Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ về việc Hiệp sĩ bắt cướp
VOV.VN -“Qua vụ việc vừa rồi và nhiều vụ việc khác xảy ra, cũng cần xem lại về cách thức tổ chức, trang bị kỹ năng nghiệp vụ cho các hiệp sĩ và người dân khi tham gia phòng, chống tội phạm”
Tối qua (13/5), trong lúc nhóm hiệp sĩ đường phố phục kích một nhóm 4 đối tượng trộm xe SH tại một cửa hàng thời trang trên đường Cách mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, TP HCM. Nhóm trộm biết bị bắt quả tang đã tháo chạy thoát thân trên nhiều xe gắn máy. Bị cùng lúc 8 hiệp sĩ truy đuổi, hết đường tẩu thoát nhóm trộm này manh động chống trả, khiến 2 hiệp sĩ thuộc Đội hiệp sĩ đường phố quận Tân Bình bị đâm tử vong.
Thượng tá Lê Đức Đoàn- "Công dân Thủ đô ưu tú", người CSGT đã từng có 40 năm làm nhiệm vụ giữ gìn an toàn trật tự giao không mà khi ông về hưu đã để lại nhiều sự tiếc nuối trong lòng người dân Thủ đô, chia sẻ, ông rất buồn và chia buồn với mất mát không gì bù đắp được của gia đình hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi. Hành động dũng cảm của 2 hiệp sĩ và và các hiệp sĩ trong các đội hiệp sĩ ở Bình Dương và TP HCM bấy lâu nay đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong xã hội. Và thực tế, hoạt động này đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.
Thượng tá Lê Đức Đoàn |
Thượng tá Đoàn cho biết, ông đã theo dõi kỹ các thông tin trên báo và trên mạng xã hội nói về vụ việc này và thấy có không ít người đặt câu hỏi có nên khuyến khích mô hình hoạt động của các đội hiệp sĩ đường phố như ở một số địa phương như hiện nay? Thượng tá Đoàn cho rằng, đây là mô hình hoạt động của những người thích làm việc nghĩa hiệp và chia sẻ với cộng đồng. Họ hoạt động tự nguyện và phù hợp với quy định tại sự Khoản 3, Điều 4 Bộ luật Hình là mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.
“Các tổ đội hiệp sĩ hoạt động một phần cũng do tình hình an ninh trật tự ở địa bàn, người dân thấy cần phải bảo vệ chính họ, bảo vệ cộng đồng nên họ tham gia vào việc phòng chống tội phạm là một nguyện vọng chính đáng. Nhưng qua vụ việc vừa rồi và nhiều vụ việc khác xảy ra, cũng cần xem lại về cách thức tổ chức, trang thiết bị phòng vệ hay việc trang bị kỹ năng nghiệp vụ cho các đội hiệp sĩ, cho người dân để khi đối phó với các tình huống, có có kỹ năng, ý thức phòng vệ một cách hiệu quả…”- Thượng tá Đoàn chia sẻ.
Thượng tá Đoàn cũng trăn trở, vì sao người dân lại phải tự bảo vệ, tự tổ chức các đội nhóm để bảo vệ bản thân và cộng đồng? Có một nguyên do là tình hình an ninh trật tự ở địa phương đó là người dân cảm thấy bất an. “TP HCM là một thành phố phát triển nhưng đi cùng với đó là những hệ lụy về giao thông, về an ninh trật tự chưa đáp ứng kịp. Các vụ cướp giật manh động, táo tợn xảy ra vừa qua ở TP HCM làm cho người dân bất an, họ phải tự tìm cách bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng”.
Thượng tá Đoàn cho rằng, “theo dõi thông tin trên mạng, nhiều ý kiến cũng đặt câu hỏi vậy nhiệm vụ của lực lượng chức năng ở đây là gì, nhưng theo tôi, cơ quan công an cũng có nhiệm vụ của họ. Trong những tình huống bất ngờ như vụ việc vừa qua, với tính chất manh động, liều lĩnh của bọn cướp thì cũng rất khó có phương án trước để bảo vệ. Vì thế, cũng không nên đẩy trách nhiệm về phía các cơ quan Nhà nước. Điều quan trọng là sự phối hợp giữa các đội nhóm tự nguyện của người dân với các cơ quan chức năng như thế nào để có phương án trang bị kỹ năng tối thiểu cho mọi người khi tham gia phòng, chống tội phạm”.
Theo Thượng tá Đoàn, mỗi địa phương sẽ có một cách thức tổ chức phòng, chống tội phạm phù hợp với tình hình an ninh trật tự địa phương nhưng cũng nên tham khảo mô hình 141 ở Hà Nội. “Đây là một trong nhiều mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả ở Thủ đô. Nhìn vào tình hình thực tế an ninh trật tự của Thủ đô, thì 141 cũng là một mô hình các địa phương nên tham khảo”./.
Từ vụ Hiệp sĩ bị nhóm trộm đâm chết: Công an TP HCM phải làm gì?