Sau khi nhận tội, Hoàng Công Lương được đề nghị giảm án
Đại diện VKS đề nghị HĐXX giảm án cho Hoàng Công Lương, nhưng cho rằng đề nghị được hưởng án treo là không có cơ sở.
Sáng 14/6, phiên phúc thẩm xét xử Hoàng Công Lương cùng bốn bị cáo khác trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 người tử vong tiếp tục làm việc.
Hoàng Công Lương xuất hiện tại tòa. |
Mở đầu, đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình trình bày quan điểm đối với kháng cáo của các bị cáo.
Đối với Hoàng Công Lương, đại diện VKS cho biết, do bị cáo đã rút nội dung kháng cáo “xem xét lại tội danh” nên đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử phần kháng cáo này.
Về kháng cáo xin giảm hình phạt và hưởng án treo, sau khi xảy ra sự cố, bị cáo đã tích cực tham gia cứu chữa bệnh nhân, có nhân thân tốt, bản thân chưa có tiền án tiền sự, bị cáo là người dân tộc thiểu số, quá trình công tác có nhiều thành tích… Đây là những tình tiết giảm nhẹ đã được tòa cấp sơ thẩm xem xét, áp dụng đối với bị cáo.
Tại tòa phúc thẩm, Lương đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đồng thời cung cấp chứng cứ mới, hỗ trợ bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ án… Cùng với đó, bác ruột Lương có Huân Chương kháng chiến chống Mỹ, bản thân bị trầm cảm, con cái bị bệnh hiểm nghèo, gia đình các bị hại có đơn xin giảm nhẹ…
Do đó, đại diện VKS cho rằng, có cơ sở xem xét những tình tiết giảm nhẹ trên để giảm hình phạt cho Hoàng Công Lương.
Về nội dung kháng cáo xin hưởng án treo, do hậu quả hành vi của bị cáo gây ra trong vụ án, để đảm bảo tính răn đe phòng ngừa chung nên đề nghị không chấp nhận.
Đại diện VKS kết luận: Toàn bộ nội dung kháng cáo của Hoàng Công Lương là có sơ sở một phần nên đề nghị HĐXX chấp nhận phần nội dung kháng cáo được giảm án, tuyên phạt bị cáo từ 36-39 tháng tù.
Đối với Hoàng Đình Khiếu, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực cứu chữa các nạn nhân, có nhiều thành tích, ông ngoại có công với nước… Tuy nhiên, bản án sơ thẩm xử phạt 36 tháng tù là đúng người, phù hợp với tính chất mức độ hành vi gây ra.
Đối với Trần Văn Thắng, bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào khác, không có chứng cứ mới, vì vậy không có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Đối với Trương Quý Dương, bị cáo đã buông lỏng công tác quản lý điều hành, không kiểm tra để cấp dưới làm sai trong một thời gian dài. Bản án sơ thẩm tuyên phạt đã đúng người, đúng tội, có căn cứ. Hậu quả hành vi mà bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng, do đó đề nghị không chấp nhận kháng cáo.
Đối với Đỗ Anh Tuấn, việc thiếu trách nhiệm của bị cáo là nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy không chấp nhận đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo./.