Lòng hồ thuỷ điện Sê San 4 - "điểm mù" gỗ lậu?

VOV.VN - Xung quanh hồ Thuỷ điện Sê San 4, tình trạng khai thác gỗ trái phép ở những cánh rừng quanh vùng lòng hồ vẫn ngấm ngầm diễn ra.

Lợi dụng việc đánh bắt thuỷ sản, và tận thu gỗ đã bị ngập dưới lòng hồ Thuỷ điện Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), các đối tượng đã trà trộn gỗ chưa rõ nguồn gốc, tập kết thành những bãi trung chuyển gỗ lậu. Điều đáng nói là khi phát hiện vụ việc, các lực lượng chức năng đã có biểu hiện chậm trễ trong công tác bảo vệ hiện trường, để một lượng lớn gỗ tang vật bị thiêu huỷ và tẩu tán.

Đêm 19/4/2021, trong quá trình quần tra ở khu vực bến của làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, lực lượng của Đồn Biên phòng Ia O (Bộ Chỉ huy Biên phòng Gia Lai) phát hiện xà lan chở 1 xe tải, bên trên chất hơn 4,6 m3 gỗ.

3 ngày sau, vào đêm 22/4, theo tin báo của nhân dân, lực lượng biên phòng tiếp tục phát hiện 2 điểm tập kết gỗ ở khoảnh 1, tiểu khu 334, địa phận xã Ia O, cách đất liền xã Ia O (huyện Ia Grai) khoảng 4 km. 96 hộp gỗ vuông được lực lượng biên phòng đưa về trụ sở. Hàng trăm lóng gỗ ven bờ ốc đảo bị bỏ lại.

Ngày 25/4, khi đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND huyện Ia Grai tiếp cận hiện trường để kiểm tra, thì chỉ còn vài chục lóng gỗ và củi trên bờ. Một lượng gỗ lớn bị đốt ngay trên đảo. Theo một số nhân chứng, một lượng gỗ nữa đã được lâm tặc hạ thuỷ biệt tích xuống lòng hồ. 7 thuyền đôi, loại thuyền dùng để khai thác, trục vớt, vận chuyển gỗ cũng đã biến mất.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai cho rằng nguồn gốc số gỗ này là gỗ tận thu dưới lòng hồ Thuỷ điện Sê San 4, dù hình ảnh ghi nhận thực tế cho thấy lượng lớn gỗ tại đây còn khá tươi, thậm chí cây còn cả vỏ. Ông Trương Vũ Tường, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai giải thích: “Có nhiều cây vẫn sống dưới nước nên nó vẫn còn giữ được vỏ. Điều này, đoàn của UBND tỉnh cử đi đã đến xác minh”.

Lòng hồ Thuỷ điện Sê San 4 trên sông Sê San, đoạn chảy qua xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) và xã Ia O, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) được ngăn dòng tích nước từ năm 2009, nhấn chìm những cánh rừng dưới độ sâu hàng chục mét. 12 năm đã trôi qua, vậy mà cây vẫn sống dưới lòng hồ như cách lý giải của ông Tường là điều khó hình dung. Một điều nữa là: khi hỏi về công tác kiểm soát của lực lượng kiểm lâm, ông Tường cho rằng, xã Ia O đã không còn rừng, lấy đâu ra gỗ để khai thác?

Địa bàn xã không còn rừng, nhưng không vì thế mà không thể thành điểm tập kết, vận chuyển gỗ theo lòng hồ ở các vùng lân cận đến. Vấn đề này, ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai cho rằng: “Lực lượng của xã không được đào tạo, tập huấn, không được trang bị về kiểm tra, kiểm soát trên hồ, cho nên rất khó có thể kiểm soát được hoạt động của người dân sinh sống trên lòng hồ Thuỷ điện Sê San 4”.

 Đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Gia Lai cho biết, lực lượng biên phòng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát trên lòng hồ Thuỷ điện Sê San 4. “Thời gian vừa qua lực lượng biên phòng tập trung nhiệm vụ trên biên giới, tại xã Ia O có khoảng 10 đảo, cách bờ khoảng 4 đến 5 km, phương tiện tuần tra thiếu nên khâu nắm tình hình địa bàn có phần còn hơi yếu”, Đại tá Trần Thanh Bình lý giải.

Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, huyện đang đề nghị các ngành chức năng, nếu có phương án trục vớt gỗ thì sớm có phương án để vận chuyển, đưa vào bờ để trong coi, bảo quản, tránh trường hợp tiêu huỷ số phương tiện và tang vật vi phạm này. "Quan điểm của huyện là sai phạm tới đâu, xử lý tới đó", ông Quý nêu rõ.

Xung quanh hồ Thuỷ điện Sê San 4 là khu vực rừng biên giới kéo dài hàng chục km từ huyện Sa Thầy, Ia H’Drai (Kon Tum) đến huyện Ia Grai (Gia Lai). Hơn 12 năm qua, kể từ khi vùng lòng hồ thuỷ điện Sê San 4 hình thành, hàng chục thậm chí hàng trăm hộ gia đình từ nơi khác đến đây lập nghiệp bằng nghề đánh bắt thuỷ sản; trong đó có cả những gia đình chỉ sống với nghề trục vớt gỗ bị nhấn chìm giữa lòng hồ là một sự thật. Nhưng có một sự thật khác đang được che đậy hoặc lờ đi đó là việc

Các mỏm núi ngoi lên giữa vùng lòng hồ Sê San 4 tạo nên những ốc đảo - điểm tập kết, chế biến gỗ lậu../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khởi tố vụ khai thác gỗ trái phép ở khu vực hồ thủy điện Sê San 4
Khởi tố vụ khai thác gỗ trái phép ở khu vực hồ thủy điện Sê San 4

Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Hạt Kiểm lâm Ia Grai (Gia Lai) đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Ia Grai tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật

Khởi tố vụ khai thác gỗ trái phép ở khu vực hồ thủy điện Sê San 4

Khởi tố vụ khai thác gỗ trái phép ở khu vực hồ thủy điện Sê San 4

Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Hạt Kiểm lâm Ia Grai (Gia Lai) đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Ia Grai tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật