Phóng viên cùng đồng bọn lĩnh án tù vì tống tiền các chủ karaoke
VOV.VN - Phóng viên, CTV một cơ quan truyền hình và đồng bọn tống tiền 2 chủ cơ sở karaoke số tiền hàng trăm triệu đồng với thủ đoạn quay phim khách sử dụng bóng cười tại cơ sở karaoke.
Chiều 29/9, Tòa án Nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án nhóm phóng viên và đồng bọn tống tiền, cưỡng đoạt tài sản các doanh nghiệp kinh doanh karaoke.
Hội đồng xét xử tuyên phạt Lê Chỉ Thương (thường gọi là Lê Tâm, 33 tuổi) 4 năm tù; Lê Trung Kim (25 tuổi, cùng ngụ xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) 1 năm 3 tháng tù; Nguyễn Văn Cường (53 tuổi, ngụ 11/16 Lý Thường Kiệt, thành phố Huế) 1 năm 6 tháng tù, cùng tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Cường là phóng viên, Kim có nhân thân xấu về hành vi đánh bạc. Thương, Kim là lao động phổ thông, Thương từng cộng tác viết bài gửi một số đơn vị báo chí, lấy tên Lê Tâm.
Từ ngày 15 đến 18/12/2022, Thương, Cường và Kim 2 lần cưỡng đoạt tài sản 2 quán karaoke khu vực biển Đà Nẵng.
Cụ thể, tối 15/12/2022, Thương, Cường rủ lãnh đạo, phóng viên, lái xe Văn phòng thường trú khu vực miền Trung – Tây Nguyên của một đơn vị truyền hình đi hát karaoke và quay phóng sự về tình trạng sử dụng bóng cười.
Nhóm này dùng ô tô công vụ biển số xanh, đến một quán karaoke khu vực biển Đà Nẵng. Sau khi lãnh đạo đơn vị ra về, Thương gọi nhân viên mang 2 bình khí cười để quay phim.
Quay xong, lái xe và đồng nghiệp của Cường thắc mắc vì sao không báo Công an việc quán sử dụng ma túy theo quy trình nghiệp vụ thì Cường nói để Thương làm việc.
Lúc này, Thương đòi quán karaoke 100 triệu đồng, quản lý đưa 50 triệu đồng thì Thương nói là xem thường Thương quá, do đó quản lý phải chuyển khoản thêm 30 triệu đồng.
Thương, Cường lấy 50 triệu đồng chia cho mọi người. Tiếp đó, tối 16/12/2022, 3 bị cáo cùng một số người tiếp tục quay phim sử dụng bóng cười ở karaoke khác, điện báo Công an rồi tống tiền chủ cơ sở tổng cộng 160 triệu đồng. Cơ sở này đã đưa 60 triệu đồng. Trong lúc Thương, Kim chờ nhận thêm 100 triệu đồng thì bị bắt.
Trong quá trình điều tra, Thương quanh co, không khai nhận hành vi phạm tội, gây khó dễ cho quá trình điều tra. Nhiều bị hại khai rằng, bị nhóm này cưỡng đoạt số tiền lớn dễ dàng vì trước đó đã nghe nhiều cơ sở karaoke, bar từ Quảng Nam ra Đà Nẵng phản ánh việc bị nhóm "khét tiếng" này tống tiền, nên lo sợ.
Trong vụ án còn có một số lãnh đạo, phóng viên, lái xe cơ quan truyền hình, phóng viên tạp chí và người đi theo Thương, Cường. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa xác định đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.