Tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng
VOV.VN - Theo thống kê của Bộ Công an, trong quý 1 năm nay, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam có những diễn biến phức tạp, gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động đưa người Việt Nam nhập cảnh, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, cưỡng bức lao động, lừa đảo trực tuyến diễn biến phức tạp ở một số nước Đông Nam Á và Châu Âu.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138), trong quý 1, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Tổng số vụ án thụ lý điều tra trong quý 1 là 84 vụ/223 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định có 178 nạn nhân trong các vụ án (trong đó có 114 nạn nhân nam và 64 nạn nhân nữ).
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tiếp nhận và giải cứu 11 công dân nghi là nạn nhân bị mua bán.
Chiêu trò "việc nhẹ, lương cao" tiếp tục được các đối tượng triệt để lợi dụng, đưa người ra ngoài biên giới làm việc trong các sòng bạc, cơ sở game online, công ty kinh doanh trực tuyến nhằm cưỡng bức lao động, ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến; nạn nhân bị dụ dỗ, lừa gạt chủ yếu tại địa bàn biên giới các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng...
Theo Luật sư Trương Thị Hòa, đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, để ngăn ngừa tình trạng này cần tăng cường năng lực phòng chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục làm cho người dân trong xã hội nhận biết được những dấu hiệu, nhận biết được những cạm bẫy, những phương thức, những hình thức rồi biết được những nguy cơ có thể xảy ra, để tăng cường năng lực, tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân, bảo vệ người mình quen biết trong xã hội rất quan trọng. Cùng với đó, cần phát huy năng lực phòng, chống tội phạm trong toàn xã hội và kết hợp phòng, chống tội phạm xã hội với phòng, chống trong nghiệp vụ thì sẽ tăng cường thực tạo thêm sức mạnh.
Dự án Luật phòng chống mua bán người sửa đổi đang được tích cực đẩy nhanh tiến độ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây, là một trong những giải pháp được kỳ vọng thực hiện tốt hơn công tác này.