Thực hiện hơn 70 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet
VOV.VN - Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vừa triệt phá 2 nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng.
Từ cuối năm 2022 đến nay, Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận và giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vẫn chủ yếu áp dụng các chiêu thức như: chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo, giả danh chủ tài khoản; giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Toà án, Ngân hàng; giả danh người nước ngoài kết bạn, làm quen, nhắn tin; thông báo trúng thưởng và nhận quà tặng; bán hàng trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Qua thời gian đấu tranh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 2 vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với các đối tượng: Hoàng Tuyết Hảo (SN 1979, trú tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh), Cao Văn Hoàn (SN 1996, trú tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), Trương Đình Trọng (SN 2002) và Nguyễn Đình Vui (SN 1997), trú tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với bắt giữ các đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ 1 máy tính xách tay, 1 máy in, 2 điện thoại di động, 2 điện thoại cố định, 1 con dấu khắc chữ “Trung tâm mua sắm trực tuyến”…
Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã thực hiện hơn 70 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với số tiền chiếm đoạt trên 4 tỷ đồng của nhiều người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Dương... Công an huyện Đắk Mil đã thu hồi được 506 triệu đồng do các nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại.
Công an huyện Đắk Mil khuyến cáo mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác. Khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.
Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi để bảo đảm tính an toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.