Phúc thẩm “bầu” Kiên: Bị cáo Kiên được ngồi trả lời thẩm vấn

VOV.VN - HĐXX yêu cầu đưa bị cáo Nguyễn Đức Kiên ra phòng xử án để thẩm vấn về hành vi kinh doanh vàng trái phép và hoạt động của 5 công ty của bị cáo Kiên.

11h30:

HĐXX hỏi bị cáo Kiên: Việc phát hành trái phiếu của 5 công ty căn cứ vào Luật nào?

Bị cáo Kiên nói: Luật Doanh nghiệp, Luật chứng khoán và nghị định 52 tháng 5/2006 qui định về việc phát hành trái phiếu DN.

HĐXX cho rằng, trong mảng liên quan pháp luật chứng khoán có Luật Chứng khoán và Nghị định 52. Luật qui định phát hành trái phiếu ra công chúng. Nghị định 52 cho phép phát hành trái phiếu DN. Vậy 5 DN này phát hành theo văn bản nào?

Bị cáo Kiên cho biết: Theo Nghị định 52.

11h27:

HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên việc ACI có mua cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, vào ngày 2/5/2007, ACI có ký hợp đồng mua bán cổ phần với Hòa Phát, với số lượng 3 triệu cổ phần cổ đông, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó bán ra với giá 70.000 đồng/cổ phiếu.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn – Phó Tổng Giám đốc ACB xác nhận có việc này và bán với giá 80.000 đồng/cổ phần.

11h05

HĐXX hỏi: Vừa rồi ông chủ tọa công bố các hoạt động của 5 DN. Những hoạt động này là hoạt động đầu tư nhằm mục đích gì?

Bị cáo Kiên trả lời: Đây là các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty, mục đích tạo lập DN mới.

HĐXX tiếp tục hỏi: Hoạt động mua trái phiếu NH, mua cổ phần của công ty khác đang tồn tại trên thị trường khác và phát hành trái phiếu DN. Những hoạt động này nhằm mục đích gì?

Bị cáo Kiên: Việc mua trái phiếu của ACB để là chủ sở hữu của ACB trong lâu dài. Việc phát hành trái phiếu là huy động vốn chứ không phải đầu tư. Còn các khoản mua cổ phiếu trên sàn, các công ty này không bán cho đến khi tôi bị bắt.

11h00

Các ông bà Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Đặng Ngọc Lan… cũng xác nhận các số liệu HĐXX nêu liên quan đến các cá nhân này là đúng.

10h50:

HĐXX đề nghị Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nhà Rồng, Công ty cổ phần xi măng Hòa Phát, Công ty cổ phần hàng hóa Sài Gòn, Ngân hàng Phương Nam, đại diện Cty cổ phần đầu tư AFG, ACI, ACI HN và Công ty cổ phần đầu tư ACB, Vietbank, Ngân hàng Thương mại Kiên Long, Dệt may Phố Nối, … xác nhận các số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư tại 5 công ty của bầ Kiên, cụ thể là ACI. Các đơn vị xác nhận số liệu đầu tư HĐXX đưa ra là đúng.

10h30 

HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Kiên về hoạt động của 5 công ty mà bị cáo đã đăng ký thành lập.

Bị cáo Kiên trả lời: 5 công ty này căn cứ vào giấy phép kinh doanh và hoạt động bình thường. 5 công ty này đầu tư vào 3 nội dung: tham gia góp vốn thành lập DN mới; mua cổ phần của các DN đã được thành lập; mua cổ phần của các công ty trên sàn chứng khoán tập trung.

Đây chính xác là hoạt động đầu tư tài chính theo qui định của pháp luật.


10h30:

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên xin phép HĐXX được phép ngồi và xin được giải lao.

HĐXX cho phép bị cáo ngồi trả lời các câu hỏi.

10h29

Luật sư hỏi bị cáo Kiên: Các văn bản có hiệu lực pháp luật, không có qui định nào về kinh doanh trạng thái vàng vào thời điểm Thiên Nam thực hiện hoạt động này?

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Dạ đúng.

Do hệ thống điện thoại chỉ ghi được giọng nói của bầu Kiên nên ông Kiên phải thay ông Trung gọi điện thoại sang ACB. Nếu ABC không xác nhận thì lệnh này có hiệu lực không?

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Nếu phía ACB không xác nhận thì hai bên phải tiến hành hủy lệnh.

10h20 

Bị cáo Kiên thừa nhận, mình là người trực tiếp gọi điện thoại đến ACB để đặt lệnh giao dịch trạng thái vàng và người xác nhận lệnh này là ông Hân – Phó TGĐ của ACB. Nhiều lệnh bị cáo gọi đến ACB được khớp sau đó 1-2 tuần. Do hệ thống điện thoại chỉ ghi được giọng nói của bầu Kiên nên ông Kiên phải thay ông Trung gọi điện thoại sang ACB. 

10h00

HĐXX hỏi: Bị cáo Kiên là người ký hợp đồng số 17, ngày 10/12/2009. Việc gọi điện thoại đến ACB vào thời điểm nào?

Bị cáo Kiên trả lời: Mỗi khi có giao dịch với ACB, ông Tổng Giám đốc Thiên Nam (ông Lê Quang Trung - đã mất) sẽ có lệnh và tôi (bị cáo Kiên) có trách nhiệm gọi điện thoại đến ACB để đọc lệnh của Tổng Giám đốc Thiên Nam.

9h40

Trong phần trình bày của mình, nhiều lần bị cáo Nguyễn Đức Kiên dừng lại để "lấy hơi", HĐXX. nhiều lần đề nghị bị cáo Nguyễn Đức Kiên giữ bình tĩnh.

Bị cáo Kiên cho biết bản thân bị tim và huyết áp cao nhưng tin rằng sẽ giữ được bình tĩnh.

Bị cáo đề nghị tòa phúc thẩm không tuyên các nội dung phạm tội đã tuyên ở tòa sơ thẩm. 

Về hành vi kinh doanh trái phép, theo bị cáo Kiên, Công ty Thiên Nam là công ty duy nhất được Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép thành lập với 3 chức năng. Tôi chứng minh với HĐXX là công ty Thiên Nam có được phép kinh doanh vàng không?

Tòa sơ thẩm cho rằng Thiên Nam kinh doanh vàng trái phép là sai. Công ty Thiên Nam có giấy phép kinh doanh hàng hóa. Vậy vàng có phải hàng hóa không? Vàng là hàng hóa cho nên Thiên Nam được phép kinh doanh tất cả các loại hàng hóa.

Khi kinh doanh hàng hóa hay vàng, Thiên Nam phải tuân thủ văn bản pháp luật thời điểm năm 2009 gồm Pháp lệnh ngoại hối và 2 văn bản khác. Ngoài ra, còn có Thông tư 03 của NHNN.

Thiên Nam không kinh doanh trên tài khoản ở nước ngoài. Hợp đồng ký với ACB không có điều khoản nào về vấn đề này mà chỉ giao dịch trên các tài khoản trong nước mở tại ACB. 

 9h23:

Bị cáo Kiên xin phép HĐXX ký một đơn bổ sung, thay thế đơn đã gửi trước đó. Vì theo bị cáo, đơn trước gửi tòa được viết trong tù nên có thể có nội dung chưa chính xác, chữ viết khó đọc. Lá đơn này được đánh máy cẩn thận và có chỉnh sửa một số nội dung trích dẫn.

9h18:

HĐXX yêu cầu mở khóa tay cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên.



9h10"

HĐXX đề nghị đại diện NHNN làm rõ việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thời điểm 2009-2010 được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật nào của Nhà nước?

Đại diện NHNN cho biết, kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài được điều chỉnh theo Quyết định số 03 ngày 8/1/2006.

