“Bị cáo không được hỏi lại kiểm sát viên là bất đình đẳng”
VOV.VN - Bà Lê Thị Thu Ba: Dự thảo Bộ luật TTHS có nêu bị cáo chỉ được hỏi các đối tượng khác mà không thấy quy định được hỏi KSV, là không bình đẳng
Một trong những điểm sáng nổi bật của Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) chính thức thừa nhận tranh tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, dự thảo chưa có những quy định nhằm tách bạch về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng; đặc biệt là chưa tạo ra sự bình đẳng thực sự giữa các chủ thể buộc tội và gỡ tội cũng như địa vị độc lập vô tư của tòa án với tư cách là trọng tài để đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc đó….
Một phiên tòa (Ảnh: Việt Đức) |
Xác định không có tranh tụng và không bảo đảm được tranh tụng khách quan, bình đẳng thì hoạt động tố tụng luôn có tính phiến diện, định kiến và tiềm ẩn những sai lầm tư pháp trong các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy cùng với nhiều điểm mới tiến bộ, Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự lần này ghi nhận 2 nội dung quan trọng: tranh tụng giữa kiểm sát viên, bị hại, nguyên đơn dân sự với bị cáo, người bào chữa, bị đơn dân sự và ghi nhận nghĩa vụ của tòa án trong việc bảo đảm tranh tụng giữa các bên… Những quy định này thể hiện rõ, chức năng tranh tụng của các bên và tư cách người thứ 3 của tòa án - một trọng tài vô tư, khách quan....
Theo ông Hoàng Thế Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, mỗi chủ thể (hoặc nhóm chủ thể) chỉ thực hiện một trong những chức năng cơ bản, không thể vừa buộc tội vừa bào chữa, và ngược lại. Đồng thời các chủ thể tố tụng phải được bình đẳng với nhau trong việc bảo vệ các lợi ích pháp lý của mình trước tòa án.
Bên buộc tội có những quyền tố tụng gì thì bên bào chữa cũng phải được thừa nhận những quyền tố tụng tương tự. Mặt khác, nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng Hình sự không chỉ nhằm đảm bảo hoạt động cho các cơ quan tố tụng đấu tranh, phát hiện tội phạm mà còn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân, nhất là những công dân chưa bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Cả hai nguyên tắc này của Bộ luật Tố tụng hình sự đều quan trọng như nhau. Vì vậy Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật tố tụng Hình sự cần có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn để đảm bảo quyền bình đẳng giữa các chủ thể tố tụng, nhất là quyền bình đẳng về thông tin và chứng cứ…
“Phải có những quy định đảm bảo bình đẳng về nhiều vấn đề, trong đó có bình đẳng thông tin về chứng cứ và nhiều mặt khác. Bình đẳng trong tiếp cận thông tin, trong chứng cứ đã được đề cập nhưng còn sơ lược. Bên buộc tội có quyền đưa ra chứng cứ, bên gỡ tội cũng có quyền bình đẳng đưa ra chứng cứ và đánh giá chứng cứ của bên buộc tội… Sự bình đẳng này sẽ tạo ra không khí tranh luận rất tốt và giúp cho việc tìm ra các chứng cứ xác thực làm căn cứ cho kết quả phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.
Theo tinh thần Cải cách tư pháp, người bào chữa, kiểm sát viên là hai bên thực hiện chức năng buộc tội và gỡ tội, cùng nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ công lý, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Vậy nhưng Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự lại có sự phân biệt đối xử khi quy định kiểm sát viên ngồi ở bên phải Hội đồng xét xử, phía trên phòng xử án, phía dưới của phòng xử án là chỗ ngồi của những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa, trong đó có người bào chữa.
Tiến sỹ Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, chỉ nhìn vào cách bố trí chỗ ngồi tại phiên tòa như vậy đã thấy sự bất bình đẳng giữa hai bên. Kiểm sát viên ở phía trên nhìn xuống, nói xuống, trong khi luật sư thì từ dưới nhìn lên, đối đáp vọng lên, tạo nên cảm giác như ở đó không phải là một quá trình tranh tụng bình đẳng mà như là một kiểu trên - dưới.
“Điều 247 của dự thảo lần này quy định HĐXX, kiểm sát viên ngồi ở tầng trên của phòng xử án, ở bậc phía dưới là luật sư, người giám định, bị can, bị cáo… Chúng ta chia phòng xử án thành tầng trên, tầng dưới dưới thì liệu có sự bình đẳng trong tranh tụng hay không”, Tiến sĩ Phan Trung Hoài nêu câu hỏi.
Dưới một góc nhìn khác, bà Lê Thị Thu Ba - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cho rằng, dù Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Tố tụng Hình sự đã có những quy định mới tiến bộ, trao cho bên gỡ tội nhiều quyền hơn trước như quyền được thu thập chứng cứ, quyền được tiếp xúc với bị can bị cáo sớm hơn của luật sư, ghi nhận về quyền im lặng của bị can bị cáo, cho phép bị can bị cáo được đọc tài liệu hồ sơ vụ án liên quan đến hành vi phạm tội của mình… Tuy nhiên dự thảo vẫn chưa thật sự tạo ra sự bình đẳng giữa các bên buộc tội và gỡ tội trong quá trình tố tụng. Bởi dự thảo sửa đổi bổ sung vẫn phân chia chủ thể tố tụng thành bên tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) và bên tham gia tố tụng (gồm Luật sư, bị can, bị cáo, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự...). Cách phân chia này coi bên gỡ tội chỉ là “phụ thêm” của quá trình tố tụng là chưa thể hiện được vai trò của bên gỡ tội, đối trọng với Kiểm sát viên (bên buộc tội).
Mặt khác, bà Lê Thị Thu Ba nêu rõ, quy định về trình tự thủ tục xét hỏi tại phiên tòa, Dự thảo cho phép bị cáo được hỏi những người khác nhưng lại không cho họ được hỏi kiểm sát viên về những vấn đề, chứng cứ mà kiểm sát viên căn cứ để buộc tội họ là sự bất bình đẳng.
Bà Lê Thị Thu Ba phân tích rõ hơn: “Theo tôi, dự thảo có nêu bị cáo chỉ được hỏi các đối tượng khác mà không thấy quy định được hỏi KSV, là không bình đẳng, vì anh buộc tôi tôi thì tôi phải được hỏi lại anh về những chứng cứ anh buộc tội thì mới bình đẳng. Cho nên phải bổ sung vào dự thảo bị can, bị cáo cũng có quyền hỏi lại kiểm sát viên chừng nào họ vẫn chưa bị coi là người có tội, chỉ mới là người bị tình nghi… Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, họ cần được đối xử bình đẳng như chủ thể khác…”.
Tố tụng tranh tụng phân định rõ chức năng buộc tội thuộc về cơ quan điều tra và công tố, chức năng bào chữa thuộc về bị cáo và luật sư của họ, còn chức năng xét xử thuộc Toà án. Với tính chất, chức năng như vậy, có thể thấy Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa tại phiên tòa sẽ tạo thành thế kiềng ba chân, trong đó bên buộc tội và bên gỡ tội phải được đặt ở vị trí ngang nhau, bình đẳng với nhau để thực hiện tốt nhất chức năng của mình. Vì vậy chỉ khi có những quy định đảm bảo tốt hơn sự bình đẳng giữa hai chủ thể buộc tội và gỡ tội trong tố tụng hình sự thì mới có được sự tranh tụng thực chất, đảm bảo không để lọt người phạm tội, nhưng không thể làm oan một người vô tội./.
Nghe âm thanh tại đây: