Quyền ăn luật

Trong hai ngày vừa qua rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự phẫn nộ về thông tin một người lái taxi tại Cần Thơ bị khách đi xe hành hung chỉ vì không chịu vượt đèn đỏ.

Anh tài xế taxi Đỗ Quốc Thái có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ rằng mình có thể bị đánh vì… không chịu vượt đèn đỏ. Và cơn ác mộng kinh hoàng nhất mà anh có thể tưởng tượng cũng không thể là việc người dùng vũ lực bắt anh vi phạm luật giao thông lại là người có trách nhiệm cao thứ nhì cái tỉnh Hậu Giang trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Còn những chiến sĩ cảnh sát giao thông thành phố Cần Thơ thì càng không thể ngờ rằng họ đã phải vất vả để giải quyết một vụ tắc đường chỉ vì Thủ trưởng của mình đã ép người dân phải… vi phạm Luật giao thông.

Ở đời luôn có những cái sự không ngờ, song khi báo chí cho biết kẻ côn đồ kỳ dị ấy chính là ông Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh Hậu Giang thì sự việc đã vượt lên những câu chuyện kỳ dị thông thường. Cái sự hung hãn, coi thường pháp luật trong câu chuyện này không chỉ là vấn đề đạo đức, lối sống, mà điều đáng nói hơn cả là sự lạm dụng quyền lực đến mức coi thường luật pháp đã trở thành “tập quán” của một số cá nhân khi được trao quyền lực vào tay.

Vụ việc đang trong quá trình xử lý, đó là thông tin được đưa ra từ cơ quan công an. Song, việc này sẽ được xử lý như thế nào? Rất có thể, anh sĩ quan công an này sẽ bị kỷ luật, có thể là giáng chức vì hành vi trái với tác phong của người chiến sĩ công an nhân dân khi uống rượu và hành hung dân lành. Có thể, trong bản kiểm điểm của mình, anh sĩ quan đó sẽ giải thích vì mình uống rượu nên không làm chủ được hành vi. Điều đó dễ hiểu, và cũng có thể thông cảm khi việc uống rượu, để say đã trở thành một thứ “văn hóa” trong đời sống nhiều vùng miền…

Nhưng, nếu chúng ta nhìn nhận sự việc một cách kỹ lưỡng hơn, đặt câu hỏi “điều gì khiến anh sĩ quan đó nổi nóng đến mức ấy?” thì câu chuyện sẽ không phải như vậy.

Người tài xế taxi đã không chịu vượt đèn đỏ theo yêu cầu của anh sĩ quan nên bị đánh. Sự bất tuân mệnh lệnh khách hàng này có phải là quá hỗn láo hay không? Và nếu như vị hành khách đó không phải là Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông thì anh tài xế có bị đánh? Câu trả lời chắc hẳn là không!

Sở dĩ anh sĩ quan nổi nóng vì trong lúc say anh ta đã không thể hình dung tại sao cái anh tài xế ấy lại phải dừng tại ngã tư đèn đỏ. Ngồi trên xe là Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh thì làm sao có thể bị thổi phạt cơ chứ?

Trong khi mình lại đang muốn di chuyển nhanh hơn, chẳng có lý do gì để phải tuân thủ luật giao thông khi Phó trưởng phòng ta đây còn ngồi trong xe, thế mà cái gã tài xế ấy nhất định phanh lại. Thế có phải là hắn coi thường Phó trưởng phòng ta đây? Bực chết đi được, làm người phục vụ mà dám láo với khách hàng như thế thì đáng đánh thật! Thế là đánh.

Anh taxi bị đánh không phải vì anh gặp ông khách côn đồ hung hãn. Anh bị đánh vì không chịu hiểu một lẽ rất giản đơn trong cuộc sống bây giờ, đó là khi người ta có quyền bắt người khác phải tuân thủ pháp luật thì người ta tự cho mình cái quyền không cần tuân thủ nó.

Người xưa vẫn nói: “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”. Câu nói đó có ý là người làm thợ may có thể biến giẻ rách, còn người thợ vẽ thì dùng hồ vẽ bỏ đi, làm thành những thứ có giá trị mà người làm nghề khác không làm nổi. Đó là cái tài lương thiện của người thợ khéo. Tuy nhiên, trên thực tế, lâu rồi người ta không chịu hiểu ý tứ của người xưa như vậy. Thay vào đó, câu nói được hiểu là làm nghề gì thì hãy tận dụng đặc quyền, đặc lợi của nghề nghiệp ấy mà kiếm chác. Như thế, thợ may thì ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, người làm nghề giữ gìn pháp luật thì có quyền ăn luật!.

Khi người ta nghĩ rằng mình có quyền ăn sống nuốt tươi luật pháp, dĩ nhiên họ cho mình cái quyền được đứng trên pháp luật để lộng hành./.

CÁC BÀI KHÁC:

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên