Thẩm định giá “lệch lạc” – kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí

VOV.VN - Việc các công ty thẩm định giá "tô hồng", nâng khống giá trị thực của dự án đã tiếp tay cho hành vi phạm tội. Đây cũng là kẽ hở để nhiều đối tượng có hành vi trục lợi, tham nhũng tài sản của Nhà nước.

Nhiều vụ án lớn có liên quan các công ty thẩm định giá

Trong một loạt vụ án gây thiệt hại, lãng phí cho Nhà nước, không ít lần xuất hiện bóng dáng của những công ty thẩm định giá. Vụ án gần nhất liên quan đến việc nâng khống giá cây xanh xảy ra tại Hà Nội. Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Xuân Hanh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, cùng 6 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Trong số này, bị can Nguyễn Thị Ngọc Lâm (nguyên thẩm định viên Công ty cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam) được xác định giúp sức cho các đối tượng trong quá trình nâng khống giá một số loại cây (chủ yếu là cây Chà là và cây Bàng lá nhỏ), gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài ra còn xác định một số cây trồng thay thế, bổ sung được các đối tượng nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.

Trường hợp khác cũng liên quan đến thẩm định giá lệch lạc, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân là vụ “thổi giá”, nâng khống thiết bị y tế xảy ra ở bệnh viện Tim Hà Nội.

Tháng 5/2021, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; cùng 5 đồng phạm về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ra, 3 bị can khác thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC cũng bị bắt trong vụ án này là: Trần Phú Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Hồng Dũng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng và Nguyễn Trung Dũng, Chuyên viên thẩm định.

Kết quả điều tra cho thấy, một số cựu lãnh đạo, cán bộ bệnh viện Tim Hà Nội đã kết hợp với lãnh đạo công ty định giá AIC để làm sai lệch con số, vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Khiến chi phí bị đội lên, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh…

Một vụ việc tương tự xảy ra ở bệnh viện Bạch Mai, Cơ quan điều tra đã khởi tố ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng nhiều bị can khác về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Kết quả điều tra bước đầu xác định, có một số cá nhân tại Công ty BMS nhập khẩu hệ thống robot có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT).

Tuy nhiên, thông qua quá trình thẩm định giá “lệch lạc”, con số 7,4 tỷ đồng được nâng khống lên 39 tỷ đồng, bằng các chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.

Với giá nâng khống này, chi phí khấu hao cho mỗi ca bệnh bị đội lên từ 4 triệu đồng thành 23 triệu đồng/ca. Từ năm 2017 đến 2019, có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.

Kẽ hở cho quá trình thẩm định giá "lệch lạc"

Nhìn lại xa hơn, đại án AVG khiến hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn phải hầu tòa cũng bắt nguồn từ việc định giá “lệch lạc” đối với tài sản của AVG.

Dù thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, nợ cả nghìn tỷ, làm truyền hình thì thua lỗ, nhưng Công ty thẩm định giá AMAX vẫn “dán” cho AVG mức giá trên trời.

Cụ thể, AMAX định giá AVG lên tới 16.565 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng. Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.

Chính những khoảng trống từ định giá “ảo”, chênh lệch rất lớn giữa giá trị thực tế và giá trị hợp đồng đã tạo ra kẽ hở để phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây thiệt hại số tiền khổng lồ cho Nhà nước. Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phải chịu mức án nặng nhất là Chung thân, cho hai tội “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đặc điểm chung của các vụ án nói trên đó là: Giá trị của khối tài sản mua bằng tiền ngân sách luôn bị “thổi” lên gấp nhiều lần, thông qua quy trình thẩm định giá lệch lạc, thực chất là tiếp tay cho tội phạm. Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc bắt buộc phải hậu kiểm kết quả kiểm định, kiểm tra giám sát quy trình của thẩm định viên.

Do đó, các công ty thẩm định hiện đang nắm quá nhiều quyền trong tay. Muốn nâng giá nên cao thì “tô hồng” hồ sơ, thay đổi số liệu để nâng cao giá trị tài sản, muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản, doanh nghiệp đó... Chỉ đến khi vụ việc vỡ lở, Cơ quan điều tra vào cuộc thì mới lộ ra các quy trình thẩm định có vấn đề. Đến khi ấy thì Nhà nước đã thiệt hại số tiền lớn, hậu quả đã xảy ra rồi./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Hà Tĩnh: Khởi tố thêm 3 bị can
Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Hà Tĩnh: Khởi tố thêm 3 bị can

VOV.VN - Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố thêm 3 bị can liên quan vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại một số bệnh viện huyện.

Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Hà Tĩnh: Khởi tố thêm 3 bị can

Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Hà Tĩnh: Khởi tố thêm 3 bị can

VOV.VN - Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố thêm 3 bị can liên quan vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại một số bệnh viện huyện.

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội hầu tòa phúc thẩm vụ nâng khống giá thiết bị y tế
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội hầu tòa phúc thẩm vụ nâng khống giá thiết bị y tế

VOV.VN - Tại phiên sơ thẩm trước đó, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên phạt 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan đến nâng khống giá thiết bị y tế.

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội hầu tòa phúc thẩm vụ nâng khống giá thiết bị y tế

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội hầu tòa phúc thẩm vụ nâng khống giá thiết bị y tế

VOV.VN - Tại phiên sơ thẩm trước đó, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên phạt 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan đến nâng khống giá thiết bị y tế.

Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án nâng khống giá thiết bị tại CDC Hà Nội
Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án nâng khống giá thiết bị tại CDC Hà Nội

VOV.VN - Hôm nay (24/6) TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội. 

Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án nâng khống giá thiết bị tại CDC Hà Nội

Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án nâng khống giá thiết bị tại CDC Hà Nội

VOV.VN - Hôm nay (24/6) TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội.