Sản xuất sách giáo khoa giả với số lượng lớn có thể chịu mức án 15 năm tù

VOV.VN - Theo luật sư Lê Ngọc Khánh, qua kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, lợi nhuận thu được thông qua bán sách giáo khoa giả của đường dây này lên tới 50 tỉ đồng. Theo đó, các bị can có thể phải chịu mức án cao nhất 15 năm tù

Ngày 25/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát. Liên quan đến vụ án này, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với 7 bị can là Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và nhân viên bán hàng của hai công ty trên.

Cụ thể, từ 18 đến 22/6, Cơ quan công an đã khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.

Quá trình khám xét, đã tạm giữ nhiều vật chứng trong vụ án gồm, hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục; 3 hệ thống dây chuyền máy in Offset, nhiều máy gia công sách giả; hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo dục và nhà xuất bản khác; 5 ô tô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách; khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp...

Liên quan đến vấn đề này, dưới góc độ pháp luật, luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng Luật TGS, (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, sách giả, sách lậu là một vấn đề nan giải với các nhà xuất bản (NXB) từ lớn đến nhỏ, không những tình trạng này không suy giảm mà còn có chiều hướng gia tăng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng, gây tình trạng khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị buôn bán, tàng trữ sách giả, sách lậu vẫn hoạt động trở lại ngay sau khi bị xử phạt. Đó là hành vi lấy cắp tri thức (tài sản quý giá của nhân loại), làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu lẫn uy tín của các NXB và tác động rất lớn đến nhiều mặt xã hội. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội trong nhiều năm qua.

Để tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, theo luật sư Khánh, phải nói tới trách nhiệm quản lý hoạt động in ấn sách giáo khoa của các cơ quan chức năng trong thời gian qua còn lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng. Khi xảy ra sai phạm, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa mang tính dăn đe mạnh với các cơ sở in ấn sách lậu, kém chất lượng. Quy trình thẩm định phát hành sách còn chưa chặt chẽ, thiếu chuyên môn. Khi có sự cố xảy ra, thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau như một trận đá bóng không có trọng tài điều khiển. Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo và có các biện pháp quyết liệt hơn trong  quá trình thẩm định sách, các cơ quan quản lý thị trường cần sát sao trong việc quản lý in ấn sách để đạt được hiệu quả cao.

Theo luật sư Khánh, đây là một trong những vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả với quy mô rất lớn, số lượng lên đến hơn 3 triệu sản phẩm, chưa kể đến các sản phẩm đã được đưa ra ngoài thị trường trót lọt. Việc sản xuất, buôn bán số lượng lớn sách giả của hai công ty nói trên gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội.

Về phía người tiêu dùng, một phần thị trường sách giả hiện nay vẫn tồn tại và phát triển là do người tiêu dùng vẫn đang “tiếp tay” cho các sản phẩm này do giá thành rẻ, chiết khấu cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng không lường hết được hậu quả mà sách giả đem lại. Sở dĩ, những cuốn sách giả thường có giá thành rẻ là do đơn vị sản xuất sách giả chỉ scan và copy những cuốn sách thật, không hề trả tiền bản quyền cho tác giả. Bên cạnh đó, chất lượng giấy của sách giả thường rất kém, khổ nhỏ hơn…để giảm giá thành sản phẩm.

“Chính phương thức sản xuất sách giả từ việc scan và copy sách thật, nội dung của sách không được đảm bảo do người sản xuất không hiểu biết dẫn đến nội dung sách giả bị sai xót rất nhiều, lỗi dày đặc. Điều này là rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với sách giáo khoa và sách chuyên khoa bởi người trực tiếp sử dụng sẽ là học sinh, sinh viên”- luật sư Khánh nói.

Cùng với đó, việc nội dung sách bị sai dẫn đến kiến thức lệch lạc, từ đó người sử dụng cũng sẽ có những hiểu biết sai lệch, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận tri thức. Chưa kể những cuốn sách giả này nếu sản xuất liên quan đến kiến thức y học thì hậu quả của nó còn nghiêm trọng hơn nữa, gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của con người. Bên cạnh đó, việc người sử dụng thường xuyên đọc những cuốn sách giả với chất lượng giấy, mực in kém trong thời gian dài còn gây ảnh hưởng đến thị giác của những người đọc.

