Rưng rưng nhớ ngoại...

VOV.VN - "Bà hay vừa nhai trầu vừa cười. Tôi rất thích ngắm bà cười, khi đó những nếp nhăn ở quanh miệng, trên trán bà giãn ra, ánh mắt bà nhìn các cháu rưng rưng trìu mến".

Những ngày cuối năm, khi các anh chị em, con cháu khắp nơi dù đi xa về gần lại trở về nhà sum họp, ăn bữa cơm tất niên. Bên không khí gia đình ấm áp, hương trầm đèn nến, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về bà ngoại. Bà là những gì thân thương nhất trong thời thơ ấu của tôi. 

Bà ngoại tôi có 6 người con, chỉ có nhà tôi ở gần bà nhất nên mẹ con bà cháu hay quấn túm nhau.

Trong tâm trí tôi, bà ngoại hiền từ như bà tiên trong cổ tích: khuôn mặt bà phúc hậu, mái tóc bạc trắng vấn gọn ghẽ trong vuông khăn đen, môi đượm quết trầu, hàm răng tuy không còn đủ nhưng cái nào cái nấy đen như hạt na. Bà hay vừa nhai trầu vừa cười. Tôi rất thích ngắm bà cười, khi đó những nếp nhăn ở quanh miệng, trên trán bà giãn ra, ánh mắt bà nhìn các cháu rưng rưng trìu mến. Dáng bà đậm đạp, cái lưng hơi còng. Có lẽ do phải cấy gặt nhiều quá, lại còn cõng cháu nên bà bị đau lưng. Bà còn hay đau đầu gối. Mỗi khi đi làm đồng về, bà lại hái một nắm lá lớn để tối hơ nóng lên, xoa đầu gối cho đỡ đau. Chị em tôi ngồi bên tranh nhau xoa đầu gối cho bà, rồi tựa vào đầu gối bà ngủ lúc nào không biết.

Nhà bà tôi rất rộng, ngôi nhà cổ bằng gỗ lim ba gian hai chái, có những cây cột lớn đen bóng. Các xà nhà, vì kèo được chạm trổ những rồng mây, hoa lá rất cầu kì. Tôi thường nằm trên nền nhà, ngắm những hình thù đó rồi tưởng tượng ra cả một thế giới thần tiên kì bí chưa từng biết tới. Khoảng sân trước nhà lát gạch đỏ rộng rãi, bọn trẻ chúng tôi chạy nhảy nô đùa thỏa thích. Trước sân nhà trồng nhiều hoa: mấy bụi hồng bạch, loại hồng ta bông nhỏ, hương rất thơm, vài cây lựu, hai cây mẫu đơn hoa đỏ rực, …

Bên cửa nhà là hai chậu ngọc bút nở hoa trắng muốt. Góc trái sân có khóm dạ lan hương, mỗi đêm về lại thơm ngào ngạt. Ngày rằm, mùng một, bà thường hái hoa trong vườn bày thành đĩa để lên ban thờ thắp hương. Quanh vườn của bà có rất nhiều cây trái: bưởi, na, dừa, ổi mít, vải, hồng… Cây nào cũng sai quả, mỗi gốc cây đều gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ của chị em tôi. 

Tôi nhớ những mùa vải chín, cậu tôi còn ở nhà, cậu trèo lên cây bẻ vải, chị em tôi bâu dưới gốc chờ nhặt vải rụng. Bà chọn những quả ngon nhất, to nhất đặt lên ban thờ, rồi buộc thành từng túm để bán. Bà chỉ ăn những quả kẹ, quả dập. Tôi hỏi sao bà không ăn quả to ấy cho ngon. Bà cười rồi bảo: “Bán hàng ăn những chũm cau thôi con”. Tôi chẳng hiểu chũm cau là cái gì. Cứ quả nào to mọng thì nhặt ăn đẫy bụng, rồi ngồi hóng bà đi chợ về. Mỗi lần bà về chợ thể nào cũng có quà: cái bánh sắn, củ khoai lang luộc, một nắm bỏng ướt vừa ngọt vừa giòn, hay mấy cái bánh quế tròn như ông trăng nhỏ, mỏng như giấy, bỏ vào miệng là tan ngay trên lưỡi. Tôi đâu biết để có đồng quà tấm bánh cho chị em tôi, bà tôi phải sớm hôm lụi cụi nhặt nhạnh, khi thì ít khoai sọ, lúc mấy mớ rau rút, bó lá chuối tươi, lá chuối khô…Bà có lẽ chưa bao giờ thưởng thức hương vị của một quả vải nguyên lành!

Tôi nhớ những ngày mùa náo nức. Lúa chín vàng trên cánh đồng Bông. Chúng tôi dậy sớm, theo bà ra đồng. Tôi thấy tay bà cầm liềm cắt nhanh thoăn thoắt, áng chừng đủ một lượm lúa, bà lấy một nhánh lúa dài quấn ngang bó lúa, quay một vòng, thế là có ngay một lượm lúa gọn gàng. Tôi từng cầm liềm tự cắt lúa, nhưng lóng ngóng cắt mãi mới đứt cây lúa, lại còn bị lá lúa cào vào tay đau rát. Tôi  cũng thử bó lúa như bà, nhưng khi tôi quay một vòng thì những nhánh lúa cũng bay tứ tung trên mặt ruộng. Bà bảo: Con đi mà vồ muỗm, chứ lượm thế này thì chốc lại mót lúa chết thôi! Thế là chị em tôi với bọn trẻ hàng xóm tha hồ đi bắt muỗm. Thích nhất là ăn muỗm nướng mùa gặt, con nào con nấy béo ngậy, thơm lựng, nướng ngay bên bờ ruộng, tay nọ đảo tay kia vừa thổi vừa ăn ngon tuyệt.

Tôi nhớ những đêm đông lạnh giá. Gió bấc cứ thông thống mà nhà chẳng đủ chăn. Bà tôi bện ổ rơm rồi cắt những tàu lá chuối khô về lót ổ, trải chiếu lên trên. Mấy bà cháu chui vào ổ, trùm chăn, chả mấy lúc đã ấm ran. Tấm chăn của bà - cái ruột bông cũ lồng trong cái vỏ chằng chịt bao nhiêu nốt vá. Mỗi mụn vá từ một mẩu vải khác nhau làm cho tấm chăn như một bức tranh sống động, đủ hình thù với muôn màu sắc. Tôi thích hít hà cái mùi lá chuối ổ rơm quyện với mùi quết trầu trong tấm chăn của bà. Những đêm đông như thế bà hay kể chuyện về bà, chị em tôi nghe như chuyện cổ tích. Bà tôi là con út trong gia đình tám anh chị em, lúc nhỏ bà được cả nhà chiều chuộng lắm. Năm mười ba tuổi bà về làm vợ ông tôi, làm dâu trưởng của năm người em chồng bé lóc nhóc. Ông ngoại tôi một đời binh nghiệp, bà ở nhà cày cấy nuôi con, vò võ bao nhiêu năm…Em tôi nghe đến đó thì hỏi: “Thế bà có hóa thành đá không?” Chắc  nó nghĩ đến chuyện nàng Tô Thị. Tôi lanh chanh giải thích luôn: “Bà đi làm đồng suốt ngày, về nhà lại bao nhiêu việc thế thì làm sao hóa thành đá được!” Bà tôi nghe thế chỉ cười.

Mà bà tôi lắm việc thật, việc đồng áng, việc con cháu, họ hàng, lại còn lo giỗ chạp. Khi cụ ngoại tôi mất, bà phải lo việc cúng giỗ vì ông tôi vắng nhà. Ông ngoại tôi là trưởng họ, một năm làm không biết bao nhiêu cái giỗ. Ông có hẳn một cuốn sổ cúng, ghi rõ tên cụ nào, giỗ nhằm ngày nào, táng tại đống nào… Bà bảo nhờ lớp bình dân học vụ mà bà biết đọc cuốn sổ cúng đó. Lâu dần bà chẳng cần mở sổ vẫn nhớ đúng ngày giỗ các cụ. (Cuốn sổ ấy đến khi ông tôi về hưu mới lại dùng đến). Có những đám giỗ lớn, làm tới chục mâm cỗ, họ hàng đến ăn uống linh đình. Bà tôi những ngày đó rất bận rộn. Bà đi chợ sớm, về cùng nấu nướng với mọi người, rồi ra đống tạ bái. Đến bữa bà đi từng mâm, sắp người cho đủ, xem cỗ bàn có thiếu sót gì không, rồi gói phần cho khách đem về, không sót một người nào. Ai cũng tấm tắc khen bà tôi lo giỗ chạp chu đáo. Nào ai biết đâu, có khi bà nhịn chay chả kịp ăn miếng nào. 

Tôi thương bà vất vả. Vì thế tôi thích những cái giỗ giúi, không mời họ hàng, chỉ làm cơm canh, quả trứng, sang thì thêm con gà cúng cụ, và không thể thiếu món xôi chè. Xôi vò của bà tôi rất ngon. Bao giờ bà cũng đồ hai lần, lại rưới mỡ gà nên xôi vừa mềm vừa ngậy. Chè thì sánh quyện ngọt ngào. Bà múc chè cúng xong thường gọi tôi ra vét nồi. Miệng nói “Lạy cụ, con xin phép các cụ”, thìa chè đã chui xong vào bụng, còn nghe vị ngọt lừ trong cổ họng. Cho đến tận khi vào đại học xa nhà, mỗi ngày rằm, mùng một tôi vẫn bồi hồi nhớ cái mùi khói hương quyện với mùi thơm xôi nếp và chè đường của bà tôi!

Hết cái giỗ cuối cùng trong năm là áp Tết. Bà tôi ngày thường đã bận, Tết đến càng bận hơn. Cúng ông Táo xong là bà dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị gói bánh chưng Tết. Bà gói bánh nhanh và khéo tay, cái nào cái nấy vuông thành sắc cạnh, nhìn thích cả mắt. Gói xong bánh nhà còn gói giúp hàng xóm nữa, nên việc luộc bánh bà giao cho mấy chị em tôi. Thực ra chúng tôi chỉ có việc trông cho củi đừng tắt, còn bà vẫn đáo qua đáo lại canh chừng. Những đêm tháng chạp tối đen, mấy chị em tôi ngồi quây bên nồi bánh chưng, vừa nướng khoai vừa đánh tam cúc, lát lại thổi bếp phù phù, sao mà vui thế!  

Sáng ra, cặp bánh đầu tiên bà đặt lên ban thờ cúng các cụ, rồi xin hạ lễ cho các cháu ăn. Có lần, em tôi mè nheo đòi ăn trước cái bánh bé bà gói riêng cho nó, bà nghiêm mặt bảo: “Con ngoan, chờ cúng cụ xong rồi bà cho ăn. Có các cụ mới có các con. Con phải biết hiếu kính với các cụ!” Nó nghe xong không đòi ăn nữa nhưng vẫn nước mắt lưng tròng. Đến lúc bà bóc bánh, nó bảo: Sao bà đã bóc rồi? Con đã nghe thấy cụ cho bóc đâu? Bà tôi lại dỗ rằng nó mải khóc quá, các cụ nói thầm nó không nghe thấy.

Ngày tháng bên bà cứ dần trôi qua êm đềm như thế. Chúng tôi lớn lên một chút đi học trường chuyên, học đại học, rồi đi công tác. Con đường về nhà ngoại cứ xa dần theo hành trình khôn lớn. Có ngày nghỉ về thăm bà, cắt móng tay cho bà. Bà móm mém bảo: Ngày xưa làm gì có bấm, bà toàn cắn móng tay cho các con đấy! Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng bà cháu trò chuyện với nhau. Ít hôm sau bà tôi ốm rồi mất…

Thoáng cái đã 20 năm bà tôi đi xa. Năm nay bác cả tôi làm giỗ to, con cháu trong Nam ngoài Bắc về đông đủ. Ai cũng muốn đem một thứ gì đó từ nơi mình sống về dâng lễ cúng bà. Thành thử ban thờ đầy hoa lễ, phải kê thêm một cái bàn bày mâm cỗ cúng. 

Trên ban thờ, ảnh bà tôi cười hiền từ, bên cạnh là hai đĩa hoa mẫu đơn. Bác tôi quỳ trước ban thờ, cuốn sổ cúng bạc màu mở trước mặt, chắp tay lầm rầm khấn. Các con cháu im lặng quỳ xung quanh. Trong làn khói hương nghi ngút tôi như thoảng thấy mùi thơm của đĩa hồng bạch vườn nhà quyện với mùi xôi nếp ngày xưa. Em tôi ghé tai thì thầm: Chị nhớ không, có lần bà đi chợ về không mua quà, em lăn ra khóc ăn vạ ngay cái cột lim này. Em nói rồi nghẹn ngào. Tôi nhớ chứ, hôm đó trời mưa, bà tôi gánh nguyên mấy bó lá chuối về. Bà dỗ em: Con ngoan, mai đi chợ bà đền cho! 

Nước mắt chảy xuôi. Bà đã về cõi mây gió nơi nao? Chẳng có bao giờ chúng con đền đáp được tấm lòng của bà! Bà ơi!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Góc… rưng rưng về người thầy
Góc… rưng rưng về người thầy

VOV.VN - Ai cũng có những kỷ niệm lung linh về người thầy. Tôi cũng ăm ắp những góc lấp lánh như thế nhưng lại cũng có cả những góc… rưng rưng.

Góc… rưng rưng về người thầy

Góc… rưng rưng về người thầy

VOV.VN - Ai cũng có những kỷ niệm lung linh về người thầy. Tôi cũng ăm ắp những góc lấp lánh như thế nhưng lại cũng có cả những góc… rưng rưng.

Người Việt mình là vậy!
Người Việt mình là vậy!

VOV.VN - Dân tộc nào cũng vậy, mỗi khi đất nước đứng trước khó khăn hoặc hiểm nguy, ai ai cũng nhất tề một lòng, hướng về một phía.

Người Việt mình là vậy!

Người Việt mình là vậy!

VOV.VN - Dân tộc nào cũng vậy, mỗi khi đất nước đứng trước khó khăn hoặc hiểm nguy, ai ai cũng nhất tề một lòng, hướng về một phía.