Gia đình nạn nhân có đơn, Trưởng ban Nội chính Thái Bình có thoát tội?

VOV.VN -Ông Nguyễn Văn Điều đang bị cơ quan chức năng khởi tố vì vậy không có căn cứ để được miễn trách nhiệm hình sự.

Chiều 3/6, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Điều (tên thường gọi là Nguyễn Văn Dũng, SN 1967, trú tại thôn Bùi Xá, Minh Lãng, Vũ Thư, Thái Bình) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Hình ảnh được cho là ông Nguyễn Văn Điều sau khi xảy ra vụ tai nạn khiến 3 người thương vong

Cùng ngày, VKSND TP Thái Bình ra Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can.

Phạt tù từ 3-10 năm

Liên quan đến thông tin gia đình nạn nhân có đơn xin không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trưởng ban Nội chính Thái Bình sau khi gây TNGT khiến 1 người chết, 2 người bị thương, trao đổi với phóng viên VOV, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho rằng: Vụ TNGT khiến ba người thương vong có dấu hiệu tội phạm, có nghĩa là có người có lỗi vi phạm các quy định khi tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chính vì thế, sau khi xác định vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm, ngày 26/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Sau khởi tố vụ án hình sự là khởi tố bị can.

Luật sư Cường phân tích, thông tin ban đầu vào khoảng 18h10 ngày 8/5, trên đường Trần Thủ Độ, đoạn đối diện cây xăng Phiệt Học, thuộc phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình xảy ra một vụ TNGT giữa xe ôtô mang BKS 29A-995.83 và 1 người đi xe đạp khiến bà Phạm Thị Ng. (SN 1957, trú tại tổ 10, phường Tiền Phong, TP Thái Bình) bị văng ra xa, va đập với một chiếc xe máy chạy theo chiều ngược lại và tử vong tại chỗ, người đi xe máy bị thương nặng. Sau vụ tai nạn chết người, tài xế điều khiển xe bỏ chạy vào khu công nghiệp Phúc Khánh và bị người dân chặn cổng. Như vậy, có thể thấy vụ tai nạn này diễn ra có nhiều người chứng kiến, xác định rõ chiếc xe gây tai nạn và người điều khiển chiếc xe này.

Trong quá trình xác minh tin báo cũng như trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể thu thập các chứng cứ từ dấu vết để lại tại hiện trường, trên phương tiện giao thông và lời khai của những người làm chứng. Nếu kết quả điều tra chứng minh được ông Điều có lỗi thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, sử dụng rượu bia và còn bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc không cứu giúp người bị hại thì người này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 3 - 10 năm tù theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cũng theo vị luật sư này, theo quy định của pháp luật, thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng phải có nhiều công sức đóng góp cho đất nước, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo cũng sẽ là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

"Mức hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự", luật sư Cường phân tích.

Gia đình bị hại có đơn miễn TNHS cũng chỉ là tình tiết giảm nhẹ

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội cho rằng, mặc dù các gia đình bị hại đều có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Điều thì đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ Luật hình sự.

Theo quy định của pháp luật, việc đình chỉ giải quyết vụ án hình sự chỉ xảy ra khi có căn cứ. Đó là, việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.  Theo đó, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại là trường hợp đặc biệt do tính chất của vụ án và vì lợi ích của người bị hại, cơ quan có thẩm quyền không tự ý quyết định việc khởi tố mà việc khởi tố được thực hiện theo yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại.

“Theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định trường hợp vụ án đã được khởi tố nhưng sau đó bị hại hoặc đại diện của họ rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ. Tuy nhiên, qua thông tin truyền thông báo chí cho thấy Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án đối với ông Nguyễn Văn Điều theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhưng tội này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại vì vậy việc rút đơn đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự của gia đình bị hại không làm thay đổi quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Điều”- luật sư Phạm Thị Thu cho biết.

Cùng với đó, Điều 29 Bộ luật hình sự cũng quy định, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự khi người thực hiện tội phạm nghiêm trọng vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Điều đang bị cơ quan chức năng khởi tố theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng, vì vậy, không có căn cứ để ông Nguyễn Văn Điều được miễn trách nhiệm hình sự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên