Chồng ngoại tình, tòa có thể xử có lợi cho vợ khi phân chia tài sản
VOV.VN - Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi phân chia tài sản, người vợ có thể có lợi hơn khi tòa xét yếu tố lỗi dẫn đến ly hôn của người chồng
Việc lùi thời hạn thi hành Bộ luật Hình sự 2015 cũng đồng nghĩa với việc chưa áp dụng quy định xử phạt hình sự Điều 182 đối với tội ngoại tình. Tuy nhiên, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nếu tòa xét đến yếu tố lỗi dẫn tới ly hôn của người chồng, người vợ có thể có lợi hơn khi phân chia tài sản sau ly hôn.
Giải đáp băn khoăn của độc giả của VOV.VN về việc độc giả này có đầy đủ bằng chứng việc chồng mình ngoại tình thì có thể đơn phương làm đơn ra tòa đề nghị ly hôn được không, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cho phép cả vợ, chồng đều có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Theo đó mỗi bên đều có quyền đơn phương nộp đơn ra tòa án để yêu câu giải quyết ly hôn. Đối với trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên, Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định để được tòa án thụ lý đơn ly hôn đơn phương thì cần phải có căn cứ ly hôn, bao gồm: Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Tình trạng hôn nhân trầm trọng ở đây được hiểu là: Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình. Trường hợp nếu chồng hoặc vợ có hành vi ngoại tình, đã bị phát hiện hay bà con thân thích hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, khuyên bảo, khuyên giải nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình thì được xem là tình trạng hôn nhân trầm trọng, theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình, tòa án có căn cứ để xét đơn đơn phương ly hôn, trừ trường hợp tại khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Trong trường hợp của độc giả này, vì người chồng có ngoại tình với người phụ nữ khác nên đã đơn phương xin ly hôn, tức là tòa án căn cứ vào trường hợp đây có phải tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không thể đạt được để làm căn cứ xét đơn ly hôn.
Theo luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo), trường hợp của độc giả đơn phương xin ly hôn, việc giao con cho chồng hoặc vợ sẽ phải theo quy định của các Điều 81,82,85,87 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014,việc giao con sẽ do thỏa thuận của hai bên hoặc do tòa án quyết định. Trường hợp con từ 7 tuổi phải hỏi ý kiến của cháu và dưới 36 tháng thì giao cho mẹ nuôi dưỡng. Nếu người chồng được cho là có lối sống đồi trụy sẽ bị hạn chế quyền và có thể tòa án quyết định giao con chung cho người mẹ chăm sóc.
Việc phân chia tài sản trong trường hợp này theo luật sư Tạ Quốc Long sẽ được giải quyết theo nguyên tắc tài sản chung được chia theo thỏa thuận hoặc theo luật định. Người vợ cũng có thể có lợi hơn khi tòa xét yếu tố lỗi dẫn đến ly hôn của người chồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình./.