Phân công Thẩm phán xét xử vụ Thẩm mỹ Cát Tường
Vào trung tuần tháng 4, vụ án ở Thẩm mỹ viện Cát Tường sẽ được đưa ra xét xử.
Tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại tổng cộng có 5 luật sư. Trong đó, 2 luật sư bào chữa cho Đào Quang Khánh, 1 luật sư bào chữa cho Nguyễn Mạnh Tường và 2 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại là chị Lê Thị Thanh Huyền.
Cáo trạng của VKSND TP Hà Nội xác định, ngày 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền (trú quận Hoàn Kiếm) đến Thẩm mỹ viện Cát Tường (nằm trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực.
Tại đây, sau khi được phẫu thuật, chị Huyền lâm vào tình trạng nguy kịch và tử vong. Ngay tối cùng ngày, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh cùng một số người liên quan đã đưa xác nạn nhân tới Bệnh viện Bưu điện với ý định sẽ thông báo cho gia đình người xấu số biết. Vậy nhưng khi đến cổng Bệnh viện Bưu điện, Tường và Khánh bất ngờ thay đổi kế hoạch. Các đối tượng sau đó đã chở xác chị Huyền lên cầu Thanh Trì và phi tang xuống sông Hồng. Đến nay, mặc dù các cơ quan bảo vệ pháp luật và gia đình nạn nhân đã rất nỗ lực tìm kiếm, nhưng vẫn chưa thể tìm được thi thể người phụ nữ xấu số.
Sau quá trình điều tra, VKSND TP Hà Nội đã có đủ cơ sở để truy tố chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường cùng nhân viên bảo vệ theo nhiều tội danh khác nhau.
Cụ thể, Nguyễn Mạnh Tường sẽ bị xét xử về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, theo khoản 2, Điều 246-BLHS và tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, quy định tại khoản 1, Điều 242. Đối với Đào Quang Khánh, ngoài bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” còn bị cáo buộc thêm tội “Trộm cắp tài sản”, theo khoản 1, Điều 138 vì đã lấy cắp chiếc điện thoại iPhone 5 (trị giá khoảng 20 triệu đồng) của nạn nhân. Với các tội danh bị cáo buộc thì mức án cao nhất mà Nguyễn Mạnh Tường phải nhận lên đến 10 năm tù, còn đối với Đào Quang Khánh thì chỉ ở mức dưới 8 năm tù giam./.