Thu giữ nhiều thiết bị viễn thông công nghệ cao bị cấm kinh doanh

Theo đánh giá của Công an thành phố Hà Nội cho rằng, khi các thiết bị viễn thông này khi được mua bán và sử dụng nhiều sẽ gây ra một tâm lý bất an cho tất cả mọi người vì họ luôn tồn tại cảm giác bị theo dõi, giám sát

Ngày 11/9, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cho biết, qua tiến hành công tác thanh tra thanh tra Sở đã tịch thu 19 thiết bị viễn thông của một số doanh nghiệp kinh doanh thiết bị viễn thông là Công ty TNHH Thông tin và Công Hoàng Nguyễn (Xóm 15, Cổ Nhuế, Từ Liêm), Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển Điện tử Viễn thông Thái Thắng ( 12 ngõ 151 Hồng Hà, Phúc Xá, Ba Đình) và Công ty TNHH Điện thoại Vân Chung (151 Đặng Tiến Đông, Phương Liệt, Đống Đa).

Loại thiết bị kết nối vào mạng thông tin di động, có kích thước bằng bao diêm nhưng không có đủ tính năng như máy điện thoại di động thông thường. Khi gắn một sim điện thoại di động vào thiết bị này và đặt tại nơi cần giám sát và thực hiện cuộc gọi vào số sim này, thiết bị sẽ tự động kết nối cuộc gọi và người gọi sẽ nghe toàn bộ âm thanh xung quanh nơi đặt thiết bị. Thời gian chờ của thiết bị này là từ một đến 2 ngày, thời gian hoạt động liên tục từ 2 tiếng đến 4 tiếng tùy vào từng loại (model). Thiết bị này đã được giao bán với tên gọi công khai như: "thiết bị nghe trộm từ xa", "thiết bị nghe lén toàn cầu", "thiết bị nghe trộm"... Qua xác minh, các thiết bị này đều có xuất xứ từ nước ngoài, người bán không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và khi mua bán đều không xuất hóa đơn tài chính theo quy định.

Thiết bị kết nối vào mạng điện thoại cố định, thiết bị này có một đầu dây cáp kết nối vào đường dây thuê bao điện thoại cố định và một đầu kết nối vào một máy tính cá nhân. Nội dung thông tin liên lạc của số máy cố định bị giám sát sẽ được ghi âm lại và lưu vào máy tính. Người giám sát khi cần nghe lại chỉ cần vào máy tính và mở file đã ghi âm để nghe. Chức năng của thiết bị này thực chất là thiết bị giám sát nội dung cuộc đàm thoại mà người thực hiện cuộc gọi có thể không biết được do thiết bị có thể kết nối bất cứ chỗ nào trên đường dây từ tổng đài tới máy điện thoại, nhưng nó lại được giao bán với tên gọi như: "thiết bị ghi âm điện thoại, tổng đài", "ghi âm kết nối máy tính", dễ tạo cho người xem hiểu lầm đây là thiết bị gắn vào máy điện thoại cố định.

Hai loại thiết bị này theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính- Viễn thông được gọi là thiết bị đầu cuối và phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trước khi được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam hoặc kết nối vào mạng viễn thông công cộng.

Ông Minh cũng cho biết, tất cả các thiết bị vi phạm này đều có xuất xứ nước ngoài là Trung Quốc và Mỹ, khi vào Việt Nam không thực hiện hợp chuẩn.

Đánh giá của Công an thành phố Hà Nội cho rằng, khi các thiết bị viễn thông này khi được mua bán và sử dụng nhiều sẽ gây ra một tâm lý bất an cho tất cả mọi người vì họ luôn tồn tại cảm giác bị theo dõi, giám sát; các cuộc họp, hội nghị, các cuộc đàm thoại cũng rất có thể bị theo dõi, các thông tin nội bộ, bí mất không được đảm bảo an toàn.

Một loại phầm mềm giám sát điện thoại di động được mua của một số công ty nước ngoài, các công ty trong nước thực hiện mua và bán lại cho khách hàng Việt Nam. Khách hàng cần mua sẽ phải cung cấp mã số nhận dạng của điện thoại (Imei) cần giám sát (máy phải là máy đời mới có cấu hình cao tương thích với phần mềm mới cài được) và việc cài đặt chỉ từ 2 đến 4 phút. Phần mềm có nhiều loại, tùy vào giá cả sẽ tương ứng với tính năng của phần mềm là: giám sát cuộc gọi, giám sát tin nhắn, nghe từ xa hoặc kết hợp cả ba tính năng trên. Cũng như các thiết bị viễn thông trên, đây là phần mềm giám sát điện thoại di động với mục đích “nghe trộm” hoặc “giám sát” đều không được pháp luật cho phép.

Thanh tra còn phát hiện loại thiết bị vô tuyến điện, thiết bị này khi hoạt động sẽ phát ra tần số cùng với dải tần số của các mạng di động của Việt Nam hiện nay, công suất phát từ 0,6W - 15W, bán kính hiệu dụng từ vài chục đến vài trăm mét. Thiết bị này được quảng cáo bán hàng với tên gọi là "thiết bị phá sóng", "thiết bị áp chế điện thoại di động", "máy gây nhiễu điện thoại di động..." Khi thiết bị này hoạt động thì các máy điện thoại di động trong khu vực bán kính hiệu dụng sẽ ngừng liên lạc. Theo quy định, đây là loại thiết bị chỉ có Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được phép sử dụng và trong trường hợp đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép mới được sử dụng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên