Ông Tất Thành Cang và đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng
VOV.VN - Cơ quan điều tra xác định bị can Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty IPC, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sadeco) có vai trò chủ mưu trong vụ án này.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án "Tham ô tài sản", “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” xảy ra tại Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và các đơn vị liên quan. Đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố bị can Tất Thành Cang và 18 đồng phạm về 2 tội danh trên.
Trước đó, ngày 11/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố 19 bị can. Tuy nhiên Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung xác định lại thiệt hại của vụ án.
Theo kết luận điều tra trước đó, cơ quan điều tra xác định bị can Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty IPC, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sadeco) có vai trò chủ mưu trong vụ án.
Công ty Sadeco có vốn góp của các cổ đông Nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), văn phòng Thành ủy TPHCM và các tổ chức khác. Ngoài ra, Sadeco có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Năm 2017, từ đề xuất tăng vốn dù chưa thực sự cần thiết tăng vốn, Sadeco đã bán 9 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần. Sau khi mua 9 triệu cổ phiếu, Nguyễn Kim đã thâu tóm vốn tại Sadeco khiến tỷ lệ sở hữu của các cổ đông Nhà nước giảm sâu.
Kết luận điều tra xác định, từ ngày 5/2/2016 đến 7/1/2019, ông Tất Thành Cang với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, đã có bút phê "đồng ý" vào tờ trình số 1148 ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược không qua đấu giá, thẩm định giá theo quy định. Hành vi của ông Cang gây thiệt hại tương ứng phần vốn sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại Công ty Sadeco (16,7%) là 157 tỷ đồng.
Theo yêu cầu điều tra bổ sung của Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã trưng cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP định giá toàn bộ tài sản, các khoản phải thu, phải trả của Sadeco để làm cơ sở xác định thiệt hại trong việc bán cổ phần cho Nguyễn Kim. Trong kết luận định giá tài sản, vào thời điểm tháng 1/2017, giá trị tài sản của Sadeco là 3.245 tỷ đồng, giá trị các khoản nợ phải trả là 481 tỷ đồng, giá trị 1 cổ phần là 162.571 đồng.
Đối với phần giá trị tài sản vô hình, trong đó bao gồm giá trị thương hiệu, lợi thế thương mại của doanh nghiệp, Sadeco là doanh nghiệp luôn có kết quả kinh doanh tốt, các năm đều có lợi nhuận, tiềm năng, giá trị doanh nghiệp lớn. Do đó, giá trị thương hiệu và lợi thế thương mại của Sadeco luôn là số dương. Để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra lấy giá trị thấp nhất bằng 0 đồng để tính giá trị tài sản vô hình của Sadeco.
Từ kết quả định giá và các văn bản liên quan, cơ quan điều tra khẳng định có đủ cơ sở xác định giá trị cổ phần của Sadeco tại thời điểm phát hành cho Nguyễn Kim (tháng 1/2017) là 162.571 đồng/cổ phần chứ không phải 40.000 đồng/cổ phần như ông Tất Thành Cang phê duyệt bán cho Nguyễn Kim.
Như vậy, Cơ quan điều tra xác định thiệt hại của Sadeco trong việc bán 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim là 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cho vốn của UBND TPHCM là 485 tỷ đồng, vốn Thành ủy TPHCM là 184 tỷ đồng, các cổ đông khác là 433 tỷ đồng./.