Chuyên gia Luật:'Có Tòa vẫn coi việc phản cung là tình tiết tăng nặng'

VOV.VN - Khi Tòa hỏi, bị cáo trình bày không đúng sự thật, có một số trường hợp Thẩm phán đánh giá thái độ đó của bị can, bị cáo là ngoan cố. Như thế là không đúng…

Theo Bộ Luật Tố tụng hình sự hiện hành, chưa có quy định nào cho phép người bị tạm giữ, bị can được quyền im lặng để chờ người bào chữa. Trong dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đã bổ sung quy định người bị tạm giữ, bị can có quyền không buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại mình và quyền đọc hồ sơ của bị can, bị cáo. Quy định này đang nhận được sự quan tâm của dư luận và có nhiều ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng, quy định này để để bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình, tạo điều kiện để bị can, bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa đã được Hiến định. Ngược lại, các ý kiến khác lại cho rằng, không nên quy định cho bị can, bị cáo có các quyền này vì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bị cáo phải được biết mình có những quyền gì

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, Điều 48, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng đã có các quy định về quyền của người bị tạm giữ. Khoản 2 Điều này quy định rõ, người bị tạm giữ có quyền: Được biết lý do mình bị tạm giữ; Được giải thích về quyền và nghĩa vụ; Trình bày lời khai; Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng….

PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc
Điều 49, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng quy định, bị can có quyền: Được biết mình bị khởi tố về tội gì; Được giải thích về quyền và nghĩa vụ; Trình bày lời khai; Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; Được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc cho rằng, trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đã làm rõ hơn về quyền này, đó là người bị bắt, bị can, bị cáo có quyền từ chối không phải trình bày lời khai, có quyền không phải buộc đưa ra chứng cớ chống lại mình. “Tôi cho rằng đó là bước tiến trong Bộ Luật Tố tụng hình sự. Dự thảo đã làm rõ ràng hơn so với Bộ luật hiện hành, tạo điều kiện cho những người thực thi Bộ Luật này. Bản thân bị cáo, nếu họ nghiên cứu họ có thể hiểu rõ được mình có những quyền gì. Tôi cho rằng những bổ sung, sửa đổi đó là bước tiến rất đáng hoan nghênh”.

Phải hiểu đúng nội hàm “quyền im lặng”

Theo PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc, để hiểu đúng về “quyền im lặng” trước hết phải hiểu cho đúng thuật ngữ này và đối chiếu với Bộ luật Tố tụng hình sự ở nước ta có các quyền như vậy hay không?. Khi nói đến quyền im lặng, người ta thường nói đến quyền này ở trong Bộ luật Tố tụng Hình sự của Hoa Kỳ.  Muốn hiểu đúng quyền im lặng này chúng ta phải hiểu đúng quyền này trong luật pháp của Hoa Kỳ. Nói đến quyền này, nó liên quan đến một án lệ rất nổi tiếng trong lịch sử pháp luật tố tụng của Hoa Kỳ, đó là án lệ Miranda 1974. Trước đó, Hoa Kỳ cũng quy định cho bị can, bị cáo quyền được bào chữa trong đó có quyền có luật sư, quyền được từ chối các câu hỏi của cảnh sát cho đến khi nào có sự hiện diện của luật sư. Luật pháp Hoa Kỳ cũng đã quy định quyền đó, nhưng đến năm 1974, quyền này có thêm một nội hàm mới. Bởi lẽ từ án lệ Miranda, cảnh sát bắt một người tình nghi là Miranda thì họ đã lấy lời khai của người này mà không hề giải thích cho người bị bắt đó theo luật pháp họ có quyền từ chối các câu hỏi của cảnh sát cho đến khi nào họ có sự hiện diện của luật sư. Trong khi luật pháp quy phải cho người bị bắt biết họ có những quyền gì và lời khai của họ có thể sẽ được sử dụng như chứng cứ để chống lại chính họ.

Chính vì thế khi ra tòa, luật sư của Miranda đã yêu cầu Tòa không chấp nhận tất cả lời khai của thân chủ với cảnh sát vì ông ta cho rằng, cảnh sát đã không cung cấp cho ông ta các quyền tố tụng hình sự theo Hiến pháp, nên những lời khai đó không có giá trị. Những lập luật đó của luật sư được Tòa án tối cao của Hoa Kỳ chấp nhận, vì khi bị bắt, bị can không làm chủ được lời khai trong điều kiện họ không nhận thức được đầy đủ quyền hiến định của mình. Cho nên, lời khai đó không được chấp nhận để làm chứng cớ chống lại chính họ. Từ sau khi có án lệ Miranda, quyền bào chữa của bị can, bị cáo có thêm nội hàm nữa là quyền từ chối lời khai cho đến khi nào luật sư của mình xuất hiện. Tương ứng với quyền đó của người bị bắt, nghĩa vụ của cảnh sát là muốn lấy lời khai của người bị bắt, thì phải thông báo cho người bị bắt biết họ có những quyền gì theo quy định của pháp luật, trong đó có quyền được in lặng không trình bày lời khai cho đến khi có sự hiện diện của luật sư của họ.

“Như vậy, chúng ta hiểu rõ hơn quyền im lặng nó bao gồm 2 nội hàm. Thứ nhất quyền được trình bày lời khai. Người bị bắt, bị can, bị cáo thấy cần thiết trình bày lời khai thì họ trình bày, còn họ thấy không cần thiết trình bày khi chưa có sự hiện diện của luật sư của họ thì họ có thể từ chối cho đến khi có luật sư. Trong khoảng thời gian chưa có luật sư, không thể buộc họ phải trình bày lời khai, việc trình bày hay không là quyền của họ. Nội hàm thứ 2 là nghĩa vụ của cảnh sát khi thực hiện lời khai, phải thông báo đầy đủ cho người bị bắt biết họ các quyền như thế theo quy định của Hiến pháp và Luật Tố tụng hình sự. Chúng ta đi từ nội dung đó của pháp luật Hoa Kỳ đối chiếu với pháp luật Việt Nam, trong Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành, Điều 48, 49, 50 trong đó đều đã nói một số nội dung cơ bản giống như trong “quyền im lặng” của pháp luật Hoa Kỳ. Đó là quyền được biết lý do mình bị tạm giữ, quyền được biết mình bị khởi tố vì tội gì và quyền trình bày lời khai. Tôi cho rằng 2 nội hàm về “quyền im lặng” trong pháp luật Hoa Kỳ thực ra mà nói cũng đã đầy đủ trong Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 của Việt Nam. Nhưng tôi hoan nghênh dự thảo lần này làm rõ ràng hơn”- PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc nói.

Trình bày lời khai là quyền chứ không phải nghĩa vụ của bị cáo

Trước nhiều ý kiến khác lại cho rằng, không nên quy định cho bị can, bị cáo có  “quyền im lặng” để chờ người bào chữa vì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc cho rằng, những ý kiến đó không thuyết phục cả góc độ lý luận và thực tiễn. Vì Luật pháp và Hiến pháp đã thừa nhận quyền trình bày lời khai, đó là sự chọn của người bị bắt, bị can bị cáo, họ có quyền quyết định theo ý định của họ mà họ cho rằng là tốt nhất đối với họ.

 “Quyền trình bày lời khai là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Quyền và sự lựa chọn thực hiện quyền là lựa chọn của người bị bắt, bị can, bị cáo. Nếu họ thấy điều này có lợi cho họ, họ sẽ hợp tác với cơ quan điều tra để trình bày lời khai. Họ tận dụng quyền này như một khả năng để bào chữa cho mình. Nếu như vì lợi ích nào đó, họ có quyền từ chối hoặc không trình bày lời khai, đó là quyền của họ. Thế nên, về quy định đó là quyền hoàn toàn chính đáng, không có gì vi phạm pháp luật”- PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc nói.

PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc cũng cho rằng, nếu nói “quyền im lặng” gây khó khăn cho cơ quan điều tra, cũng hoàn toàn đúng. Bởi trong trường hợp người bị bắt, bị can, bị cáo im lặng, không cung cấp thông tin gì cho cơ quan điều tra, không trả lời bất cứ câu hỏi nào của cơ quan điều tra sẽ gây khó khăn hơn cho cơ quan điều tra so với trường hợp người bị bắt, bị can, bị cáo trình bày lời khai. Họ trình bày lời khai cũng xảy ra các tình huống, các thông tin của họ khai sẽ giúp cho các cơ quan điều tra đáng kể để họ kiểm tra lại. Cơ quan điều tra có thêm thông tin vì không ai bằng người trong cuộc. Còn người bị bắt sẽ tận dụng cơ hội đó khai báo để được giảm nhẹ tội. Tình huống thứ hai, khi người bị bắt, bị can, bị cáo trình bày lời khai không đúng sự thật. Luật quy định họ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu lời khai không đúng. Trong trường hợp này, nếu bị cáo trình bày lời khai gian dối cũng là một điều rất tốt cho cơ quan điều tra, bởi vì sẽ thêm được những thông tin để đối chứng. Qua lời khai gian dối đó, cơ quan điều tra cũng có thể hiểu được tâm lý của bị can, bị cáo và sự thật đằng sau những sự gian dối đó.

Có Tòa vẫn coi việc phản cung là tình tiết tăng nặng

Theo PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc, có hình thức bị can, bị cáo im lặng, không trình bày lời khai thì rõ ràng là khó khăn, thách thức cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, không phải vì chuyện đó mà lại dùng bạo lực, tra tấn nhục hình, ép cung để bị can, bị cáo phải trình bày lời khai. Nếu làm như thế là vi Hiến. Trong trường hợp này, nếu bị can, bị cáo không phối hợp với cơ quan điều tra, chúng ta phải vượt lên tình huống này bằng chuyên môn nghiệp vụ. Điều tra viên giỏi họ sẽ biết cách tác động hợp pháp chứ không phải bằng cách đe dọa tâm lý. Họ sẽ tác động cho bị can thấy rõ, điều tốt nhất đối với bị can là hợp tác với cơ quan điều tra. Phải có cách tác động để cho bị can, bị cáo hợp tác với mình.

“Luật còn quy định rất nhiều nguồn chứng cứ khác, chứ không riêng lời khai của bị ban, bị cáo. Nên trong trường hợp bị can, bị cáo không khai thì vẫn có nhiều cách để chứng minh. Rất nhiều vụ án mà bị can, bị cáo kêu oan, không trình bày gì nhưng chúng ta vẫn có những chứng cứ để chứng minh”- PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc nói.

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cho rằng, trong trường hợp bị can khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án thì được gọi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Còn nếu họ trình bày không đúng sự thật thì cũng không được coi đó là tình tiết tăng nặng. Tòa không được căn cứ vào đây để tăng nặng hình phạt cho bị can, bị cáo.

“Trong áp dụng pháp luật đã có một số Tòa án địa phương không tuân thủ quy định này của Bộ luật. Khi Tòa hỏi, bị cáo trình bày không đúng sự thật, có một số trường hợp thẩm phán đánh giá thái độ đó của bị can, bị cáo là ngoan cố. Như thế là không đúng, theo quy định của luật không coi việc phản cung là tình tiết tăng nặng. Cho nên không coi đó là tăng nặng, nếu không làm như thế là không đúng tinh thần của Bộ luật Tố tụng Hình sự”- PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyên gia Luật nói gì về mức án dành cho Lê Văn Luyện?
Chuyên gia Luật nói gì về mức án dành cho Lê Văn Luyện?

 TS Luật Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, do những quy định hiện hành còn bất cập, nên hình phạt dành cho tên Lê Văn Luyện còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…

Chuyên gia Luật nói gì về mức án dành cho Lê Văn Luyện?

Chuyên gia Luật nói gì về mức án dành cho Lê Văn Luyện?

 TS Luật Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, do những quy định hiện hành còn bất cập, nên hình phạt dành cho tên Lê Văn Luyện còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…

Băn khoăn về quyền im lặng của bị can, bị cáo
Băn khoăn về quyền im lặng của bị can, bị cáo

VOV.VN - Nhìn chung các ý kiến ĐBQH ủng hộ quyền bị can, bị cáo tự do trình bày lời khai. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về “quyền im lặng”.

Băn khoăn về quyền im lặng của bị can, bị cáo

Băn khoăn về quyền im lặng của bị can, bị cáo

VOV.VN - Nhìn chung các ý kiến ĐBQH ủng hộ quyền bị can, bị cáo tự do trình bày lời khai. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về “quyền im lặng”.

Luật hóa “quyền im lặng” phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Luật hóa “quyền im lặng” phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam

VOV.VN - Đưa quy định “quyền im lặng” vào luật phải đảm bảo  cân bằng chống oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Luật hóa “quyền im lặng” phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam

Luật hóa “quyền im lặng” phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam

VOV.VN - Đưa quy định “quyền im lặng” vào luật phải đảm bảo  cân bằng chống oan sai và bỏ lọt tội phạm.