Cần xử lý hình sự nữ tài xế chạy xe ngược chiều trên cao tốc
Theo luật sư, hành vi chạy xe ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của nữ tài xế đã vi phạm nghiêm trọng luật giao thông, cần phải xử lý hình sự.
Trước đó, vào khoảng 16h25 ngày 28/2, bằng hệ thống camera giám sát, Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 (Đội 2), Phòng tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, Cục CSGT đã phát hiện xe con biển kiểm soát 30A-30669 đi ngược chiều làn 1 tại km 30 hướng Hà Nội - Hải Phòng ngược về Hà Nội.
Hình ảnh nữ tài xế cho xe đi ngược chiều trên cao tốc. Ảnh cắt từ clip |
Danh tính nữ lái xe được xác định là Lê Thị Kim A (SN 1976, địa chỉ thường trú tại Thành phố Hà Nội). Nữ tài xế này cho biết, do đi nhầm đường nên lái xe đã quay đầu đi ngược chiều trên cao tốc để ra cao tốc.
Tổ công tác thuộc Đội 2 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi trên, theo quy định tại Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Về sự việc xảy ra ở trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi chạy xe ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của nữ tài xế đã vi phạm nghiêm trọng luật giao thông, cần phải xử lý hình sự.
“Người phụ nữ này không chỉ lái xe ngược chiều trên cao tốc mà còn lái xe vào làn đường bên trong - làn đường dành cho phương tiện chạy xe tối đa 120km/h.
Đây là hành vi vi phạm luật giao thông rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản, phương tiện lưu thông. Mức phạt 7,5 triệu đồng theo Nghị định 46 mà Đội 2 - Cục CSGT đưa ra là phù hợp với luật hiện hành", luật sư Thơm nói.
Tuy nhiên theo luật sư Thơm, trong trường hợp này nên áp dụng bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về xử phạt, xử lý hình sự đối với người tham gia giao thông.
"Mặc dù, vụ việc trên chưa gây ra hậu quả nhưng có nguy cơ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, vì thế nên bị xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Thơm nói.
Cũng theo luật sư Thơm, từ trước đế nay, chưa có trường hợp xử lý hình sự về việc vi phạm điều khiển giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng người khác. Đây là điều bất cập do chưa có hướng dẫn.
Nên xem xét nguy cơ gây nguy hiểm nghiêm trọng có khả năng xảy ra trên thực tế để xử lý hình sự đối với những vi phạm giao thông nhằm ngăn chặn những trường hợp tương tự có thể xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng trong thực tế.
"Cần có những hướng dẫn cụ thể để các cơ quan tố tụng đánh giá về tính chất, mức độ vi phạm để xử lý đúng và phù hợp”, luật sư Thơm cho biết./.
Điều 260: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ BLHS 2015
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
......................
5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Đã xác định chủ xe chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang
Ba ô tô “rủ nhau” chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang