Đề xuất tù tại gia là “ý tưởng hay” nhưng có phù hợp thực tế Việt Nam?

VOV.VN -Đánh giá đề xuất tù tại gia là một “ý tưởng hay” tuy nhiên, có ý kiến luật sư cho rằng chưa phù hợp để áp dụng vào Việt Nam thời điểm hiện nay. 

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) đã đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam. 

Nhấn mạnh, hình thức phạt tù đang gây ra áp lực nặng nề cho ngân sách nhà nước, đại biểu Hồ Đức Phớc cho rằng “đề xuất tù tại gia để giảm áp lực chi tiêu của ngân sách nhà nước”. Đại biểu cũng đề xuất chỉ áp dụng hình thức tù tại gia với những tội phạm ít nghiêm trọng, như vậy “vẫn đảm bảo về tác dụng giáo dục, người thi hành án phải xấu hổ với cộng đồng, với làng xóm xung quanh và bản thân gia đình cũng phải có trách nhiệm với người thi hành án trong việc giáo dục con cái”. 

Tuy nhiên, xung quanh đề xuất của đại biểu Phớc còn có những luồng ý kiến khác nhau. 

Tù tại gia có phù hợp với thực tế Việt Nam? (Ảnh minh họa, nguồn Flickr)

Tù tại gia là hạ thấp nhân phẩm con người

Dẫn các quy định tại Điều 32, Điều 65 BLHS 2015, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hình thức phạt tù tại gia, như đề xuất của đại biểu Hồ Đức Phớc, không có gì khác với hình thức cải tạo không giam giữ đã được quy định và áp dụng hiện nay. So với cải tạo không giam giữ, tù tại gia còn tốn chi phí lắp đặt, quản lý “tù”. Hơn nữa lại gây áp lực nặng nề cho người bị áp dụng. Thay vì có thể đi lại, sinh hoạt tạo ra giá trị để ổn định cuộc sống, thì tù tại gia lại khiến người bị áp dụng trở thành gánh nặng cho gia đình. 

Mặt khác, theo luật sư Quynh, hình thức tù tại gia không phù hợp với mục đích hình phạt của pháp luật Việt Nam. Theo quy định tại Điều 31 BLHS 2015, mục đích của hình phạt không chỉ trừng trị người phạm tội mà còn để giáo dục, răn đe đối với xã hội. Tuy nhiên, dưới góc độ xã hội, tù tại gia không những không đạt được mục đích hình phạt mà còn gây tiêu cực trong gia đình và xã hội.

Luật sư Quynh thấy rằng, những gia đình có người thân bị áp dụng hình thức tù tại gia, các thành viên còn lại phải hàng ngày đối mặt với việc người thân không bệnh tật, già yếu nhưng chỉ có thể tồn tại trong một vị trí nhất định, không thể sinh hoạt bình thường với gia đình. Hơn thế, đối với cha mẹ con cái của họ, đó còn là cả một hệ quả nặng nề. Những đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ bị tù ngay trong nhà mình sẽ dễ dàng nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Chúng sẽ tiếp nhận thế nào những bài học đạo đức từ một người đang bị cầm tù tại gia, chưa kể chúng dễ nảy sinh tiêu cực đối với xã hội. 

Việc một cá nhân bị cải tạo không giam giữ hay thậm chí là phạt tù, gia đình, xã hội sẽ nhắc và nhớ mãi. Tuy nhiên, chỉ mất một thời gian rồi họ sẽ quên dần khi tập trung lo cho cuộc sống, nuôi dạy con cái lớn khôn. Nhưng khi trong gia đình luôn hiện hữu một “khung sắt nhốt người tù” như vậy, sẽ chẳng bao giờ có thể quên được. Gia đình sẽ không thể nào giáo dục được con cái nên người và mục đích của hình phạt cũng không thể nào đạt được.

Như vậy, theo Luật sư Quynh, hình thức tù tại gia sẽ đi ngược với các quy định về quyền con người và không phù hợp với thuần phong mỹ tục, kinh tế văn hoá xã hội Việt Nam. 

“Đối với một người phạm tội, họ bị áp dụng hình phạt và có thể bị tước đi những quyền lợi của chính mình. Tuy nhiên, nhân quyền là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Việc cầm tù một người tại chính gia đình họ gây ra những ảnh hưởng đến danh dự khi bị “giam cầm” trong chính căn nhà của mình, có thể bị kiểm tra đột ngột… Những việc làm ấy là hạ thấp nhân phẩm con người, gây những ức chế tù túng khi nhìn những người thân trong gia đình sinh hoạt, vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người và khiến họ khó có thể hoà nhập cộng đồng sau khi thi hành án “tù tại gia”, được xóa án tích”, luật sư Quynh nhấn mạnh.

Tù tại gia chưa thích hợp để áp dụng tại Việt Nam

Luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) cho rằng, xét về yếu tố nhân đạo, hình thức tù tại gia là sự văn minh đang được thế giới áp dụng thành công. Nó không chỉ tránh được sự lãng phí tài sản xã hội, mà không đẩy người phạm tội ra quá xa cuộc sống thường ngày, tác động tâm lý tích cực tới tâm lý người phạm tội và người thân của họ. Từ đó đề cao giá trị giáo dục của hình phạt. 

Hình phạt tù thông qua việc hạn chế các quyền tự do, cách ly người bị phạt tù khỏi đời sống gia đình và xã hội, là sự trừng phạt nhằm vào tâm lý của người chịu hình phạt và từ đó giáo dục họ nhìn nhận lại hành vi sai trái của mình. Người chịu hình phạt sẽ phải tự giáo dục bản thân kết hợp với môi trường giáo dục chung của cơ sở giam giữ. Nhưng theo luật sư Long, thực tế ở nước ta hiện nay, do điều kiện kinh tế chưa phát triển, nên việc giam giữ phần nào vẫn còn những hạn chế về y tế, đời sống, giáo dục… đối với tù nhân. Sự tái phạm của số lượng lớn tù hình sự cũng có xuất phát từ môi trường giam giữ đông, quản lý chưa khoa học… và đối với một số người dường như sự giam giữ tập trung là không cần thiết.

Trong khi đó, hình thức giam giữ tại gia đã được áp dụng phổ biến ở các nước phát triển trên thế giới. Hình thức này không tách người phạm tội ra khỏi cuộc sống gia đình, chỗ ở của họ, nhưng cũng chỉ cho phép di chuyển trong một phạm vi rất nhỏ với sự giám sát của thiết bị điện tử (Hình thức này thậm chí nặng hơn tù treo ở nước ta). 

Ủng hộ đề xuất tù tại gia đối với các tội ít nghiêm trọng, thực hiện phạm tội do lỗi chủ quan là vô ý (tội về an toàn giao thông, vi phạm khi hành nghề…), nhưng luật sư Long đề nghị, để tránh sự tiêu cực và tùy tiện khi áp dụng hình thức tù tại gia, nên quy định các trường hợp cụ thể tội phạm nào sẽ được áp dụng. Như vậy, sẽ phù hợp với tính nhân đạo và nhân văn của pháp luật hình sự đồng thời đủ sức răn đe người phạm tội.

Đánh giá đề xuất của đại biểu Phớc là một “ý tưởng hay” đem lại nhiều lợi ích trong quản lý kinh tế, xã hội, tuy nhiên theo luật sư Hoàng Ngọc (Văn phòng luật sự Nhiệt Tâm và cộng sự), loại hình này chưa phù hợp để áp dụng vào Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Muốn áp dụng biện pháp này, luật sư Ngọc cho rằng, cần nghiên cứu, phân tích cụ thể để có thể đánh giá được tính hiệu quả phù hợp. Nhưng trước hết cần sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp chấp hành án phạt tù tại nhà trong văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để ban hành một đạo luật cần rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, đánh giá.

Về quan điểm của đại biểu Phớc cho rằng, hình thức phạt tù gây ra áp lực nặng nề cho ngân sách nhà nước. Đề xuất tù tại gia để giảm áp lực chi tiêu của ngân sách nhà nước, luật sư Hoàng Ngọc cho rằng, cần một sự tính toán cụ thể để đánh giá một cách toàn diện hiệu quả của biện pháp này với việc chấp hành án phạt tù tại trại giam. 

Dẫn thông tin từ nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Nguyễn Ngọc Bằng cho biết, mỗi phạm nhân tiêu tốn của Nhà nước khoảng 40 triệu đồng/năm, luật sư Ngọc đặt câu hỏi, trong trường hợp áp dụng biện pháp tù tại gia, chi phí cho mỗi phạm nhân ra sao? Đối với hình thức cải tạo trong trại giam, xét về lợi ích kinh tế, vẫn có thể khai thác sức lao động của chính phạm nhân thông qua việc lao động, cải tạo.

Tù tại gia là biện pháp mang lại nhiều hiệu quả cho các nước đã và đang áp dụng. Nhưng để khẳng định biện pháp này có thực sự cần thiết trong điều kiện pháp luật của Việt Nam hay không, theo luật sư Hoàng Ngọc, là một bài toán tổ hợp phức tạp đòi hỏi sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện trước khi đưa vào áp dụng thực tế./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại biểu Hồ Đức Phớc: Đề xuất “tù tại gia“ chỉ nên áp dụng với tội nhẹ
Đại biểu Hồ Đức Phớc: Đề xuất “tù tại gia“ chỉ nên áp dụng với tội nhẹ

VOV.VN - Đại biểu Hồ Đức Phớc cho rằng, đề xuất "tù tại gia" xuất phát từ thực trạng các cơ sở giam giữ đang quá tải, tội nặng hay nhẹ đều đưa vào giam.

Đại biểu Hồ Đức Phớc: Đề xuất “tù tại gia“ chỉ nên áp dụng với tội nhẹ

Đại biểu Hồ Đức Phớc: Đề xuất “tù tại gia“ chỉ nên áp dụng với tội nhẹ

VOV.VN - Đại biểu Hồ Đức Phớc cho rằng, đề xuất "tù tại gia" xuất phát từ thực trạng các cơ sở giam giữ đang quá tải, tội nặng hay nhẹ đều đưa vào giam.

Bé gái 7 tuổi bị bạo hành ở cơ sở tu tại gia
Bé gái 7 tuổi bị bạo hành ở cơ sở tu tại gia

VOV.VN - Một bé gái 7 tuổi sống trong cơ sở tu tại gia bị đánh bầm tím chân tay được cô giáo phát hiện báo cơ quan chức năng địa phương. 

Bé gái 7 tuổi bị bạo hành ở cơ sở tu tại gia

Bé gái 7 tuổi bị bạo hành ở cơ sở tu tại gia

VOV.VN - Một bé gái 7 tuổi sống trong cơ sở tu tại gia bị đánh bầm tím chân tay được cô giáo phát hiện báo cơ quan chức năng địa phương.