Về phía tác giả, theo vị luật sư này, các tác giả cũng là những người chịu thiệt hại nặng nề từ việc sản xuất, tiêu thụ sách giả của các tổ chức, cá nhân. Để viết ra được một cuốn sách, họ đã phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết và chất xám nên đợc hưởng tiền bản quyền từ số sách bán được. Nếu sách giả được sản xuất và bán tràn lan, công ty hay nhà xuất bản giữ bản quyền bán cuốn sách không bán được sách, đồng nghĩa với việc tiền bản quyền của tác giả sẽ bị thiệt hại đáng kể. Đồng thời, họ sẽ thấy bất bình khi thấy những đứa con tinh thần của mình bị làm giả, bóp méo. Điều này làm mất đi nhiệt huyết để viết sách của những tác giả có uy tín, tài năng.

Về phía Công ty sách và nhà xuất bản chân chính, theo luật sư Khánh, sách giả không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mà về phía công ty sách và nhà xuất bản nơi “sản xuất” ra những cuốn sách thật cũng bị thiệt hại về kinh tế và uy tín. Họ bỏ tiền mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, trình bày và cho ra đời những đứa con tâm huyết với bao công sức và trí tuệ và tự nhiên những người sản xuất sách giả cướp trắng trợn, bị hớt tay trên. Và với hành vi sản xuất sách giả, những cuốn sách thật đã bị bóp méo, nội dung lệch lạc, hạ thấp giá trị tri thức.

Về mức xử phạt, theo luật sư Lê Ngọc Khánh, qua kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, lợi nhuận thu được thông qua bán sách giáo khoa giả của đường dây này lên tới 50 tỉ đồng. Theo đó, các bị can có thể phải chịu mức án cao nhất. Tuy nhiên, tùy vào hành vi vi phạm của mỗi cá nhân sẽ chịu các mức xử phạt khác nhau.

Tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam trong trường hợp:

Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật, hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài hình phạt nêu trên, pháp nhân thương mại để xảy ra vi phạm ở mức độ nêu trên có thể còn bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Để quản lý việc in ấn SGK tốt hơn, vị luật sư này cũng cho rằng,  trước hết phải có đội ngũ những người làm công tác phòng, chống in lậu thật sự có trách nhiệm. Các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm soát tình trạng in lậu, sản xuất và sử dụng sách giả tại địa phương cũng như xem xét lại công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm đã thực sự đem lại hiệu quả và tính răn đe hay chưa, nếu có sai sót thì cần phải có biện pháp chấn chỉnh lại công tác này.

Cùng với đó, số liệu về cơ sở in, photocopy trên thực tế nhiều hơn so với danh sách quản lý tại địa phương. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng. Vì vậy, các công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý in lậu, in giả phải luôn chủ động và kịp thời. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể cũng rất quan trọng. Ngoài việc tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cần có các biện pháp hỗ trợ sâu về các nghiệp vụ khác trong phòng, chống in lậu.

"Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, in, phát hành. Cụ thể, cần rà soát, lập và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Sở về danh sách các nhà xuất bản, cơ sở in, photocopy, cơ sở phát hành trên địa bàn quản lý, tạo sự công khai, minh bạch về thông tin, nhất là đối với đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành. Qua đó hạn chế được việc các tổ chức, cá nhân đặt in, phát hành tại các cơ sở hoạt động bất hợp pháp khi có nhu cầu"- luật sư Khánh cho biết thêm.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng in lậu sách giáo khoa chưa bị đẩy lùi, đó là do các chế tài và mức phạt đối với hành vi này chưa thực sự đủ răn đe trong khi lợi nhuận mà các cơ sở in sách lậu thu được là rất lớn. Do đó, để triệt để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng in lậu. Cùng với đó cần nâng cao chất lượng phối hợp chống in lậu giữa các ngành, địa phương. Đồng thời, xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động in sách giáo khoa để sớm lập lại trật tự trong lĩnh vực in ấn các loại sách giáo khoa, phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục – đào tạo./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất SGK giả lớn nhất cả nước
Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất SGK giả lớn nhất cả nước

VOV.VN - Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất SGK giả lớn nhất cả nước

Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất SGK giả lớn nhất cả nước

VOV.VN - Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc.