Gây tai nạn rồi bỏ chạy, bị xử lý như thế nào?
VOV.VN - Hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy khỏi hiện trường là vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của sự việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay có rất nhiều trường hợp người lái xe sau khi gây tai nạn giao thông đã bỏ bỏ chạy, để mặc nạn nhân tại hiện trường, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây nhất, ngày 8/5, ông Nguyễn Văn Điều - nguyên Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình khi điều khiển ô tô Toyota Altis BKS 29A-995.83 đã va chạm với 1 xe đạp trên đường Trần Thủ Độ, phường Tiền Phong, TP Thái Bình khiến người điều khiển xe đạp tử vong. Sau đó, ông Điều bỏ chạy rồi lại đâm vào 1 xe máy khác khiến người lái xe ngã xuống đường bị thương. Khi định chạy vào khu công nghiệp Phúc Khánh, bị bảo vệ đóng cổng nên xe đâm vào cổng sắt rồi dừng hẳn. 19 ngày sau khi Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Điều gây tai nạn giao thông chết người rồi bỏ chạy, Công an tỉnh sáng nay khởi tố vụ án.
Theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, đối với hành vi người gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân trên đường có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ; Cụ thể về xử lý hành chính tại khoản 8 điều 5 nghị định 100/2019/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 16.000.000 – 18.000.000đ trong trường hợp gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Ngoài ra, người gây tai nạn cũng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 260 của BLHS 2017 sửa đổi đối với các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ: “Với hành vi lái xe gây tai nạn chết người sau đó bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm, đây là một hành vi vi phạm pháp luật, một tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm C khoản 2 điều 260 BLHS năm 2015 về tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ, nếu bị quy kết trách nhiệm người phạm tội có thể bị xử phạt tối đa là 10 năm tù.” – Luật sư Giáp nhấn mạnh.
Trong trường hợp người gây tai nạn bỏ chạy, sau một thời gian ngắn quay lại đầu thú, Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho biết, đây có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ: “Nếu vì một lý do nào đó người vi phạm bỏ chạy, chưa nhận thức được hành vi của mình, nhưng trong một thời gian ngắn quay lại đầu thú thì đây có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 điều 51 BLHS hiện hành, cụ thể khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải được ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án".
Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp lái xe đã bỏ chạy khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn. Dưới góc độ tâm lý, đây là biểu hiện của trạng thái tinh thần hoảng loạn khi gặp những sự cố ngoài tầm kiểm soát. Dưới góc độ pháp luật, các trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn là do quá sợ hãi, muốn trốn tránh trách nhiệm pháp luật từ hành vi gây tai nạn của mình. Tuy nhiên, dù là lý do gì, việc bỏ chạy khỏi hiện trường là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của sự việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.