Khôi phục xuất khẩu gỗ: Tận dụng tốt các cơ hội về thị trường

VOV.VN - Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều DN ngành gỗ phải ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất…

Tại hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid 19 diễn ra sáng nay (15/5) ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần linh hoạt trong khai thác các thị trường phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19 và đảm bảo điều kiện tốt nhất để bứt phá tăng trưởng trong 2 quý cuối năm nay.

Hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau bệnh dịch Covid-19. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo các đại biểu, trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều tác động tiêu cực đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản thời gian qua, việc duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đặt ra từ đầu năm là 11%, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD là thách thức lớn đối với ngành chế biến gỗ hiện nay.

Khảo sát tại 124 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản cho thấy, 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng; hầu hết các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất…

Về lao động, hầu hết các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất, giảm giờ làm việc thông qua giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phiên; đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn, lao động phải nghỉ việc toàn bộ do doanh nghiệp ngừng sản xuất…

Mặc dù, Chính phủ các quốc gia đã bắt đầu mở cửa từng bước để phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế từ đầu tháng 5, nhưng theo dự báo thì xuất khẩu lâm sản trong tháng 5 tiếp tục sụt giảm như tháng 4, tức là khoảng 25% so với cùng kỳ ngoái, mức giảm giá trị xuất khẩu của 2 tháng là khoảng 400 triệu USD. Việc khôi phục sản xuất bình thường cũng khó có thể thực hiện được ngay sau tháng 5, mà phải đến hết quý 2 năm nay.

Về những giải pháp khôi phục sản xuất, các đại biểu cho rằng, cần tập trung phát triển thị trường, đổi mới và đa dạng hoá các hình thức giao dịch thương mại, trao đổi mua bán sản phẩm. Song song đó, chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế; Phát triển nguồn nhân lực. Một số ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh việc khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan với cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc công ty TNHH Kẻ Gỗ cho rằng, nếu được tiếp cận các chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ góp phần vượt qua giai đoạn khó khăn này, để doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng.

"Về chính sách đã có những hỗ trợ về cơ cấu nợ và giảm lãi suất, hỗ trợ người lao động tuy nhiên doanh nghiệp phải nỗ lực hơn đó là phải đa dạng về mặt thị trường hạn chế tập trung vào 1 sản phẩm, 1 thị trường. Hiện nay, doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Đức nhưng thị trường đang tạm ngừng do chống dịch, chúng tôi đã chuyển hướng sang thị trường Nhật và thị trường trong nước", ông Dương cho biết.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, phải tập trung giải quyết tháo gỡ ngay những khó khăn cho 4.600 doanh nghiệp cùng các cơ sở sản xuất gỗ và đồ gỗ. Trong đó, chú trọng các nhóm chính sách về tín dụng ngân hàng; tài chính về giãn, hoãn thuế chậm nộp, tiền sử dụng đất cũng như đảm bảo an sinh xã hội của người lao động trong các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng theo hướng hiện đại bền vững bằng cả 3 trụ cột. Theo đó, vùng nguyên liệu phải tổ chức xây dựng lại với chiến lược phát triển bền vững đủ sức cung ứng nguyên liệu đa dạng đáp ứng các phân khúc thị trường trong chuỗi giá trị.

Về khu vực chế biến phải hình thành được những Tập đoàn lớn, những khu công nghiệp lớn chuyên sản xuất đồ gỗ mang tầm cỡ khu vực và toàn cầu đủ cả năng lực về công nghệ, quản trị, sản phẩm và xây dựng thương hiệu để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Liên quan đến thương mại, cần rà soát lại và củng cố phát triển có hình thức thương mại hiện đại, bao gồm cả các "thiết chế cứng" như: hội chợ, trung tâm triển lãm, các chợ đầu mối. Các "thiết chế mềm" là ứng dụng triệt để về các công nghệ thông tin, thương mại online, các hình thức khác chúng ta áp dụng đồng bộ cùng với xây dựng thương hiệu. Trong đó, chú ý đến khu vực thị trường nội địa 100 triệu người dân – đây là thị trường tiềm năng lợi thế với sẽ phát triển tốt trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngành gỗ không chỉ xếp thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu gỗ mà còn phải là trung tâm chế biến gỗ của toàn cầu.

"Chúng ta phải tập trung là khác thật nhanh, thật tốt khi mở các thị trường tới đây. Trước tình hình đại dịch Covid-19, thị trường nào, khu vực nào, quốc gia nào khống chế được dịch là chúng ta phải tập trung khai thác ngay được thị trường đó, có như vậy chúng ta mới tạo ra cục diện chung là tổng thị trường tốt phù hợp với tình hình diễn biến với khống chế dịch, đại dịch. Các Hiệp hội ngành hàng các doanh nghiệp phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để đảm bảo có nguồn lực tốt nhất, điều kiện tốt nhất để quý 3, quý 4, khi thời cơ đến chúng ta có thể khai thác tốt nhất dư địa còn lại, phấn đấu mục tiêu cuối cùng cao nhất", ông Cường nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên