hoãn phiên tòa xử dàn lãnh đạo vi phạm tại dự án thủy điện Sơn La

Hoãn phiên tòa xử dàn lãnh đạo vi phạm tại dự án thủy điện Sơn La

VOV.VN - 17 bị cáo sai phạm đền bù giải phóng mặt bằng khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La. Tại phiên tòa sáng nay vắng 2 bị cáo, 8 luật sư và 6 người làm chứng.

Tiếp tục xét xử vụ sai phạm đền bù dự án thủy điện Sơn La
Tiếp tục xét xử vụ sai phạm đền bù dự án thủy điện Sơn La

VOV.VN - Phiên tòa sơ thẩm vụ án liên quan những sai phạm quanh dự án thủy điện Sơn La dự kiến được diễn ra từ ngày 21/5 đến 30/5.

Tiếp tục xét xử vụ sai phạm đền bù dự án thủy điện Sơn La

Tiếp tục xét xử vụ sai phạm đền bù dự án thủy điện Sơn La

VOV.VN - Phiên tòa sơ thẩm vụ án liên quan những sai phạm quanh dự án thủy điện Sơn La dự kiến được diễn ra từ ngày 21/5 đến 30/5.