Cách Ukraine vận động phương Tây viện trợ thêm vũ khí

VOV.VN - Bằng việc nhấn mạnh vào hiệu quả của vũ khí phương Tây trong các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Nga, Ukraine tìm cách xóa tan những hoài nghi cũng như sự do dự của Mỹ và châu Âu trong việc tiếp tục bơm vũ khí cho Kiev.

Chỉ vài tuần trước, quân đội Ukraine vẫn đang bị tấn công liên tiếp ở phía Đông, hứng chịu thương vong nặng nề trước sự tiến quân của Nga. Sự ủng hộ của phương Tây dường như giảm dần trong bối cảnh nhiều người hoài nghi về việc Ukraine có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh tiêu hao hay một loạt vũ khí hạng nặng và tầm xa có thể giúp Kiev lật ngược tình thế.

Dù vậy, thông điệp của Ukraine với thế giới không thay đổi, rằng họ có thể giành chiến thắng, chiến lược của họ đang phát huy hiệu quả mặc dù chậm và chỉ cần vũ khí sẽ tiếp tục được đưa tới, tình hình sẽ thay đổi.

Không ai nói trước được liệu Ukraine có thể chiến thắng lực lượng Nga với quân số và vũ khí vượt trội hay không. Tuy nhiên, gần đây, khi sử dụng các hệ thống tên lửa tầm xa mới để tấn công cơ sở hạ tầng của Nga, Ukraine một lần nữa tìm cách tuyên bố với thế giới rằng họ có thể đánh bại Nga.

Nhấn mạnh vào các thành công nhờ vũ khí tầm xa phương Tây

Giới chức Ukraine nhấn mạnh vào những thành công gần đây như cuộc tấn công ở thị trấn Nova Kakhovka, bên sông Dnieper ở miền Nam Ukraine hay việc sử dụng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS do phương Tây cung cấp để tấn công một kho đạn của Nga.

Ngày 21/7, các quan chức Ukraine cho biết lực lượng nước này đã tấn công hơn 200 mục tiêu ở miền Nam bằng tên lửa và pháo tầm xa.

“Nga chắc chắn có thể bị đánh bại và Ukraine đã chứng minh điều đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết trong bài phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương ngày 19/7.

Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đã đích thân mang thông điệp tới Washington hôm 20/7, xuất hiện trước Quốc hội Mỹ và kêu gọi viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine.

Bất chấp sự lạc quan của Ukraine, các nhà phân tích quân sự và quan chức phương Tây cho rằng, còn quá sớm để dự đoán kết quả và cuộc chiến có thể sẽ kéo dài. Theo họ, không nên đặt quá nhiều hy vọng vào các loại vũ khí cụ thể vì chiến tuyến trải dài hàng trăm km, từ Kharkiv ở phía Bắc đến Mykolaiv ở phía Nam, vẫn liên tục thay đổi.

Ông Taras Chmut, người đứng đầu một nhóm phi chính phủ hỗ trợ binh sĩ Ukraine cho biết: “Chúng tôi hiện đang đạt được những gì chúng tôi từng chưa đạt được trước đây. Nhưng không có đột phá nào cả. Không có thuốc chữa bách bệnh, không có cây đũa thần nào có thể dẫn đến chiến thắng ngay ngày mai”.

Ukraine muốn sớm kết thúc xung đột

Tại Kiev, các quan chức an ninh cấp cao của Ukraine vẫn thể hiện sự lạc quan.

Ông Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết: “Các đối tác cung cấp vũ khí càng sớm thì chúng tôi càng nhanh chóng kết thúc cuộc chiến này”.

Trước những lời kêu gọi của Ukraine, Lầu Năm Góc đã cam kết cung cấp thêm 4 bệ phóng tên lửa HIMARS và các loại vũ khí mạnh khác, bao gồm 2 hệ thống phòng không NASAMS trong gói viện trợ mới nhất dành cho Kiev.

Quan chức tình báo hàng đầu của Anh, Richard Moore - người đứng đầu MI6, cũng đưa ra đánh giá lạc quan, khi nói rằng quân đội Nga ‘sắp cạn kiệt sức lực”. Theo ông, các lực lượng Nga “sẽ phải tạm dừng theo một cách nào đó, và điều này sẽ tạo cơ hội cho người Ukraine tấn công đáp trả”.

Mặc dù vậy, câu hỏi về việc liệu vũ khí tầm xa mà phương Tây đang cung cấp cho Ukraine có thực sự đẩy lui được quân đội Nga hay không vẫn là một ẩn số trong cuộc xung đột hiện nay.

Mỹ và châu Âu tỏ ra thận trọng và không muốn gửi quá nhiều vũ khí trước khi binh sỹ Ukraine được huấn luyện. Một số nhà phân tích cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Ukraine khó có thể vận hành vũ khí một cách suôn sẻ như họ khẳng định.

Các quan chức phương Tây cũng lo ngại rằng, được thúc đẩy bởi hỏa lực mới, Ukraine có thể bắt đầu một cuộc phản công quá sớm. Mặt khác, Lầu Năm Góc lo ngại về khả năng cạn kiệt kho dự trữ của chính họ trong những tháng tới nếu tiếp tục bổ sung các gói viện trợ lớn cho Kiev.

Ukraine chuẩn bị phản công

Cường độ giao tranh ở Donbass đã giảm kể từ khi Severodonetsk thất thủ và quân đội Ukraine rút khỏi Lysychansk. Sự chú ý đã chuyển sang phía Nam và phía Tây khu vực gần sông Dnieper, nơi Ukraine đã sử dụng pháo tầm xa do các nước phương Tây cung cấp, bao gồm cả các hệ thống của Mỹ để tấn công các mục tiêu sâu hơn phía sau chiến tuyến.

Vài ngày trước, Ukraine tấn công cây cầu quan trọng trên sông Dnieper, tuyến tiếp tế quan trọng của Nga. Các nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công này báo trước việc Ukraine sắp bắt đầu một cuộc phản công ở phía Nam, với mục tiêu chiếm lại thành phố Kherson.

Khi đẩy mạnh các cuộc tấn công ở phía Nam, Ukraine cũng đối mặt với một tình huống khó khăn chiến lược khác: sử dụng các lô vũ khí mới được phương Tây cung cấp như thế nào. Tập trung hỏa lực để phòng thủ ở phía Đông hay tấn công về phía thành phố miền Nam Kherson hiện do Nga kiểm soát?

Ông Michael Kofman, Giám đốc Viện nghiên cứu CAN ở Arlington, Virginia (Mỹ), cho biết: “Chiến lược là sự lựa chọn và các lựa chọn thường đi kèm với sự đánh đổi”.

“Chúng tôi hiểu rằng hiện tại chúng tôi không có đủ nguồn lực để thực hiện một chiến lược chủ động. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác của mình. Khi có đủ [nguồn lực], chúng tôi sẽ quyết định các hành động trong tương lai”, Tướng Oleksandr Kyrylenko, Phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết.

Bà Evelyn Farkas, Giám đốc Viện McCain, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề về Nga, Ukraine và Âu-Á cho rằng, các nguồn lực hiện nay không đủ để Ukraine kìm chân lực lượng Nga.

“Nếu người Ukraine không thể chứng minh họ đạt được thành công trên chiến trường, sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu sẽ ngày càng yếu đi”, bà Farkas nói.

Giới chức Ukraine nói rằng Quân đội nước này đang chứng tỏ khả năng sử dụng các loại vũ khí mới để tấn công trực diện vào các đường tiếp tế, quân đội và kho vũ khí của phía Nga. Trong một cuộc phản công tiềm tàng, Ukraine có ý định cho nổ tung các cây cầu và tiến sát các khu vực gần sông Dnieper, cắt đứt các tuyến tiếp tế và đường rút lui của Nga về bờ Tây sông, bao gồm cả ở Kherson.

Để xoa dịu nỗi lo vũ khí có thể bị thất lạc hoặc bị thay đổi mục đích sử dụng, ngày 21/7, Ukraine đã công bố hệ thống được gọi là CODA nhằm theo dõi và giám sát tất cả vũ khí được viện trợ.

Phía Ukraine cũng hạ thấp những khó khăn trong việc huấn luyện binh sĩ vận hành đồng thời nhiều hệ thống mới hoặc bảo trì chúng. Ông Danilov, người đứng đầu Hội đồng An ninh, cho biết Ukraine có 1 triệu binh sĩ, bao gồm cả những lực lượng cảnh sát và tân binh. Với số binh lính nhiều hơn vũ khí, việc huấn luyện không làm giảm bớt lực lượng ở tiền tuyến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga có dùng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine đánh vào Crimea?
Nga có dùng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine đánh vào Crimea?

VOV.VN - Cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn giằng co ở nhiều nơi, khi Nga càng cải tiến lối đánh thì phương Tây lại càng viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine. Mới đây, Nga đã ám chỉ sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu Crimea bị Ukraine tấn công.

Nga có dùng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine đánh vào Crimea?

Nga có dùng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine đánh vào Crimea?

VOV.VN - Cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn giằng co ở nhiều nơi, khi Nga càng cải tiến lối đánh thì phương Tây lại càng viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine. Mới đây, Nga đã ám chỉ sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu Crimea bị Ukraine tấn công.

Anh viện trợ lô vũ khí “khủng” cho Ukraine
Anh viện trợ lô vũ khí “khủng” cho Ukraine

VOV.VN - Phát biểu trước Quốc hội ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, nước này sẽ gửi cho Ukraine vũ khí chống tăng, máy bay không người lái, pháo và hàng chục nghìn viên đạn.

Anh viện trợ lô vũ khí “khủng” cho Ukraine

Anh viện trợ lô vũ khí “khủng” cho Ukraine

VOV.VN - Phát biểu trước Quốc hội ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, nước này sẽ gửi cho Ukraine vũ khí chống tăng, máy bay không người lái, pháo và hàng chục nghìn viên đạn.

Lãnh đạo quốc phòng Ukraine muốn phương Tây mang vũ khí tới thử nghiệm
Lãnh đạo quốc phòng Ukraine muốn phương Tây mang vũ khí tới thử nghiệm

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã mời các nhà sản xuất vũ khí hãy đem thiết bị của mình tới chiến trường Ukraine để thử nghiệm trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. Tuyên bố này có thể khiến chiến sự ở đây thêm khốc liệt và kéo dài.   

Lãnh đạo quốc phòng Ukraine muốn phương Tây mang vũ khí tới thử nghiệm

Lãnh đạo quốc phòng Ukraine muốn phương Tây mang vũ khí tới thử nghiệm

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã mời các nhà sản xuất vũ khí hãy đem thiết bị của mình tới chiến trường Ukraine để thử nghiệm trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. Tuyên bố này có thể khiến chiến sự ở đây thêm khốc liệt và kéo dài.