9h03:

Theo bị cáo Hải, trong giao dịch vàng, ACB đứng giữa “ăn” phí giữa Thiên Nam và nước ngoài. Ví dụ chỉ có 1 khách hàng là Thiên Nam. ACB có 2 cách, mua của nước ngoài hoặc không mua. ACB có thể mua để đảm bảo an toàn. Giá này có thể phù hợp với Thiên Nam. Khi mua về thì có thể thu thêm một khoản phí nào đấy. 

8h48

Tiếp tục phần thẩm vấn về việc kinh doanh vàng trái phép, HĐXX hỏi bị cáo Lý Xuân Hải việc ký hợp đồng số 17, bị cáo Hải cho biết: NH không mở tài khoản nước ngoài cho Thiên Nam để kinh doanh vàng, mà dùng chính tài khoản của mình ở nước ngoài để mua bán vàng.

HĐXX hỏi: Việc mua bán trạng thái vàng theo Hợp đồng số 17, số dư trạng thái vàng của Thiên Nam tỷ lệ thế nào với số dư trạng thái vàng giữa ACB và Thiên Nam?

Bị cáo Hải: Thực ra không có mối liên hệ nào. ACB giữ trạng thái ấy ở nước ngoài và mang trạng thái ấy về kinh doanh trong nước. Tùy vào tình hình lúc ấy của khách hàng. NH chỉ bán cái gì mình có.

HĐXX hỏi: Thiên Nam có xuất trình giấy phép đăng ký kinh doanh vàng không?

Bị cáo Hải trả lời: Tôi ký nhưng không được xem giấy phép đó, toàn bộ thủ tục anh em chuẩn bị hết.

8h30: 

Mở đầu phiên tòa, HĐXX hỏi tình hình sức khỏe của bị án Trần Ngọc Thanh – người bị choáng ngất trong ngày làm việc đầu tiên phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án bầu Kiên và đồng phạm.

Đại diện cơ quan cảnh sát báo cáo với HĐXX, bị án Trần Ngọc Thanh vẫn đang nằm ở bệnh viện Bạch Mai.

HĐXX cho biết, Tòa triệu tập đến phiên tòa, tuy nhiên, xảy ra sự cố bị án choáng ngất phải đi cấp cứu hôm 28/11. Lúc cần thiết, tòa sẽ công bố các lời khai của bị án.

Theo Thư ký phiên tòa, trong phiên xét xử hôm nay, có thêm một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan, gồm các ông, bà:  ông Nguyễn Quốc Lượng, bà Đỗ Thị Phương Hoa, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Phú Hòa.

------------------------------- 

Hôm nay (1/12), phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án bầu Kiên và đồng phạm tiếp tục bước sang ngày làm việc thứ hai.

 

Trong ngày đầu tiên (28/11), sau khi hoàn tất các thủ tục kiểm tra căn cước các bị cáo, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo.

Sau khi đọc tóm tắt bản án sơ thẩm, HĐXX đặt câu hỏi với các bị cáo về việc có thay đổi hoặc bổ sung kháng cáo không, bị cáo Kiên khẳng định giữ nguyên nội dung yêu cầu đối với cả 4 tội danh, đồng thời vẫn cho rằng không phạm bất kỳ một tội danh nào mà cấp tòa sơ thẩm quy kết.

Tương tự, các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn lần lượt cho rằng không phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệp trọng” và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời xin được hưởng án treo. 

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) bị cách ly để HĐXX thẩm vấn các bị cáo.

Tại tòa sơ thẩm của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Kiên đã bị tuyên án 30 năm tù cho 4 tội danh: Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong phiên thẩm vấn đầu tiên, HĐXX tập trung làm rõ các hành vi của các bị cáo liên quan đến việc kinh doanh vàng trái phép.

Về hành vi kinh doanh vàng trái phép, cấp tòa sơ thẩm nhận định giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam chỉ là sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập khẩu các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ…, hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn kinh doanh vàng. Mặc dù bị cáo Kiên không trực tiếp ký lệnh mua bán vàng trạng thái, nhưng lại giữ vai trò quyết định việc kinh doanh bất hợp pháp của doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên