Tâm sự của Thẩm phán xử vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm
VOV.VN - “Người đứng đầu có gì đó thể hiện thiếu phát huy dân chủ cơ sở, dẫn đến không chỉ mình sai phạm mà kéo theo dưới quyền biết sai nhưng vẫn làm”.
Chia sẻ với báo chí sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC, sáng 22/1, Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP.Hà Nội nhấn mạnh, đây là một trong những phiên toà mà đa số bị cáo từng giữ chức vụ, trọng trách cao tại các cơ quan đơn vị. Chính vì thế, với tinh thần trách nhiệm và để đảm bảo thời gian, HĐXX phải tập trung nghiên cứu hồ sơ, không có ngày nghỉ lễ.
“Ngoài một số điểm chính thì phiên toà không có gì đặc biệt, bởi lẽ mặc dù nhiều bị cáo có chức vụ quyền hạn nhưng với nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, HĐXX tuân theo quy định, xem xét tính chất, mức độ một cách toàn diện, cũng như xem xét quá trình cống hiến của bị cáo để đưa ra mức án hợp lý, thể hiện tính răn đe, phòng ngừa” – ông Trương Việt Toàn nói.
Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP.Hà Nội |
Là người từng tham gia nhiều phiên xử “đại án”, Thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định HĐXX không thấy có sức ép gì, có chăng chỉ là về mặt thời gian. Còn về nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm.
Nói về điểm mới của phiên toà, ông Trương Việt Toàn cho biết đây là một trong những phiên toà được áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới. Theo đó, hình thức phòng xử có khác trước khi đại diện VKS và luật sư ngồi dối diện. Bị cáo đứng trên bục khai báo chứ không phải vành móng ngựa.
Theo Thẩm phán Trương Việt Toàn, điều đó thể hiện rõ nét nguyên tắc suy đoán vô tội, tức không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thứ hai là phù hợp với Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
“Nguyên tắc đó thể hiện rõ trong Bộ luật mới có hiệu lực từ 1/1/2018 và được HĐXX áp dụng để điều hành phiên toà” – ông Trương Việt Toàn cho biết và nhấn mạnh trước đây vẫn đảm bảo quyền tranh tụng nhưng luật mới thể chế hoá, đi sâu hơn và cụ thể hơn.
Liên quan đến việc triệu tập điều tra viên đến phiên toà, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, theo quy định thì HĐXX có thể triệu tập nhưng là đến để cần thiết làm rõ hành vi tố tụng và quyết định tố tụng chứ không làm việc gì khác.
Trước nhiều lời trình bày của các bị cáo tại phiên toà, vị Thẩm phán này chia sẻ, tại phiên toà, nguyên tắc là bị cáo được quyền trình bày vấn đề liên quan vụ án và quá trình nhân thân của mình. Bị cáo Đinh La Thăng được quyền trình bày theo đúng quy định của pháp luật. HĐXX lắng nghe ý kiến trình bày, nhận định khai báo liên quan đến tình tiết vụ án, đồng thời khi lượng hình xem xét toàn diện từ nhân thân, quá trình đóng góp, cống hiến của bị cáo.
“Điều gì khiến ông suy nghĩ nhất qua vụ án?” – trả lời câu hỏi này, Thẩm phán Trương Việt Toàn nói: “Qua vụ án này cũng như một số vụ án tham nhũng gần đây, với tư cách là Thẩm phán được tham gia các vụ án đó, tôi tâm huyết và suy nghĩ với câu nói của Tổng Bí thư là bất kỳ tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào thì yếu tố con người mang tính quyết định”.
“Các vụ án gần đây xuất phát từ yếu tố con người, mà đầu tiên là người lãnh đạo. Họ có cái gì đó thể hiện sự độc đoán, thiếu phát huy dân chủ cơ sở, dẫn đến không chỉ bị cáo đứng đầu sai phạm mà kéo theo nhiều người dưới quyền biết sai nhưng vẫn làm” – ông Trương Việt Toàn nói./.
Tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân
Vụ án ông Đinh La Thăng: Bản án nghiêm khắc, cảnh báo sự lạm quyền