Nhiều trang mạng rao bán số điện thoại, thư điện tử của hàng triệu người Việt

VOV.VN - Nguy cơ về mất an toàn thông tin đang có chiều hướng gia tăng, sự cố nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tình trạng rò rỉ dữ liệu người dùng chưa được kiểm soát. Nhiều trang mạng trong nước và quốc tế vẫn liên tục rao bán dữ liệu chứa thông tin về CCCD, điện thoại, thư điện tử của hàng triệu người.

Sáng nay (8/11), Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) đặc biệt quan tâm đến tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiến đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Đại biểu Lý Văn Huấn nêu rõ, thực tế việc điều tra, khám phá loại tội phạm này chiếm tỷ lệ thấp và thường kéo dài.

Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nguyên nhân chủ yếu và căn bản là tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, các tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ. Cụ thể, việc mua bán các tài khoản vẫn diễn ra công khai trên các mạng xã hội, việc dùng giấy chứng minh nhân dân giả để mua tài khoản sau đó bán kiếm lời. Công tác quản lý của các tổ chức tín dụng trong việc phát hành các tài khoản cũng chưa chặt chẽ. 

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản, việc sử dụng các tài khoản của các cá nhân, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở các tài khoản tại ngân hàng. Đồng thời tăng cường công tác quản lý các tổ chức tín dụng đối với các tài khoản đã phát hành, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần ban hành các quy định về cơ chế quản lý đối với các đối tượng tâm thần, các cấp, các ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu phát bệnh của các đối tượng này. Tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương để ra quyết định bắt buộc chữa bệnh theo quy định.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cũng lo ngại trước nguy cơ mất an toàn thông tin lại đang có chiều hướng gia tăng, trở thành mối đe dọa trực tiếp tới sự ổn định phát triển của các quốc gia. Theo báo cáo của Chính phủ, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi.

Phân tích, làm rõ hơn thực trạng tội phạm mạng và sử dụng công nghệ cao, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong công cuộc chuyển đổi số. Dịch COVID - 19 đã tác động trực tiếp tới mọi mặt của đời sống xã hội tới mọi quốc gia nhưng đồng thời cũng là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy ngành kỹ thuật đầy tạo ra các đột phá nổi bật. Các ứng dụng dịch vụ khai thác thế mạnh công nghệ thông tin đang là chìa khóa mở ra các giải pháp mới mẻ, trong đó chuyển đổi số, tiến hành xây dựng Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, những mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên không gian mạng, nền tảng số, nguy cơ về mất an toàn thông tin lại đang có chiều hướng gia tăng, đại biểu Thạch Phước Bình chỉ rõ, sự cố nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tình trạng rò rỉ dữ liệu người dùng chưa được kiểm soát. Nhiều trang mạng trong nước và quốc tế vẫn liên tục rao bán dữ liệu chứa thông tin về căn cước công dân số, điện thoại, thư điện tử của hàng triệu người Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các sản phẩm bảo mật, diệt virus, quản trị văn phòng vẫn dừng ở các con số khiêm tốn. Các hoạt động tội phạm công nghệ cao còn nhắm đến việc ăn cắp các thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Đáng lo ngại hơn nữa là sự tràn lan của các tin giả. Mặt khác, các tổ chức tội phạm đang coi không gian mạng là môi trường kiếm lợi và che đậy hành vi phạm tội.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chế tài còn chưa đủ nghiêm khắc, chưa quy định rõ ràng và cụ thể các điều kiện thu thập thông tin, mức độ hay biện pháp cần phải tiến hành để bảo vệ thông tin, giải pháp ứng cứu, khắc phục hay ngăn chặn xâm nhập. Luật cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đền bù khi xảy ra hành vi vi phạm an toàn thông tin cá nhân.

Bên cạnh đó, ý thức trong việc truy cập Internet sử dụng dịch vụ nền tảng số của người Việt Nam còn tương đối thấp và còn rất chủ quan. Việt Nam đứng thứ 80 trên thế giới về ứng dụng công nghệ thông tin nhưng tỷ lệ người dân có ý thức trong việc bảo đảm an toàn thông tin, chỉ khoảng 11%. Cùng với đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số, bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Từ những phân tích trên, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành quan tâm tiếp tục ban hành chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Có giải pháp nâng cao nhận thức cho nhân viên, người tiêu dùng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin; nâng cao ý thức sử dụng các dịch vụ thông tin, nâng cao khả năng nhận biết, tiếp nhận thông tin, khả năng tự vệ miễn dịch trước những thông tin độc hại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phó Thủ tướng: Tội phạm công nghệ cao diễn biến theo chiều hướng gia tăng
Phó Thủ tướng: Tội phạm công nghệ cao diễn biến theo chiều hướng gia tăng

VOV.VN - Tội phạm công nghệ cao, nhất là tình trạng đánh bạc, phát tán thông tin, video độc hại vẫn diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

Phó Thủ tướng: Tội phạm công nghệ cao diễn biến theo chiều hướng gia tăng

Phó Thủ tướng: Tội phạm công nghệ cao diễn biến theo chiều hướng gia tăng

VOV.VN - Tội phạm công nghệ cao, nhất là tình trạng đánh bạc, phát tán thông tin, video độc hại vẫn diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

Năm 2025 sẽ có trên 20% sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Năm 2025 sẽ có trên 20% sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

VOV.VN - Mục tiêu này sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7% - 8%/năm.

Năm 2025 sẽ có trên 20% sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Năm 2025 sẽ có trên 20% sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

VOV.VN - Mục tiêu này sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7% - 8%/năm.

Tội phạm công nghệ cao ở Gia Lai lừa đảo hơn 20 tỷ đồng
Tội phạm công nghệ cao ở Gia Lai lừa đảo hơn 20 tỷ đồng

VOV.VN - Từ tháng 2 đến nay, tại tỉnh Gia Lai đã có trên 30 người bị tội phạm công nghệ cao lừa hơn 20 tỷ đồng.

Tội phạm công nghệ cao ở Gia Lai lừa đảo hơn 20 tỷ đồng

Tội phạm công nghệ cao ở Gia Lai lừa đảo hơn 20 tỷ đồng

VOV.VN - Từ tháng 2 đến nay, tại tỉnh Gia Lai đã có trên 30 người bị tội phạm công nghệ cao lừa hơn 20 tỷ đồng.