Cấm bán rượu bia sau 22h: Cần một cơ chế để người ta không dám uống
VOV.VN - Phải có một cơ chế tạo sức ép khiến người ta không thể uống được, bởi sẽ bị thải loại ra khỏi cuộc cạnh tranh ở cơ quan, doanh nghiệp.
Dự kiến, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 5 năm 2018. Hiện dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến trong dư luận và vấp phải không ít phản ứng.
Vì sao lại như vậy? Phải chăng đó là do nhiều quy định trước đó đã không thể thực hiện như quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm công chức uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, cấm đại lý kinh doanh internet hoạt động sau 22h…
Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. |
Cấm bán công khai, người ta sẽ bán kín
PV: Thưa ông, lý giải cho việc ban hành quy định cấm bán rượu bia sau 22h, Bộ Y tế đưa ra dẫn chứng đến năm 2015, trên thế giới đã có 67 quốc gia có quy định này trong luật và người dân các nước đó thực hiện rất nghiêm. Những viện dẫn đó theo ông có đủ sức thuyết phục?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Theo tôi việc tham khảo pháp luật các nước trên thế giới là điều tất yếu phải làm, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hiện nay vì nó sẽ góp phần làm cho pháp luật của Việt Nam, quá trình hội nhập của Việt Nam tương thích với luật pháp quốc tế cũng như tương thích với đời sống văn hóa trong xã hội của các nước trên thế giới.
Việc Ban soạn thảo tham khảo 67 luật của các quốc gia trên thế giới, trong khi thế giới có đến 200 quốc gia, vậy vì sao 2/3 số còn lại không ban hành quy định? Ban soạn thảo cần có trách nhiệm giải trình rõ vì sao các quốc gia này không ban hành, chưa ban hành các quy định này. Trong các quốc gia chưa ban hành quy định này, quốc gia nào có điều kiện về kinh tế, văn hóa, địa lý tương thích với Việt Nam mà họ chưa ban hành được, họ gặp khó khăn gì. Bên cạnh đó, trong số 67 quốc gia đã thành công, có những quốc gia nào có điều kiện tương tự như Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập, việc áp dụng tinh hoa pháp luật của thế giới cần phải lưu ý: cố gắng không để Việt Nam trở thành một khu vực đặc thù, một ốc đảo về pháp luật, phải tiếp thu những mặt tiến bộ của thế giới nhưng không áp nguyên khuôn mẫu của nước ngoài vào.
PV: Theo luật sư có nên cấm không? Và liệu có cấm được không?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Nhìn những bệnh nhân là nạn nhân của rượu bia, thuốc lá, lý trí tôi cho rằng cần phải cấm, nhưng kinh nghiệm lại nhắc tôi nên chọn một giải pháp khác phù hợp hơn
PV: Liệu đây có phải là không quản được thì cấm, thưa ông?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Phải nhìn trong một quá trình phát triển, tư duy làm luật là tư duy xin cho, nhà nước cho, người dân, doanh nghiệp đi xin. Nhưng xu hướng sau này, cùng với việc ra đời Luật Doanh nghiệp 1999, sau này Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, cách tiếp cận vấn đề đã khác, tức là nhà nước khoanh vùng cấm, khoanh vùng có điều kiện, và khoảng không tự do cho hoạt động kinh doanh.
Trong trường hợp này, tôi cho rằng không phải Nhà nước cấm toàn bộ hoạt động kinh doanh rượu bia, dự thảo quy định này chỉ cấm trong một thời gian nhất định. Như vậy không có gì mâu thuẫn về cách tiếp cận, xu hướng phát triển của luật pháp hiện nay.
Theo tôi, chúng ta đang đi đúng hướng, việc thảo luận quy định cấm bán rượu bia sau 22h chỉ là một phần của việc hạn chế điều kiện kinh doanh vì lợi ích và sức khỏe của cộng đồng, của quốc gia. Chúng ta bàn nó trong bối cảnh đó.
Phải có cơ chế mà người muốn uống không dám uống
PV: Có ý kiến đề nghị nên đánh thuế rượu bia, thuốc lá thật cao và xử phạt thật nặng các hành vi vi phạm pháp luật trong tình trạng say thay vì việc cấm bán rượu bia?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Ý kiến trên theo tôi cần nhìn từ 2 góc độ. Ở góc độ kinh tế, xu hướng chung hiện nay là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia và sẽ còn tăng lên. Tôi cũng ủng hộ quan điểm này, vừa để răn đe, vừa để hạn chế.
Tuy nhiên, có thể sẽ gặp thách thức rất lớn trong quá trình soạn thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tăng thuế đối với rượu bia, thuốc lá sẽ gặp phát sinh hệ lụy như buôn lậu hay khuyến khích nấu rượu (hiện Luật Hình sự đã bỏ tội nấu rượu lậu). Theo tôi cần tìm một giải pháp để dung hòa hợp lý, nếu đẩy quá nhanh mà không kiểm soát được buôn lậu hay vấn đề tự sản xuất có thể gây tác hại ở một phương diện khác.
Phạt thật nặng nhưng quan trọng là cần phải làm một cách tổng thể không chỉ là vấn đề phạt, tăng thuế mà vấn đề là phải xây dựng một môi trường trong đó người lao động kém, lao động không năng suất, không chịu khó học hành sẽ bị xã hội thải loại. Cơ chế đó sẽ tạo ra sức ép khiến người ta không thể uống được, bởi sẽ bị thải loại ra khỏi cuộc cạnh tranh ở cơ quan, doanh nghiệp. Theo tôi, đây là giải pháp căn cơ và toàn diện hơn, cả về kinh tế, xã hội, văn hóa.
PV: Theo ông chúng ta cần có những thay đổi gì để trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không vấp phải phản ứng của người dân về tính khả thi, thậm chí là hệ lụy nhờn luật, coi thường pháp luật?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Chúng ta đã có những quy định tưởng chừng như khó khăn, đi ngược lại với truyền thống của dân tộc nhưng chúng ta đã làm được. Ví như quy định cấm đốt pháo, cho đến nay sau hơn 10 năm triển khai, chúng ta đã thực hiện tương đối nghiêm quy định này. Quy định thứ hai về việc người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, tuy chưa được thực hiện triệt để nhưng về cơ bản có thể đánh giá là tích cực. Qua việc thực hiện 2 quy định này, chúng ta thấy rằng nếu có động lực và quyết tâm vẫn có thể làm được.
Tuy nhiên cũng cần nói rằng, 2 quy định trên là dễ phát hiện. Còn với quy định về sản xuất hàng giả, hàng nhái, sản phẩm không an toàn hay tới đây là quy định không bán rượu bia sau 22h… rất khó để phát hiện khi người ta bán kín, bán trong nhà. Thực tế ấy khiến dư luận hoàn toàn có thể nghi ngờ về tính khả thi của những quy định này.
Vấn đề nằm ở việc lựa chọn chính sách. Trong nguồn lực của quốc gia hiện có, nên ưu tiên lựa chọn gì, nếu lựa chọn hạn chế tai nạn giao thông, ma túy, an toàn thực phẩm, mà nguồn lực chưa thể đáp ứng, thì cần phải cân nhắc có nên đưa vào luật hay không.
Để quyết định điều đó, Quốc hội phải là cơ quan cuối cùng giám sát về tính khả thi. Quy định của luật có thể tốt, rất văn minh, hiện đại vì mục tiêu tốt đẹp nhưng nếu không khả thi vì nguồn lực không có, vì nguy cơ có thể bị biến dạng, bị lạm dụng thì phải hết sức cân nhắc.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, hiện Việt Nam đang đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan), thứ 10 ở châu Á và thứ 29 thế giới về lượng rượu, bia được sử dụng, gấp hơn 4 lần mức tiêu thụ trung bình toàn cầu.
Còn theo khảo sát trên 1.840 bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia.
TPHCM: Hơn 3.000 ca cấp cứu do tai nạn liên quan đến bia rượu
Trà Vinh: Cấm cán bộ, công chức uống bia rượu trong giờ hành chính